22/01/2025 | 18:12 GMT+7, Hà Nội

“Choáng” với điều kiện toàn điểm 10 mới được thi vào lớp 6 trường chuyên Hà Nội - Amsterdam

Cập nhật lúc: 19/04/2019, 16:24

Không ít phụ huynh cảm thấy “hụt hẫng” trước quy định phải toàn điểm 10 từ lớp 1 đến lớp 5 mới được dự thi vào lớp 6 trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, năm học 2019 - 2020.

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa mới ban hành Hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 6 THCS trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, năm học 2019 - 2020. Cụ thể, trong vòng sơ tuyển, thí sinh phải đạt điều kiện sau: Tổng điểm bài kiểm tra cuối năm môn Toán và Tiếng Việt ở cả 5 năm tiểu học, điểm kiểm tra cuối năm lớp 4 và lớp 5 môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý. Điểm sơ tuyển sẽ là tổng điểm học tập cấp tiểu học và điểm ưu tiên đạt từ 139 điểm trở lên.

Cụ thể, tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm của môn toán, tiếng Việt trong 2 năm học lớp 1 và 2 phải đạt từ 39 điểm trở lên. Như vậy, học sinh chỉ được phép duy nhất 1 bài kiểm tra điểm 9, còn lại là điểm 10 hết.

Năm lớp 3, tổng số các bài kiểm tra định kỳ cuối năm của 2 môn Toán, Tiếng Việt phải đạt 20 điểm. Đến năm lớp 4 và 5, từng năm phải đạt điểm 10 của tất cả 4 bài kiểm tra các môn: Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý. Ngoài ra, học bạ của học sinh các năm từ lớp 3 phải đạt “hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”.

 Trường THPT Chuyen Hà Nội - Amsterdam luôn nóng trong các kỳ tuyển sinh lớp 6 và lớp 10. Ảnh: Q.A

Trường THPT Chuyen Hà Nội - Amsterdam luôn "nóng" trong các kỳ tuyển sinh lớp 6 và lớp 10. Ảnh: Q.A

Sở GD&ĐT Hà Nội quy định, chỉ có những thí sinh có điểm sơ tuyển từ 139 trở lên sẽ tham gia vòng 2 với 3 môn kiểm tra đánh giá năng lực (vòng 2): môn Toán, tiếng Việt và tiếng Anh. Mỗi môn làm bài trong thời gian 45 phút, điểm tính theo thang điểm 10, điểm lẻ được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.

Ngay sau khi biết được thông tin tuyển sinh với những tiêu chuẩn khó như trên, nhiều phụ huynh có ý định cho con dự tuyển vào trường này cảm thấy “hụt hẫng” vì những tiêu chí quá khó, nhiều học sinh trượt ngay từ vòng 1, chỉ vì năm lớp một có môn kiểm tra điểm 9.

Một số phụ huynh cho biết, cách sơ loại là cần thiết vì chắc chắn số lượng thí sinh dự tuyển sẽ nhiều, công tác tổ chức thi tốn kém, lãng phí và quá tải thí sinh dự thi… Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cũng cho rằng, tiêu chuẩn áp dụng là quá khắt khe, trong khi cấp tiểu học không có mục tiêu là học sinh phải giỏi, toàn diện như vậy, nhiều phụ huynh không ép con học sẽ khó đạt tiêu chuẩn dự thi.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, hiện nay tâm lý phụ huynh mong muốn con vào trường điểm, trường chuyên, trường nổi tiếng là khá phổ biến và là nhu cầu chính đáng. Việc tổ chức đánh giá năng lực đầu vào lớp 6 thay vì chỉ xét học bạ sẽ làm giảm tình trạng “làm đẹp” học bạ, gây khó cho những trường nhu cầu đầu vào cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu. Giải quyết được khó khăn trong tuyển sinh cho các trường.

Tuy nhiên, theo TS Lâm: “Việc áp dụng điều kiện dự tuyển phải học bạ toàn điểm cao vô tình lại trở về với ngày trước, đó là không ngoại trừ việc nâng điểm, “làm đẹp” học bạ... Ngoài ra, việc tổ chức kiểm tra năng lực dễ phát sinh tình trạng ôn luyện tràn lan, dạy thêm học thêm gây tốn kém, áp lực cho học sinh. Các trường cũng cần công khai các dạng bài minh họa cho phụ huynh học sinh tham khảo, rèn luyện đáp ứng kỳ kiểm tra”.

Quang Anh