“Chất lượng trường quốc tế đang còn thả nổi”
Cập nhật lúc: 24/04/2017, 05:51
Cập nhật lúc: 24/04/2017, 05:51
Việc chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế là vấn đề được nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm trong giai đoạn năm học 2016-2017 chuẩn bị kết thúc và “cuộc chạy đua” vào các trường có chất lượng tốt đang bước vào giai đoạn “nước rút”.
Trong đó, sự cạnh tranh giữa các trường trong khối trường tư thục, trường quốc tế được đánh giá là gay gắt nhất bởi hệ thống trường công đã có từ lâu, có lượng học sinh ổn định và các trường đều xây dựng được uy tín nhất định. Trong khi đó, các trường tư thục, quốc tế, đặc biệt là các trường mới thành lập vẫn đang trong quá trình xây dựng hình ảnh và khẳng định thương hiệu của chính mình.
Điều đáng nói là bên cạnh những vấn đề tương đối rõ ràng như học phí, chương trình học thì câu chuyện đánh giá chất lượng các trường tư thục và các trường quốc tế đang làm đau đầu các bậc phụ huynh vì mỗi trường lại có “chuẩn” riêng, thậm chí là hoàn toàn trái ngược nhau.
Chia sẻ về việc quản lý chất lượng khối các trường quốc tế tại Việt Nam, TS Toán học Lê Thống Nhất cho rằng đây là một bài toán chưa có lời giải. “Trong khi các trường công lập phải tuân thủ nhiều quy định, tiêu chuẩn của nhà nước. Trước khi thực hiện các kế hoạch đào tạo, giảng dạy thì phải thông qua nhiều cấp từ sở ban ngành đến cấp Bộ thì trường quốc tế không cần thông qua ai cả” – TS Lê Thống Nhất cho hay.
“Ví dụ như những chương trình kỹ năng sống của nước ngoài, trường quốc tế nào tự cảm thấy phù hợp thì họ đưa vào, một cách rất dễ dàng. Còn trường công, nếu muốn áp dụng một chương trình như vậy thì phải chờ quyết định của các cấp lãnh đạo.
Vấn đề cần đặt ra là ai quản lý chất lượng của các trường quốc tế? Quản lý dựa trên tiêu chí nào? Và bằng cách nào để biết được trường quốc tế có dạy đúng như chương trình đã đăng ký hay không?”
“Do đó việc kiểm định chất lượng các trường quốc tế tại Việt Nam là rất cần thiết” – TS Lê Thống Nhất nhấn mạnh. Ông cũng bổ sung thêm rằng, việc kiểm định thường bao gồm cả kiểm định trường học nói chung và kiểm định chương trình giảng dạy nói riêng.
Bên cạnh đó, việc đánh giá chất lượng các trường quốc tế còn gặp nhiều khó khăn bởi, “nếu muốn đánh giá trường quốc tế tốt hay chưa tốt thì phải phân rõ tốt hay chưa tốt theo nghĩa nào?”.
Trong khi đấy, việc đánh giá chất lượng các trường tư thục và quốc tế hiện nay gần như được “phó mặc” cho các bậc phụ huynh mà tiêu chí đánh giá chính của đối tượng này thường là… “cảm nhận cá nhân”.
Trong suốt cuộc trò chuyện về việc chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế, TS Lê Thống nhất luôn bày tỏ quan điểm ủng hộ sự phát triển của hệ thống các trường tư thục, trường quốc tế nhằm tạo ra một thị trường giáo dục hiện đại và phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, TS cũng cảnh báo, các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định lựa chọn trường học cho con bởi môi trường học tập sẽ ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến cả tính cách và nhân cách của con trẻ, đặc biệt là trong những năm học đầu đời.
Vị Tiến sĩ Toán học có hơn 40 năm gắn bó với ngành giáo dục cũng nhấn mạnh rằng, tại Việt Nam có rất nhiều người tài giỏi, nhưng họ đều học từ những trường rất bình thường chứ không phải học trường quốc tế.
“Tôi thừa nhận một điều rằng, áp lực khi học trường quốc tế nhàn hơn, nhất là cho các bậc phụ huynh, nhưng điều này chưa hẳn đã tốt, đặc biệt là đối với các em học sinh”.
Ông dẫn chứng về một người bạn có con học chưa hết lớp 1 của một trường quốc tế từng than phiền rằng “không hiểu nhà trường dạy kiểu gì, mà cháu nó như kiểu không cần bố mẹ”. Theo lời kể của TS Nhất thì đứa bé được bố mẹ cho rằng “tự lập một cách quá kinh khủng” và cảm giác mối liên hệ tình cảm gia đình gần như mờ nhạt đến mức không còn nữa khi đứa bé luôn tự làm mọi thứ một mình.
“Rồi sẽ có lúc trẻ tự lập đến mức không phân biệt được việc mình có quyền phản biện lại bố mẹ hay cãi lại bố mẹ, vì ranh giới giữa việc phản biện và cãi lại rất mỏng manh” – TS Nhất chia sẻ.
Bên cạnh đó, TS nhất cũng chỉ ra bất cập hiện nay là việc “một số phụ huynh cho con học trường quốc tế để đua nhau về đẳng cấp”.
Trên phương diện một nhà giáo có nhiều năm gắn bó với nghề, TS Nhất cho rằng: “Lý do quan trọng nhất cần quan tâm khi chọn trường cho con là môi trường học tập bởi phần lớn thời gian trong ngày trẻ gắn bó với trường lớp, nên kỹ năng sống, tư tưởng mà nhà trường rèn cho trẻ rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả kiến thức”.
13:41, 13/04/2017
10:58, 11/04/2017
08:58, 10/04/2017
22:10, 30/03/2017
20:52, 29/03/2017
07:04, 28/03/2017
20:44, 25/03/2017
10:24, 24/03/2017