Chỉ cần hộp nhỏ này trong nhà, trẻ con không sợ uống nhầm thuốc, người già không uống thuốc cả vỏ
Cập nhật lúc: 10/08/2019, 07:00
Cập nhật lúc: 10/08/2019, 07:00
Cấp cứu vì uống nhầm thuốc, uống thuốc cả vỏ
Cụ Nguyễn Thành An (80 tuổi ở Hà Nội) sau trận bị đột quỵ phải uống nhiều thứ thuốc và nhiều cữ trong ngày, nhưng lại rất hay quên. Anh Cần - con trai cụ đã chia thuốc từng liều gói vào giấy, ghi rõ sáng – trưa – tối, nhưng mắt cụ kèm nhèm nên rất hay nhầm liều.
Có bữa con trai cụ đang ở công trình thì đứa cháu gọi điện báo cụ lại uống nhầm 2 liều thuốc liền, đang vật vã... Thế là anh phải vội vàng xin về để đưa cụ đến bệnh viện. Anh Cần đã làm đủ cách giúp cụ uống thuốc đúng giờ, đúng liều, dặn dò cẩn thận, ghi chú rõ ràng… nhưng cụ vẫn quên, thậm chí không thèm đọc giấy.
Viên thuốc cả vỏ trong thực quản của nữ bệnh nhân. Ảnh: BV Xanh Pôn.
Theo BS Nhâm Tuấn Anh (khoa Tai mũi họng Bệnh viện Xanh Pôn), vừa qua khoa tiếp nhận cụ già 76 tuổi đến khám trong tình trạng nuốt đau, vướng vùng cổ sau khi uống thuốc huyết áp hàng ngày. Kết quả thăm khám và nội soi tai mũi họng cho thấy, bệnh nhân có dị vật vùng thực quản, phải nội soi ống mềm lấy dị vật ra an toàn. Té ra dị vật là 1 viên thuốc huyết áp còn nguyên vỏ khá sắc cạnh mà cụ đã uống nhầm - rất may là nó chưa gây tổn thương thực quản vì được gắp ra kịp thời, và viên thuốc đó do con cụ cắt ra từ vỉ thuốc để chia liều cho cụ uống ở nhà.
Thực tế trẻ em, người lớn, nhất là người già khi đau ốm đều cần phải uống nhiều loại thuốc khác nhau. Lỡ phải đi học, đi du lịch, đi công tác còn phải mang cả bì thuốc theo, hoặc cho thuốc vào túi nilon buộc chun lại cầm theo, khi uống thì dốc ra nhặt đủ số viên rồi uống, rất mất thời gian.
Rất nhiều người bị uống nhầm thuốc. Ảnh minh họa.
Với các bệnh nhân mãn tính phải uống thuốc hàng ngày nên khả năng quên uống thuốc là rất cao, mà chỉ cần không uống thuốc vài lần là đã thất bại điều trị, bắt buộc phải sử dụng thuốc phác đồ 2 tốn kém hơn nhiều.
Người già càng hay mắc các bệnh mãn tính nặng như: cao huyết áp, mỡ máu, tiểu đường... phải uống thuốc đều, nhưng lại rất đãng trí, mắt mờ, tai kém, nói trước quên sau… nên rất dễ nhầm lẫn khi uống thuốc, thậm chí uống rồi tưởng chưa uống lại vào uống... và việc quá liều rất nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời.
Hộp thuốc dùng cả tháng. Ảnh minh họa
Hộp chia thuốc cải thiện rất nhiều khả năng tuân thủ y lệnh điều trị
Thuốc tây cần đúng liều lượng và tần suất mới có hiệu quả, vì vậy cần chia sẵn liều cho trẻ em, người già để đảm bảo uống đúng, uống đủ, an toàn cho sức khỏe. Nhưng làm sao để chia thuốc đúng liều, đúng cữ mà không bị uống nhầm thuốc?
Tại các hiệu thuốc có bán rất nhiều loại hộp chia thuốc hỗ trợ trực tiếp việc uống thuốc - rất cần thiết cho tất cả bệnh nhân phải uống thuốc lâu dài, người hay quên, trẻ em đi học, người già chữa bệnh. Hộp chia thuốc để vừa trong túi áo, cấu tạo đơn giản, 1 hộp chia ra 7 ô nhỏ - là 7 ngày trong tuần. Nếu uống thuốc 2 lần/ngày thì bạn kiếm loại 14 ô, với các ô nhỏ đặt thành 2 hàng, có đánh dấu sáng/chiều để phân biệt.
Nếu phải uống nhiều lần thuốc hơn thì có thể mua loại lớn hơn, 21, 28 ô... dùng cho cả tháng.
Ngoài ra, có loại hộp chia thuốc phân liều 4 cữ dùng trong 7 ngày. Hộp là một kệ nhỏ có 7 ngăn ghi thứ trong tuần. Mỗi ngăn có 4 ô chứa thuốc uống trong 1 ngày cho 4 cữ dùng (sáng, trưa, chiều và tối). Mỗi ô này có nắp mở riêng, nên chỉ lấy được đúng thuốc của 1 cữ uống, không sợ rơi thuốc sang ô khác.
Loại hộp thuốc dùng cả tháng có tích hợp thông minh. Ảnh minh họa.
Hộp chia thuốc đã cải thiện rất nhiều khả năng tuân thủ theo y lệnh điều trị. Trên thị trường hiện cũng có rất nhiều loại hộp chia thuốc, có loại đơn giản, có loại thiết kế thêm đồng hồ, chuông cảnh báo đến giờ uống thuốc…thậm chí có những hộp chia thuốc kết nối RFID, Wifi, gắn cả SIM điện thoại để bác sĩ, y tá hướng dẫn từ xa cho bệnh nhân ngoại trú.
Hộp chia thuốc 7 ngày. Ảnh minh họa.
Hộp chia thuốc là 1 vật dụng đơn giản, dễ sử dụng, tiện lợi, xinh xắn nên các gia đình cần sắm 1 bộ trong nhà để dùng khi ốm đau. Nếu phải uống nhiêu thì 1 tuần chỉ phải sắp thuốc một lần vào các ngăn hộp, chia cho các bữa. Mỗi ngăn thuốc có thể mang theo khi đi làm hằng ngày, có thể đem theo bên mình mọi lúc mọi nơi, có thể bỏ trong túi xách, trong vali khi đi công tác, du lịch. Dùng cho người già hay phải uống thuốc và giúp uống đúng liều đúng thuốc. Ngoài ra, có thể dùng cho bé để đem thuốc tới trường, đặc biệt thuận tiện cho bố mẹ có con nhỏ đi học vì chỉ cần ghi tên bé vào vỏ hộp và đưa cho giáo viên để bé uống thuốc đúng giờ ở trường.
Nguồn: http://giadinh.net.vn/song-khoe/chi-can-hop-nho-nay-trong-nha-tre-con-khong-so-uong-nham-thuoc-nguoi-gia-khong-uong-thuoc-ca-vo-20190805151928468.htm