05/12/2024 | 17:35 GMT+7, Hà Nội

Chi trả người lao động gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Hạn cuối nộp hồ sơ là 30/7

Cập nhật lúc: 09/06/2020, 14:28

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân...

 Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân 

Trong tuần này, các quận, huyện, thị xã sẽ xét duyệt, chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) mất việc, ngừng việc vì Covid-19.

Xin ông cho biết, Hà Nội đã tháo gỡ những khó khăn trong việc rà soát, xét duyệt đối tượng lao động tự do gặp khó khăn vì Covid-19 như thế nào?

- Hiện nay, các tổ dân phố, thôn, xã, phường trên địa bàn TP đang xét duyệt cho đối tượng lao động tự do và gặp rất nhiều khó khăn bởi những tiêu chí và điều kiện đặt ra chưa cụ thể. Ví dụ trong Quyết định 15 của Thủ tướng không nêu rõ những công việc cụ thể của nhóm ngành nghề Chăm sóc sức khỏe. Là cơ quan giúp việc cho UBND TP, chúng tôi đã tổng hợp các kiến nghị những khó khăn, vướng mắc và gửi đến Bộ LĐTB&XH.

Mặt khác, chúng tôi đã phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan; lấy ý kiến từ phường, xã, thị trấn, quận, huyện, thị xã để giải quyết những vướng mắc đó và đề xuất, kiến nghị với UBND TP. Trong tuần qua, Bộ LĐTB&XH đã có văn bản trả lời; lãnh đạo UBND TP đồng ý với những kiến nghị, đề xuất tháo gỡ. Chúng tôi đã tổng hợp, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể để cấp cơ sở có căn cứ xét duyệt bảo đảm đúng đối tượng, không để xảy ra trục lợi chính sách.

Những khó khăn đối với lao động tự do bị mất việc được tháo gỡ là gì, thưa ông?

- Thu nhập là tiêu chí căn bản nhất để xác định, xét duyệt đối tượng lao động tự do được hưởng gói hỗ trợ. Trong Quyết định 15 không nêu xác định thu nhập của lao động tự do phải phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh và gia cảnh của gia đình đối tượng. Cho nên, có lao động tự do làm công việc theo quy định ở trong gia đình có điều kiện vẫn được hỗ trợ.

Bởi vậy, khi xét duyệt có những ý kiến thắc mắc cho rằng như thế không công bằng. Nhưng đây là chủ trương và quy định đặt ra rất cụ thể, chỉ xác định thu nhập của chính NLĐ đó mà không xét đến hoàn cảnh của gia đình. Ví dụ, người xe ôm sống trong gia đình có điều kiện nhưng tháng 4/2020 giãn cách xã hội phải nghỉ việc không thu nhập, là đúng đối tượng hỗ trợ.

 Người lao động tự do đang được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. Ảnh: Thủy Trúc

Trường hợp NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, việc xét duyệt, hỗ trợ được thực hiện ra sao?

- Hiện nay, nhóm NLĐ đang thực hiện hợp đồng lao động tại các DN phải tạm dừng việc và nghỉ việc không lương cũng gặp khó khăn trong quá trình xét duyệt khi DN gửi hồ sơ về. Bởi quy định DN vẫn có doanh thu và còn nguồn để chi trả thì những NLĐ trong đơn vị đó không được hỗ trợ.

Thực tế, có những DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng chỉ cho khoảng 30% NLĐ nghỉ việc; 70% NLĐ vẫn hoạt động, đồng nghĩa DN vẫn có doanh thu. Vô hình trung, 30% NLĐ nghỉ việc không được hỗ trợ. Về việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị để tháo gỡ bởi mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ cho NLĐ bị khó khăn khi nghỉ việc.

Có tới 82.504 hồ sơ của NLĐ tự do bị mất việc làm, đến nay, số được xét duyệt hỗ trợ là bao nhiêu?

- Các hồ sơ này đang trong thời gian xét duyệt. Hội đồng xét duyệt cấp xã gồm rất nhiều thành phần tham gia sẽ xác minh, thẩm định để bảo đảm đúng tiêu chí, điều kiện và đối tượng. Sau khi xác minh sẽ công khai danh sách tại trụ sở UBND xã, phường và các kênh để người dân giám sát.

Sau 2 ngày niêm yết theo quy định, người dân không có ý kiến thì cấp xã, phường sẽ tổng hợp danh sách và báo cáo lên quận, huyện để xem xét. Cấp quận, huyện sẽ tổ chức một tổ thẩm định gồm danh sách và biên bản xét duyệt của cấp xã, phường, thấy bảo đảm mới trình chủ tịch UBND quận, huyện phê duyệt. Trong tuần này, các xã, phường, thị trấn tập trung xét duyệt đối tượng NLĐ tự do và chi trả cho họ.

Đến bao giờ Hà Nội sẽ kết thúc hỗ trợ cho các đối tượng, thưa ông?

- Sau khi nghiên cứu Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng, Sở đã xin ý kiến Bộ LĐTB&XH: Hà Nội có hai mốc 15/7/2020 và 30/7/2020 - thời gian chậm nhất để người sử dụng lao động cũng như các đối tượng NLĐ nộp hồ sơ. Việc Hà Nội quy định thời gian như vậy để giải quyết bảo đảm tiến độ.

Sắp tới đây, Sở sẽ thành lập các đoàn đi kiểm tra rất cụ thể, kỹ lưỡng từng hồ sơ. Nếu việc xét duyệt không bảo đảm, chúng tôi sẽ báo cáo UBND TP để có những xem xét trách nhiệm của từng cấp, từng ngành.

Xin cảm ơn ông!