22/11/2024 | 13:38 GMT+7, Hà Nội

Tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Giáo viên khuyên những điều nên làm

Cập nhật lúc: 11/04/2019, 23:20

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 tại Hà Nội sẽ diễn ra.

 Với chỉ khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS được vào trường công lập, đồng nghĩa có khoảng 3 vạn học sinh học dân lập, trường nghề… điều này khiến kỳ thi “nóng” lên từng ngày.

 Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2019 – 2020 bắt đầu từ ngày 2/6 tới. Ảnh minh họa: Q.Anh

Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2019 – 2020 bắt đầu từ ngày 2/6 tới. Ảnh minh họa: Q.Anh

Khối lượng ôn tập nhiều hơn kỳ thi trước

Cuối tháng 3 vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chính thức công bố môn Lịch sử là môn thi thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10 THPT, năm học 2019 – 2020 cùng với Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc. Như vậy, sau khi biết môn thi thứ 4, thí sinh có thể “buông” các môn còn lại, bởi trước đó Sở GD&ĐT Hà Nội chưa lựa chọn môn thi mà chỉ đưa ra nhóm môn thi có thể được lựa chọn. Tuy nhiên, so với năm trước 2 môn là Ngữ văn và Toán, thí sinh của kỳ thi năm nay đã phải thi tới 4 môn.

Mệt phờ với lịch ôn thi, chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới diễn ra vào những ngày đầu tháng 6 tới, thí sinh Lê Thu Phương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh em cũng đã sẵn sàng và chú tâm học từ lâu, nên thời gian này tăng cường ôn tập và luyện đề thi, nhất là các bài khó. Tuy nhiên, môn Lịch sử là môn mà em cảm thấy khó học, dù đã đăng ký học thêm nhưng vẫn lo lắng nhất ở môn này vì năm nay là năm đầu thi môn này, ít tài liệu và các đề thi tham khảo để làm”.

Tương tự, thí sinh Ngọc Anh (lớp 9, THCS Khương Thượng, Hà Nội) cho biết: “Ra Tết là em đã đăng ký học ôn, luyện thi ở một số trung tâm có tổ chức ôn thi vào lớp 10. Mục tiêu của em là vào Trường THPT Kim Liên, mà trường này điểm hàng năm lấy rất cao. Nên buộc lòng em phải ôn luyện thật kỹ. Có tới 4 môn thi, nên em phải phân bổ thời gian cho cả đều 4 môn. Môn Lịch sử là môn phải học thuộc lòng, ghi nhớ các cột mốc nên em làm đề cương cẩn thận, học ôn nhóm để dễ nhớ và học hỏi lẫn nhau”.

“Để đánh giá thì tôi thấy kỳ thi vào 10 tại Hà Nội còn áp lực hơn cả thi đại học nên phụ huynh rất căng thẳng, không biết các con có kịp thích ứng với những thay đổi của kỳ thi hay không. Bản thân tôi xác định, không chỉ phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kiến thức còn là nền tảng cho những năm học cấp 3 và sau này nên việc chuẩn bị tâm lý, kiến thức và chủ động tìm hiểu thông tin về kỳ thi là điều rất cần thiết. Biết là con học ôn vất vả, nhưng không còn cách nào khác là phải chuẩn bị chu đáo để có thể thi tốt”, phụ huynh Nguyễn Thị Hồng (ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Lưu ý với các nguyện vọng

Trước những băn khoăn, lo lắng của cả học sinh lẫn phụ huynh, bà Trần Thúy Ngọc - Hiệu phó Trường THCS Trung Tú (Hà Nội) chia sẻ, việc xây dựng lộ trình học tập, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi phù hợp rất quan trọng. Không chỉ học sinh mà cần có sự đồng hành của các bậc phụ huynh. Về cách học, cách ôn và cách làm bài tốt cho dù môn thi còn lại là bất kỳ môn nào, cô Ngọc cho biết, trước mỗi bài học, học sinh nên đọc trước 2 - 3 lần tại nhà, vạch trước kiến thức trọng tâm. Sau khi học xong tại lớp, học sinh tự xây dựng sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức trọng tâm.

“Môn thi Lịch sử sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm nên chỉ cần nắm chắc kiến thức trọng tâm, kỹ năng làm bài trắc nghiệm thì không gì có thể làm khó được. Trong thời gian ôn thi, phụ huynh hãy dành thời gian quan tâm, chăm sóc tới chế độ ăn uống, tạo tinh thần thoải mái nhất cho con để con có thể tự tin bước qua ngưỡng cửa này”, bà Trần Thúy Ngọc đưa ra lời khuyên.

Liên quan tới kỳ thi vào lớp 10 năm học 2019 – 2020 tại Hà Nội, theo quy định của Sở GD&ĐT, đối với lớp 10 THPT công lập sẽ có 12 khu vực tuyển sinh, mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển vào 2 trường công lập. Cả hai nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên là nguyện vọng 1 và 2. Hai nguyện vọng này phải trong cùng một khu vực tuyển sinh, trừ các trường hợp: Có một trong hai nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 không chuyên Trường THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây hoặc Trường Phổ thông dân tộc nội trú… Riêng lớp chuyên, trường THPT công lập tự chủ tài chính và THPT ngoài công lập sẽ không theo khu vực tuyển sinh.

Theo một số giáo viên THCS, năm nay mỗi thí sinh có 2 nguyện vọng vào 2 trường công lập nên hết sức cân nhắc trong việc chọn trường. Để tránh việc trượt cả hai nguyện vọng dù có số điểm khá cao, lời khuyên được đưa ra là nguyện vọng 1 vào trường ở mức điểm chuẩn trong khả năng mình có thể đạt được, còn nguyện vọng 2 vào trường khả năng mình có điểm xét tuyển hoàn toàn đạt được. Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Phi Hùng - giáo viên môn Ngữ Văn Trường THPT Anhxtanh Hà Nội cho rằng, việc chọn trường hoàn toàn xuất phát từ mục tiêu và thực lực của mỗi thí sinh.

“Năm trước chỉ có 2 môn Toán, Ngữ văn nên học sinh được giáo viên tư vấn khá kỹ càng, việc làm các đề thi để đánh giá thực lực, đăng ký chọn trường dễ dàng hơn. Năm nay, thi 4 môn nên việc lựa chọn trường phù hợp sẽ khó hơn vì mỗi bạn phải ước lượng được năng lực của mình trong mỗi môn để ra được phần điểm số, từ đó chọn trường cho phù hợp. Thêm 2 môn thi nữa, nó có những biến cố nên việc ước lượng được mức điểm của mình để đăng ký vào các trường phù hợp với mình cũng tỏ ra khá là khó khăn. Bước vào giai đoạn cuối khi ôn thi, học sinh làm các đề thi kiểm tra để có được định hướng cho phù hợp”, thầy Phi Hùng chia sẻ.

Dự kiến, ngày 14/5/2019, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố công khai số lượng đăng ký dự tuyển vào lớp 10 không chuyên của từng trường THPT. Trường hợp học sinh muốn thay đổi nguyện vọng dự tuyển nộp đơn tại các phòng GD&ĐT trong hai ngày 15, 16/5/2019. Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, học sinh chỉ được thay đổi nguyện vọng dự tuyển giữa các trường trong khu vực tuyển sinh đã đăng ký; Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển vào các lớp chuyên, trường chuyên. Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội bắt đầu từ ngày 2/6 tới.

Quang Anh