19/01/2025 | 02:02 GMT+7, Hà Nội

Học phí nửa tỷ đồng (4): Các "cậu ấm cô chiêu" ở TH School sống như thế nào?

Cập nhật lúc: 25/03/2017, 20:44

Toàn trường hiện chỉ có khoảng 50 học sinh, hầu hết đều đến từ nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,.. theo dạng học bổng. Các em ăn ở theo hình thức nội trú và được quản lý 24/24 với nhiều quy định ngặt nghèo kể cả khi các em muốn về thăm nhà, đi ra ngoài chơi hay có bố mẹ đến chơi với con em mình.

Công bố tuyển sinh tới 16 lớp, từ nhà trẻ, mẫu giáo tới lớp 12 nhưng hiện tại TH school chỉ có khoảng 50 học sinh theo học ở 3 lớp khối Trung học phổ thông. Các lớp khác hiện chưa có học sinh.

Cơ sở vật chất một số khu vực của ngôi trường màu hồng cánh sen này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Điều đáng chú ý là, hóa ra học sinh của ngôi trường có bảng học phí tới cả nửa tỷ đồng mỗi năm này chẳng phải là các "cậu ấm cô chiêu" giới doanh nhân siêu giàu ở Thủ đô như tưởng tượng của nhiều người mà hầu hết đều đến từ các tỉnh miền trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,...

Những học sinh này được tuyển sinh theo diện học bổng và ở nội trú tại một khu cách nơi học không xa do trường quản lý với các quy định “ngặt nghèo”.

 

Một góc khu nhà trong khuôn viên trường vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Nội quy khắt khe

Trong cuộc trò chuyện nhanh giữa giờ nghỉ buổi sáng với chúng tôi, các em học sinh trung học phổ thông của TH school cho biết hầu hết học sinh trong trường đều đến từ các tỉnh miền trung theo dạng học bổng. Toàn trường hiện cũng chỉ có khoảng 50 em chia đều cho 3 lớp 10-11-12. Các em cũng cho biết, vì sống xa cha mẹ nên mọi hoạt động học, chơi, giải trí ở đây đều trong khuôn khổ và dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà trường.              

Thông thường, thời gian biểu hàng ngày của các sẽ là: Buổi sáng, các em thức giấc và tập trung đúng giờ, xe bus của nhà trường sẽ đến đón các em tại ngôi nhà chung cách trường học hơn 1km và đưa đến trường để bắt đầu chương trình học. Giữa buổi các em sẽ có giờ nghỉ giải lao kèm bữa ăn nhẹ  trước khi quay trở lại lớp. Bữa trưa sẽ được phục vụ tại nhà ăn ngay gần lớp học. Khi kết thúc giờ học và các chương trình ngoại khóa buổi chiều trong khuôn viên trường, các em tập trung lên xe và về chỗ ở nội trú.

Một học sinh lớp 11 của trường chia sẻ thêm, ngoài giờ học, ăn, chơi trong khuôn viên trường và khu nội trú, nếu muốn đi chơi riêng hoặc đi chơi cuối tuần ở ngoài, các em sẽ phải đăng ký với nhà trường trước vài ngày. Sau khi đăng ký, các em phải được sự đồng ý của nhà trường và có xác nhận từ bố mẹ thì mới được đi chơi. Khi đi cũng bắt buộc phải đi 2 người trở lên và phải về sớm.

Kể cả trường hợp bố mẹ các em ra thăm hoặc nếu các em có ý định về nhà chơi thì cũng sẽ phải đăng ký trước với nhà trường và phải có sự xác nhận của cả nhà trường lẫn bố mẹ thì mới được đi.

TH School chính thức khai giảng năm học đầu tiên từ năm 2016 ở Hà Nội và hiện là một trong những trường tư thục nội đắt đỏ nhất trên cả nước. Ảnh: TH school.

Lợi bất cập hại?

Chia sẻ về ngôi trường mới được khai trương từ tháng 9 năm ngoái này, một học sinh cho biết đây là một môi trường hoàn toàn khác biệt so với trước đây khi em theo học ở quê nhà. Đến đây các em được học trực tiếp cùng thầy cô người nước ngoài, được ăn uống đầy đủ, nhiều bữa với đồ ăn ngon, bạn bè thân thiện, môi trường học hiện đại. Các sinh hoạt hàng ngày khác như đi lại, chỗ ở cũng đều có chất lượng rất tốt.

Khi được hỏi “các em có thích môi trường học tập và sinh hoạt ở đây không?”, một em học sinh ngập ngừng nhìn xung quanh rồi khẽ trả lời chúng tôi: “Cũng thích ạ, nhưng mà hơi khó thở”.

Quả vậy, nếu xét trên khía cạnh cơ sở vật chất thì TH school có thể là một niềm mơ ước đối với các cô cậu học trò từ các tỉnh miền trung cát trắng, đặc biệt là đối với các học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn và được TH tài trợ học bổng toàn phần. Việc quản lý chặt chẽ các em khi sống xa nhà cũng là một điều cần thiết, đặc biệt là đối với các em lần đầu tiên học xa nhà.

Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó thì việc quản lý các em học sinh cấp 3 theo hình thức nội trú khép kín theo thời gian biểu cố định sẽ hạn chế cơ hội tiếp xúc với xã hội, tiếp cận đời sống thực tế của các em mà đây mới chính là những kỹ năng các em cần phải có để không trở thành “gà công nghiệp” khi bước chân ra đời.

Bên cạnh đó, việc được “phục vụ tận răng” lỡ khiến các em có thói quen xấu ỷ lại, không biết tự lập và chăm lo cho bản thân, đồng thời làm giảm ý chí phấn đấu của chính các em thì sao?

Hiện tại, TH School nằm trong top đầu các trường có học phí đắt đỏ nhất cả nước với mức cao nhất là hơn nửa tỷ đồng đối với học sinh lớp 12, cao hơn nhiều lần so với các trường quốc tế có uy tín lâu năm như Olympia, BVIS, SIS,….  

Bảng học phí năm học 2017 - 2018 của TH School:

 

Một số lưu ý dành cho các vị phụ huynh trước khi cho con theo học trường quốc tế:

  • Trường mà bạn muốn cho con bạn theo học có thật sự là trường quốc tế hay không? Khi tìm hiểu một trường, hãy đặc biệt quan tâm đến chương trình đào tạo (ví dụ trường BIS dạy theo chương trình của Anh, SSIS theo chương trình Mỹ,...).
  • Quan tâm đến đội ngũ giáo viên của trường, Bằng cấp của giáo viên rất quan trọng, nhưng không đồng nghĩa với chất lượng giáo dục. Vì vậy, hãy tiếp xúc và tìm hiểu trình độ chuyên môn của họ.
  • Tiền rất quan trọng khi quyết định theo học tại các trường quốc tế. Nếu “đứt gánh nữa đường” thì bạn sẽ dễ khiến cho con mình lưu vong ngay trên chính quê hương bởi việc chuyển từ trường tư thục sang trường công sẽ là một khó khăn vô cùng lớn.
  • Nên xem xét điều mình và con mình thật sự mong muốn vì chương trình học của các trường quốc tế tuy không nặng theo kiểu Việt Nam, nhưng cũng không nhẹ một chút nào.
  • Cần lưu ý rằng nếu cho con học trường quốc tế quá sớm thì nguy cơ các con sẽ không rành tiếng mẹ đẻ. Khi đó, cha mẹ cần lưu tâm đến việc dạy bổ túc tiếng mẹ đẻ cho các bé.