19/01/2025 | 10:27 GMT+7, Hà Nội

Khi khó khăn người ta nghĩ đến vực dậy BĐS để thị trường khác bật theo

Cập nhật lúc: 09/06/2020, 06:00

Đó là nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khi phát biểu về thăng trầm của bất động sản thời gian qua và những xu hướng phát triển trong tương lai, hậu Covid - 19.

Bất động sản là đầu kéo vực dậy nền kinh tế khi khó khăn

Phát biểu tại tọa đàm: "Thăng trầm bất động sản 2010 - 2020 và những xu hướng sắp tới", ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, 10 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã không ngừng “vượt khó” và “khẳng định”.

“Những người lạc quan nhất thời điểm đóng băng 10 năm trước cũng không thể tưởng tượng được sẽ có một thị trường bất động sản thành công rực rỡ như hiện nay”, ông Hà nói.

Kể lại về thời điểm thị trường bất động sản giai đoạn năm 2009 - 2010, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ: "Lúc đó rất khó khăn. Chính phủ họp rất nhiều lần để bàn giải pháp. Trước đó cũng có rất nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến cho rằng bất động sản chỉ là ngành dịch vụ thôi, không cần cứu. Thậm chí có thể để “chết” cho giá nhà xuống, khách hàng có cơ hội mua.

Đến khi Chính phủ có Nghị quyết 02, tháo gỡ khó khăn cho bất động sản mới có thay đổi rõ nét. Đến năm 2013, Luật Đất đai và sau đó nhiều luật khác ra đời đã hoàn chỉnh thêm một bước về pháp lý điều chỉnh thị trường bất động sản".

Ông Hà đánh giá cao sự thay đổi trong công tác quản lý và phát triển bên cạnh việc bản thân doanh nghiệp nỗ lực tự tìm hướng đi, vượt qua khó khăn lúc thị trường ở thời kỳ đầu.

“Những người lạc quan nhất thời điểm đóng băng 10 năm trước cũng không thể tưởng tượng được sẽ có một thị trường bất động sản thành công rực rỡ như hiện nay”

“Trong 10 năm qua, mỗi năm Việt Nam phát triển 60 triệu m2 nhà, tăng 6,5m2/đầu người. Thị trường nghỉ dưỡng cũng "thay da đổi thịt" với hàng trăm dự án trải dài khắp các trung tâm du lịch. Cụ thể, hiện có khoảng 230 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã và đang triển khai, khoảng 80.000 căn codotel, 19.000 biệt thự du lịch, 10.300 phòng khách sạn và hơn 14.000 shophouse, số lượng này chủ yếu phát triển trong 10 năm qua. Tính mỗi sản phẩm có giá khoảng 2 tỷ đồng, thị trường này đã trị giá khoảng 250.000 tỷ đồng. Những vùng kém phát triển trước đây như Thanh Hóa, Quy Nhơn, Quảng Bình... cũng trỗi dậy mạnh mẽ nhờ bất động sản nghỉ dưỡng", ông Hà cho biết.

Do đó, khi nền kinh tế gặp khó khăn nói chung, ông Hà tin rằng vực dậy bất động sản sẽ là tiền đề cho hàng loạt những ngành kinh tế khác. Hiện tổng thu liên quan đến bất động sản chiếm khoảng 10 - 11% GDP đủ cho thấy sức ảnh hưởng lớn lao của lĩnh vực này đến nền kinh tế.

“Bất động sản là ngành kinh tế quan trọng, là đầu kéo thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác. Khi có khó khăn thì người ta lại nghĩ đến việc vực dậy thị trường bất động sản để lôi kéo thị trường khác bật dậy theo”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.

Phân tích về thăng trầm bất động sản trong thập kỷ qua, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, 10 năm thăng trầm của bất động có thể khái quát chung thành 2 giai đoạn, nổi bật là 6 năm gần đây.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC.

Cụ thể, giai đoạn đầu từ giữa năm 2010 - 2013, là giai đoạn bất động sản "đắp chiếu", cần những chính sách giải cứu từ Chính phủ. Cuối năm 2013, các nhà bất động sản "ngủ đông, tưởng như không biết bao giờ dậy". Ông Quyết dẫn chứng, từ 2011 - 2012, FLC thậm chí phải khởi kiện lại những người mua nhà vì không trả tiền để nhận nhà trong bối cảnh giá bất động sản đi xuống, các doanh nghiệp bất động sản lớn nhỏ đều đắp chiếu.

Tới năm 2014, bất động sản bắt đầu khởi sắc. "6 năm gần đây, bất động sản phát triển như chưa bao giờ rực rỡ đến vậy", ông Quyết nói.

"Nếu như trước đây, toà nhà FLC tại Mỹ Đình là một trong những toà nhà hiếm hoi sáng đèn thì bây giờ, chỉ cần nhìn từ toà tháp đôi của FLC tại Cầu Giấy ra toàn cảnh khu vực Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Trung Hoà - Nhân Chính, có hàng nghìn toà nhà sáng đền san sát nhau, bình quân trên dưới 30 tầng", Chủ tịch FLC nói thêm và cho rằng đó là tín hiệu tích cực sau 10 năm của bất động sản.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận định, 10 năm qua bất động sản thay đổi nhanh và cải thiện rõ rệt đến đời sống của người dân.

“Không phủ nhận đây đã trở thành một đầu tàu cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam”, ông Thành nói.

Nhưng theo vị chuyên gia, trong một thập kỷ này, bất động sản cũng chịu nhiều sức ép, bị "va đập" về mặt pháp lý và thị trường, giữa kinh doanh và xã hội.

Còn ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ví bất động sản đang bị xem như "con nuôi" của nền kinh tế. Trước thì bị coi là ngành phi hàng hoá, không được ưu tiên phát triển, nay thì chịu hàng trăm vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính khiến dự án "tắc nghẽn", dù đất ở vị trí "vàng" cũng chưa thể triển khai.

Trong khi đó theo ông Dũng, bất động sản ảnh hưởng đến gần 100 ngành kinh tế khác. Vậy nhưng nhiều chính sách tác động đến lĩnh vực này thì 10 - 20 năm nay không thay đổi.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cũng cho rằng, khó khăn của thị trường hiện nay khác với khó khăn của 10 năm trước: "10 năm trước, Việt Nam thừa nhà ở, nhiều người cho rằng bất động sản là dịch vụ chứ không phải kinh doanh nên thả trôi cho tự sinh tự diệt. Nhưng hiện nay, xu thế đó đã đảo ngược, thị trường luôn trong tình trạng không đủ để bán. Trước đây chúng ta khủng hoảng thừa, còn hiện nay là bị thiếu. Do đó, không thể áp dụng giải pháp như năm 2010, mà cần phải suy nghĩ khác đi”.

Thị trường vẫn đáng lạc quan

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Covid-19 đã làm thay đổi nhận thức, ý thức, ứng xử của khách hàng trong thị trường bất động sản. Người có tiền vẫn xuống tiền để mua nhà chứ không tiết kiệm như trước đây. Trong thời gian ngắn, bất động sản là nhu cầu thiết yếu, nhưng vẫn cần suy tính đến nhu cầu tương lai với nhà ở tiêu chuẩn cao hơn so với hiện nay, đặc biệt là sản phẩm nhà thông minh.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, xu thế phát triển bất động sản công nghiệp sẽ là điểm sáng của thị trường trong một vài năm tới.

Với những khó khăn của thị trường hiện tại, bên cạnh sự tháo gỡ các thủ tục đầu tư, pháp lý từ Nhà nước, ông Hà nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong việc dẫn dắt thị trường.

“Thị trường bất động sản vẫn sẽ lạc quan nhờ sự dẫn dắt của doanh nghiệp, doanh nhân lớn. Ví dụ như bất động sản du lịch, do doanh nghiệp, doanh nhân phát triển dẫn dắt thị trường đi theo. Các nhà phát triển bất động sản lớn cũng sẽ dẫn dắt thị trường vượt qua khó khăn này”, ông Hà nói.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhắc lại giai đoạn 2009 - 2010, thời điểm bất động sản nhiều khó khăn hơn, khan hiếm tiền, thanh khoản, nợ xấu gia tăng, hệ thống ngân hàng gần như sụp đổ, gần như không có giao dịch bất động sản. Nhưng từ 2014, thị trường địa ốc hứng khởi dần dần. "Vậy thì không có lý do gì thị trường không thể vượt qua Covid-19", vị chuyên gia lạc quan nhìn nhận.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam khẳng định, xu hướng bất động sản trong thời gian tới là rất lạc quan. Trong đó, cùng với các phân khúc như nhà ở, văn phòng, bất động công nghiệp sẽ là “điểm rất sáng" vì xu hướng dịch chuyển sản xuất, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chiến lược "Trung Quốc +1".

Nhận định về thị trường bất động sản thời gian tới, ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty Eurowindow tin rằng “trong nguy có cơ”. Theo đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay Covid-19 đều tiềm ẩn cơ hội và thách thức. Việt Nam đang chào đón xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang một cách ồ ạt tạo nên làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp. Từ đó, thị trường sẽ có sự sàng lọc tự nhiên, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém.

“Trong thời gian tới, tôi cho rằng các chính sách cho thị trường bất động sản sẽ dần hoàn thiện hơn, đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp "rộng đường" phát triển”, ông Nguyễn Cảnh Hồng nói.