19/01/2025 | 09:40 GMT+7, Hà Nội

Công nghiệp điện tử Việt Nam: Khi niềm tin ký thác sai nơi, nhầm chỗ

Cập nhật lúc: 19/07/2019, 08:00

Hàng chục năm qua, Chính phủ đã xác định công nghiệp điện tử là ngành công nghiệp trọng yếu và dành nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng hiệu quả đem lại rất nhỏ bé.

Hàng chục năm qua, Chính phủ đã xác định công nghiệp điện tử là ngành công nghiệp trọng yếu và dành nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng hiệu quả đem lại rất nhỏ bé. Tới nay, những lùm xùm trong ngành công nghiệp điện tử thời gian qua liệu có phải đã cho thấy chúng ta đã ký thác niềm tin sai nơi nhầm chỗ?

1. Asanzo từng được ví von là “hiện tượng” của nền công nghiệp điện tử Việt Nam, cho tới khi Báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài nêu việc doanh nghiệp này sử dụng linh kiện Trung Quốc, xé nhãn “Made in China” và dán nhãn “Xuất xứ Việt Nam” lên sản phẩm.

Thêm nữa, không chỉ nhập hàng nguyên chiếc khai báo linh kiện, Asanzo còn gỡ tem “Made in China” rồi dán đè tem “Xuất xứ Việt Nam” lên sản phẩm, với một quy trình rất bất ngờ.

Giữa “khủng hoảng”, lãnh đạo Asanzo đã gặp gỡ báo chí để làm rõ các thông tin nêu trên.

Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam cho rằng, đối với sản phẩm tivi, Asanzo nhập 70% linh kiện Trung Quốc, 30% còn lại Asanzo tự làm như: thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV, bộ nguồn phù hợp với điện 220V, remote... Ngoài ra, Asanzo còn có đóng góp vỏ nhựa, dây nguồn, thùng xốp, bao bì giấy, nhân công,... vào “tỉ lệ nội địa”.

Vậy là, chỉ với “tỉ lệ nội địa” như vậy, hàng điện tử gia dụng của Asanzo đã được chứng nhận là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, khiến bao người cười ra nước mắt.

Thật may, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã lập tức tước chứng nhận trên, đã thông tin rằng:  hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng Việt,…

Công nhân lắp ráp điện thoại tại nhà máy Samsung Thái Nguyên - Ảnh. SGGP Công nhân lắp ráp điện thoại tại nhà máy Samsung Thái Nguyên

2. Không phải tới khi Asanzo bị “lộ”, ta mới biết sự tồn tại của những sản phẩm điện tử “vỏ Việt ruột Tàu”.

Quay lại lịch sử, từ những năm 1990, dưới “tán cây bảo hộ”, ngành điện tử Việt Nam có những bước tiến lớn, với tốc độ tăng trưởng 20% - 30%/năm, xuất khẩu sang 35 nước,… và được tung hô là phát triển vượt bậc. Rồi sang những năm 2000, hàng loạt “tên tuổi” như Viettronic Tân Bình (VTB), Điện tử Biên Hòa (Belco), Điện tử Hà Nội (Hanel) đã phải dạt về các vùng xa xôi ở Bình Định, Quảng Ngãi, Nghệ An, An Giang, Lai Châu, Điện Biên, để bán hàng.

Ông Dương Minh - Giám đốc Công ty CP Điện tử Thủ Đức khi ấy đã thẳng thắn: “Tôi cho rằng ngành điện tử Việt Nam hiện nay là... con số không. Thực tế, các nhà lắp ráp trong nước hiện sản xuất theo quy trình: Nhập linh kiện từ Trung Quốc rồi lắp ráp, dán mác vào là xong”.

Sau sự thất bại của tivi, máy lạnh, máy giặt hay loa “made in Vietnam”, Nhà nước ta lại tiếp tục hỗ trợ phát triển công nghiệp máy tính.

Theo đó, từ Quyết định số 223/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc cho phép các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước mua máy tính lắp ráp trong nước, không phân biệt thương hiệu trong hay ngoài nước, đã lập tức có hơn 1,2 triệu máy tính được tiêu thụ, trong đó 70% máy tính lắp ráp trong nước. Khi ấy, nhiều người tin rằng “ngành công nghiệp” máy tính Việt Nam sẽ có “cú hích” để phát triển.

Những chiếc máy tính thương hiệu Việt như Robo, FPT Elead, CMS, SingPC, Nova, Trần Anh, Khai Trí, Bách Khoa Computer,… ra đời từ cuối những năm 1990 trở về sau, ít nhiều cũng bán được hàng, dù không thể so sánh với những thương hiệu máy tính toàn cầu.

Nhưng khi “mổ bụng” những chiếc máy tính thương hiệu Việt này, thì thấy những chi tiết quan trọng đều của nước ngoài, như vi xử lý của Intel, Ram (Kingston), ổ cứng (Kingston), màn hình (thường là Samsung), ổ cứng (Hitachi...), bộ nguồn (CoolerMaster, AcBel) … đều là sản phẩm ngoại nhập. Thậm chí, bộ nguồn là hàng “no name”, công suất “ảo”.

Sau máy tính để bàn, các doanh nghiệp Việt có bước vào sản xuất laptop, nhưng laptop thương hiệu Việt chẳng qua vẫn là “mác Việt”, là hàng ngoại “đội lốt”.

Học sinh một trường THCS tại huyện Thạch Thất, Hà Nội nhận máy tính do Hanel trao tặng năm 2010. Học sinh một trường THCS tại huyện Thạch Thất, Hà Nội nhận máy tính do Hanel trao tặng năm 2010.

3. Hơn 20 năm đã qua, dù doanh nghiệp điện tử Việt Nam hầu hết chết lâm sàng, thì chúng ta vẫn là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới.

Thành quả đó là nhờ chính sách khuyến khích đầu tư FDI, biến Việt Nam dần trở thành công xưởng của thế giới. Hiện lĩnh vực điện tử thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI với các tên tuổi lớn như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel,… Lúc này, công nghiệp điện tử Việt Nam chỉ “có tiếng mà không có miếng”, bởi phần lớn giá trị xuất khẩu đều nằm trong tay khu vực FDI (95%), tỷ lệ cung ứng linh kiện từ doanh nghiệp nội địa rất thấp.

Nguyên nhân của tình trạng trên cũng đã được chỉ ra tại nhiều diễn đàn công nghệ, rằng chính bởi sự vắng bóng của hoạt động R&D, đã khiến doanh nghiệp Việt không thể sở hữu nhiều công nghệ lõi, khó cạnh tranh để lớn mạnh thông qua chuyển đổi và hạ giá thành sản phẩm. “Muốn xây dựng ngành điện tử đích thực, đòi hỏi có sự táo bạo, nguồn đầu tư vật chất lớn của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần vận động doanh nghiệp nước ngoài chủ động chuyển giao công nghệ hiện đại cho đối tác Việt Nam, kể cả kinh nghiệm, cách làm…”, TS. Nguyễn Thị Kiều - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nêu đề xuất.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nói tới “nút thắt” về thể chế. Rằng trong khi tại các nước có nền kỹ nghệ điện tử phát triển, hầu hết thương hiệu lớn thuộc tư nhân, thì khu vực này ở Việt Nam chưa thể lớn, một phần cũng bởi sự độc quyền của khối quốc doanh và chính sách phân biệt đối xử hãy còn tồn tại nhiều bất cập, khiến rào cản gia nhập những lĩnh vực như viễn thông, internet là quá lớn.

Và để tìm ra hướng đi cho ngành công nghiệp điện tử Việt vốn đã tụt lại quá xa, thậm chí bị gạt ra ngoài rìa, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh việc kêu gọi đầu tư FDI, phát triển công nghiệp phụ trợ, Việt Nam nên hướng tới những lĩnh vực có ưu thế như nông nghiệp, tích hợp tri thức vi điện tử vào hoạt động sản xuất linh kiện, giải pháp giúp cải thiện năng suất và chất lượng nông nghiệp, giám sát môi trường, năng lượng xanh, hay thúc đẩy khởi nghiệp từ môi trường đại học?!

Có thế, những quy trình sản xuất “kỳ lạ”, những sản phẩm “vỏ Việt ruột Tàu” trong ngành công nghiệp điện tử Việt mới hết cơ hội gây tổn thương cho cả Nhà nước và người tiêu dùng.

Hàng chục năm qua, Chính phủ đã xác định công nghiệp điện tử là ngành công nghiệp trọng yếu và dành nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng hiệu quả đem lại rất nhỏ bé. Từ những lùm xùm đã qua, có phải đã cho thấy chúng ta đã ký thác niềm tin sai nơi, nhầm chỗ?

Nguồn: https://congluan.vn/cong-nghiep-dien-tu-viet-nam-khi-niem-tin-ky-thac-sai-noi-nham-cho-post65230.html