19/01/2025 | 10:12 GMT+7, Hà Nội

Chống dịch Covid-19 thành công, kinh tế Việt Nam khởi sắc trở lại

Cập nhật lúc: 08/06/2020, 14:34

Việt Nam trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới trong suốt mấy tháng qua và thành công trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) của Việt Nam đã trở thành “bài học” với nhiều nước trên thế giới.

Hoạt động sản xuất của Việt Nam đã được khôi phục sau khi chống dịch thành công

“Ngôi sao sáng” trên bầu trời Covid-19 tăm tối

Trong bài viết đăng trên trang blog của Ngân hàng thế giới (WB), Chuyên gia kinh tế trưởng WB Jacques Morisset đã đánh giá Việt Nam như “ngôi sao sáng” trên bầu trời Covid-19 tối tăm. Theo quan sát của ông Jacques Morisset, kể từ cuối tháng 4-2020 khi Việt Nam nới lỏng các quy định giãn cách xã hội, cuộc sống đã nhanh chóng trở lại bình thường. Người dân cũng hài lòng về cách thức kiểm soát dịch bệnh.

Lý giải cho thành công của Việt Nam, ông Guy Thwaites, Giám đốc đơn vị Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford ở thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ phản ứng nhanh chóng ban đầu đến việc triển khai các biện pháp ngăn chặn kết hợp các biện pháp truy dấu, và cuối cùng là công tác truyền thông kịp thời cung cấp thông tin cần thiết cho người dân về công tác phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả nhất. 

Nhìn nhận về sự khác biệt ở Việt Nam, ông Guy Thwaites khẳng định: “So với người dân nhiều nước khác trên thế giới, người Việt Nam có ý thức sâu sắc hơn về tác hại to lớn của các bệnh truyền nhiễm. Người Việt Nam luôn hiểu rằng vấn đề dịch bệnh cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, từ đó mới có thể đề ra các biện pháp giải quyết triệt để. Và đây cũng chính là chìa khóa quan trọng nhất giúp Việt Nam thành công trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19”.

Cùng chia sẻ với đánh giá của ông Guy Thwaites, GS. Rajaram Panda, thành viên Hội đồng các vấn đề thế giới và Trung tâm nghiên cứu an ninh và chính sách của Ấn Độ cho rằng: “Người dân Việt Nam tự hào về chủ nghĩa dân tộc của họ và cảm thấy vô cùng tự tin về khả năng chống lại bất kỳ kẻ thù nào để bảo vệ đất nước, hợp tác hoàn toàn với chính phủ trong các biện pháp theo chế độ thời chiến. Điều này có thể được chứng minh từ thực tế là đất nước này đã phòng chống khủng hoảng tương đối tốt”.

Đề cập thành công đáng tự hào của Việt Nam trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, trên trang mạng OneZero, nhà báo tự do người Anh Georgina Quach đánh giá chiến dịch tuyên truyền rộng khắp của Việt Nam rất hiệu quả. Nhờ đó mà người dân thấm nhuần ý thức về nghĩa vụ công dân trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2. 

Nhiều độc giả trên báo Dailymail của Anh thì bày tỏ sự ngạc nhiên về sự hồi phục thần kỳ của phi công người Anh, đồng thời hết lời khen ngợi đội ngũ y bác sĩ Việt Nam đã điều trị cho bệnh nhân này. Tờ The Guardian có bài viết nhấn mạnh chi tiết Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong nào vì Covid-19, đồng thời tập trung các nguồn lực và chi hơn 200.000 USD để cứu bệnh nhân số 91 là phi công người Anh làm việc cho Vietnam Airlines.

Hãng tin Reuters (Anh) thì ấn tượng trước việc hàng chục nghìn cổ động viên được phép vào sân theo dõi các trận đấu bóng đá thuộc vòng 3 trong khuôn khổ giải V-League của Việt Nam trong ngày 5-6, đặc biệt là trong thời điểm các giải bóng đá trên thế giới đang tạm hoãn hoặc buộc phải thi đấu trong các sân không có khán giả. Theo Reuters, với các biện pháp phòng chống và kiểm soát đại dịch Covid-19 thành công trong thời gian qua, V-League đã có thể được tổ chức tiếp. 

Nhịp sống ở Việt Nam đã nhộn nhịp trở lại

Việt Nam - Điểm đến thuận lợi nhất để mở rộng kinh doanh

Thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 chẳng những giúp cho cuộc sống của người dân Việt Nam trở lại bình thường, mà còn mở ra nhiều cơ hội về kinh tế cho Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Gregory Earl của Viện Chính sách Lowy (Australia) nhận định, sau khi đạt kết quả hết sức ấn tượng trong cuộc chiến với Covid-19, Việt Nam có thể sẽ nhận được sự chú ý lớn hơn ngay bây giờ.

Trên thực tế, cuộc khảo sát mới đây của Phòng thương mại Australia (AustCham) cho thấy Việt Nam được coi là điểm đến thuận lợi nhất để mở rộng kinh doanh, vượt qua cả những đối tác kinh tế lâu năm của Australia là Malaysia và Singapore.

Trong buổi trao đổi trực tuyến do Trung tâm quốc tế Meridian tổ chức tại Thủ đô Washington (Mỹ), Đại diện các doanh nghiệp Mỹ đã chúc mừng thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh, đồng thời đánh giá cao các chính sách mở cửa và phục hồi kinh tế. Các doanh nghiệp Mỹ bày tỏ mong muốn ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng, nhất là các sản phẩm, thiết bị y tế, đồng thời đề xuất Việt Nam sớm mở cửa lại để các doanh nghiệp Mỹ có điều kiện tiếp cận các đối tác và thị trường Việt Nam. 

Nhiều biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác kinh tế cũng đã xuất hiện. Sau khi đánh giá cao công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, đồng thời cảm ơn việc Chính phủ và người dân Việt Nam hỗ trợ khẩu trang y tế cho Nhật Bản, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết nước ông đã nhất trí tiến hành các cuộc thảo luận với Chính phủ Việt Nam để có thể khôi phục việc đi lại giữa hai nước. Đây được coi là những bước đi nhằm đưa trao đổi kinh tế giữa hai nước trở lại bình thường. 

Tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, gia tăng đầu tư công, phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19 là một trong những vấn đề được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Ảnh: LAM THANH 

Nhìn nhận về triển vọng kinh tế của Việt Nam, các chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, dù chưa hồi phục hoàn toàn, kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc trở lại. Trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam mới được công bố, WB nhận định sau khi bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội gần như tuyệt đối khắp toàn quốc, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) của Việt Nam trong tháng 5 đã bật tăng 11% so với tháng 4. Dù vẫn thấp hơn khoảng 3% so với tháng 5-2019 nhưng đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

Những tăng trưởng của nền kinh tế trong tháng 5 là động lực để Việt Nam tiếp tục phát triển cũng như nhận được sự tin tưởng của các thể chế tài chính toàn cầu. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế, Việt Nam là một trong ít quốc gia tăng trưởng dương với 2,7%. Trong khi đó, dự báo của WB cho rằng tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam sẽ ở mức 4,9%, còn mức dự báo của Ngân hàng phát triển châu Á là 4,8%.