21/01/2025 | 11:14 GMT+7, Hà Nội

Chưa có nhiều xung lực nhưng không phải là yếu

Cập nhật lúc: 17/05/2019, 21:00

Một trong những lĩnh vực có liên hệ chặt chẽ với thị trường bất động sản (BĐS) là vốn, thuế và phí. Những yếu tố này sẽ có tác động trực tiếp như thế nào trong thời gian tới đối với BĐS?

Bất động sản trong đó có bất động sản nghỉ dưỡng đang còn tiềm năng rất lớn (Ảnh TL) Bất động sản trong đó có bất động sản nghỉ dưỡng đang còn tiềm năng rất lớn 

Một trong những chính sách tác động đến thị trường BĐS trong thời gian tới đó là vấn đề về thuế phí, dòng vốn… Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế Ngân hàng BIDV, thị trường vốn của Việt Nam chưa phát triển, chủ yếu là đi vay. Trong khi đó ở Mỹ và Châu Âu họ chỉ đi vay khoảng 35% ngân hàng, trong khi đó ở Việt Nam lên tới con số 60%.

Hiện nay có khoảng 20 doanh nghiệp (DN) niêm yết đã lên sàn chứng khoán BĐS. Cũng theo ông Lực, hiện nay Việt Nam đang có nhiều dòng vốn, dòng vốn đổ về BĐS tương đối nhiều. Trong khi đó, số lượng DN thành lập trong lĩnh vực BĐS tăng khá nhanh với tổng vốn đăng ký hiện khoảng 150 ngàn tỷ. Dòng vốn đầu tư công có khoảng 244 ngàn tỷ, trong khi khu vực FDI năm ngoái khoảng 6,5 tỷ USD trong lĩnh vực kinh doanh BĐS. Với đà này, năm nay chắc chắn BĐS công nghiệp, thương mại, BĐS cho nhà ở xã hội sẽ còn tăng.

Dòng vốn NHTM không phải âm mà tăng không được nhiều (năm 2018 tăng khoảng 5%-6%); Tổng dư nợ cho lĩnh vực kinh doanh BĐS là 510 ngàn tỷ tương đương với 7% tổng dư nợ. Ngoài ra cho vay đơn vị xây lắp chiếm khoảng 9% tổng dự nợ. Cho vay mua nhà, sửa nhà nằm trong tiêu dùng là 6,5%. Tổng dư nợ gộp cho tín dụng BĐS là 25%, con số này không hề nhỏ. Định hướng của cơ quan nhà nước là phải bóc tách tín dùng tiêu dùng ra, bởi nó tiềm ấn rủi ro.

Cũng theo ông Cấn Văn Lực, thị trường BĐS không đến mức là u ám và quá lo lắng, BĐS công nghiệp, BĐS nhà ở vẫn còn cơ sở để phát triển. Trong khi đó, BĐS du lịch vẫn chưa có pháp lý để phát triển, trong khi giải quyết vấn đề này không có gì là phức tạp.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Trung ương cho biết, vấn đề khung khổ cho BĐS và kinh doanh BĐS không chỉ của một cơ quan cụ thể mà là của cả một nhóm các cơ quan gồm: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, NHNN… nên chúng ta đã lập ra Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.

Theo ông Chung, có 5 rủi ro tới thị trường trong thời gian tới: Rủi ro kinh tế quốc tế lợi nhiều hơn hại; Rủi ro về kinh tế vĩ mô sẽ không có gì biến động; Rủi ro về thị trường sẽ nổi lên xu hướng căn hộ cao cấp và siêu sang, nhà phố cổ rất âm thầm nhưng vô cùng khốc liệt, nhà đất các địa bàn đang có dự án lên quận… Tất cả những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới việc điều chuyển luồng tiền; Rủi ro đối tác là không nhiều; Rủi ro về chính sách tôi cho rằng với những chính sách cho đến bây giờ chưa có gì biến động.

Ông Chung cũng cho biết, tới đây có 3 khả năng cho thị trường:

Thứ nhất, nếu thị trường cứ diễn biến bình thường không có gì xảy ra thì sẽ đi ngang với mức độ hơi điều chỉnh xuống.

Thứ hai, sẽ có 3 nhóm BĐS nổi lên: BĐS công nghiệp, BĐS cao cấp và siêu cao cấp, Nhà cho thuê ở mức độ bình dân

Thứ ba, biến động kinh tế thế giới không thuận và Việt Nam chỉ là người bị ảnh hưởng bởi nó, và kinh tế vĩ mô chỉ đi ngang thì thị trường BĐS có thể sẽ điều chỉnh và nếu có xảy ra thì phải là cuối năm.

Do đó, ông Chung cho rằng, năm nay là một năm nền kinh tế phát triển ổn định và thị trường BĐS không có nhiều xung lực nhưng không phải là yếu.