Học phí nửa tỷ đồng (3): Đắt có xắt ra miếng?
Cập nhật lúc: 24/03/2017, 10:24
Cập nhật lúc: 24/03/2017, 10:24
Thông tin về mức học phí hơn nửa tỷ đồng mỗi năm của trường TH School đang được nhiều người đặc biệt quan tâm, đặc biệt là các bậc phụ có con trong độ tuổi đến trường. Trong đó, bên cạnh không nhiều người cho rằng “tiền nào của nấy” thì phần lớn vẫn bày tỏ sự hoài nghi về việc con em họ có thể nhận được gì nếu theo học tại ngôi trường có học phí thậm chí còn cao hơn cả các trường ở Mỹ như thế này.
Đắt có xắt ra miếng?
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, có nhiều yếu tố cần phải xem xét khi đánh giá chất lượng của một ngôi trường, bao gồm cả đội ngũ thầy cô, tài liệu dạy học, cơ sở vật chất và các dịch vụ đi kèm, từ bữa ăn trưa cho đến các hoạt động ngoại khóa,...
“Hệ thống giáo dục ở Việt Nam, bao gồm cả trường công và tư đều đang rất cố gắng thay đổi chất lượng dạy và học. Các trường quốc tế ở Việt Nam thì lại càng nỗ lực để tạo sự khác biệt. Họ áp dụng nhiều tiêu chuẩn quốc tế, có đội ngũ giáo viên là người nước ngoài, ngay cả các dịch vụ đi kèm cũng có điểm khác biệt so với trường nội nên học phí của họ cao là điều tất yếu. Chúng ta cũng hiểu rằng trường quốc tế không phải là lựa chọn dành cho số đông mà chỉ dành cho các gia đình giàu có nên khó có thể nói bao nhiêu là vừa. Tuy nhiên, nếu học phí mà lên đến mức hơn 500 triệu đồng/năm thì quả thực là đáng giật mình. Mức học phí này có khi còn cao hơn cả mức thu của các trường tư ở Mỹ và các nước phát triển. Tôi quả thực không hiểu nhà trường điều tra thị trường như thế nào và căn cứ vào đâu để đưa ra mức học phí này”, GS Thuyết cho biết.
Đề cập đến việc TH School áp dụng hoàn toàn các chương trình theo tiêu chuẩn quốc tế và giảng dạy 100% bằng tiếng Anh từ lớp mầm non 3 tuổi trở lên, GS Thuyết cho rằng đây là vấn đề quan trọng mà các bậc phụ huynh cần hết sức cân nhắc.
“Tôi chưa được tiếp cận với tài liệu dạy học của TH School, cho nên không thể đưa ra bình luận gì về chất lượng các tài liệu này. Nhưng tôi cho rằng việc áp dụng hoàn toàn chương trình nước ngoài theo tiêu chuẩn quốc tế và giảng dạy 100% bằng ngoại ngữ từ lớp mầm non 3 tuổi có thể sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho các cháu. Chúng ta đều đồng ý rằng việc tiếp cận ngoại ngữ sớm sẽ giúp trẻ em dễ tiếp thu hơn rất nhiều và ngoại ngữ, mà cụ thể là tiếng Anh, là một trong những công cụ quan trọng để các cháu làm hành trang bước vào đời. Tuy nhiên, việc giảng dạy 100% bằng ngoại ngữ ở những năm đầu đời chưa chắc đã là lựa chọn tối ưu bởi các cháu quá bé để phải sử dụng cùng lúc một ngoại ngữ trong khuôn viên trường và tiếng mẹ đẻ khi bước chân khỏi cổng trường.
Hơn nữa, các bậc cha mẹ cũng cần làm rõ xem liệu chương trình học có bao gồm các môn khoa học xã hội và nhân văn, tức là có học về lịch sử, văn hóa, đời sống Việt Nam hay không. Kể cả trong trường hợp các cháu theo học ở các trường quốc tế và có mục tiêu đi du học, thậm chí là định cư ở nước ngoài thì cũng nên có những kiến thức nền về đất nước, con người Việt Nam, về những giá trị tinh thần của dân tộc.
Tôi cho rằng, sẽ thật là đáng buồn nếu học sinh người Việt sinh ra ở Việt Nam, học tại Việt Nam mà lại hoàn toàn không biết gì về lịch sử, văn hóa, đời sống Việt Nam. Bởi vậy, nếu chương trình học chỉ bao gồm toàn kiến thức nước ngoài thì không ổn. Mà nếu có kiến thức lịch sử, văn hóa, đời sống Việt Nam thì phải xem ai viết. Người nước ngoài viết thì chưa chắc đã chuyển tải được tinh hoa văn hóa Việt Nam. Còn người Việt viết về văn hóa Việt mà viết bằng tiếng Anh thì cũng coi chừng kẻo học sinh bị ảnh hưởng vì thứ tiếng Anh không thuần Anh.
Tôi biết ở một số trường quốc tế tại Việt Nam đang sử dụng chương trình và tài liệu dạy học của Đại học Cambridge nhưng đó chỉ là các môn Toán và khoa học tự nhiên; còn các môn khoa học xã hội và nhân văn vẫn học theo chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam.
Dù sao thì chúng ta không thể đào tạo ra những ông bà Tây An Nam đời mới được.”– GS Thuyết nhấn mạnh.
Nửa tỷ đồng là đắt hay rẻ?
TH School hiện có 16 khối lớp, từ lớp nhà trẻ dành cho các cháu bé 2 tuổi, 3 lớp mầm non dành cho các bé từ 3-5 tuổi và 12 lớp bậc tiểu học - THCS - THPT. Học phí của các khối lớp này tăng dần theo độ tuổi, cao nhất là lớp 11-12 lên tới hơn 520 triệu đồng/năm và thấp nhất là 232 triệu đồng/năm đối với các bé nhà trẻ và mầm non 3 tuổi.
Đối với lớp mầm non 4 tuổi, tổng chi phí học tập mỗi năm của các cháu đã lên tới gần 300 triệu và tiếp tục tăng lên tới hơn 350 triệu khi lên lớp 5 tuổi.
“Tôi thực sự không hiểu mức học phí này được đưa ra dựa trên căn cứ nào vì các cháu nhà trẻ - mầm non ngoài nhu cầu ăn uống, chơi với các bạn và học một số kỹ năng cơ bản thì liệu có thể tiếp thu được kiến thức gì cao siêu mà học phí lại đắt đỏ đến mức này” – chị Hằng, một người mẹ có con nhỏ đang học tại một trường quốc tế bày tỏ.
Trong khi đấy, anh Q. lại cho rằng “khó có thể nói học phí của TH school là đắt hay rẻ vì giá cả phụ thuộc vào chất lượng mà chất lượng của giáo dục thì phải trải nghiệm mới biết được”.
Chị Lan Phương (Hà Nội) thì cho rằng, trên cương vị một người mẹ chọn trường cho con thì điều chị quan tâm nhất là triết lý giáo dục của ngôi trường đấy. Tiếp đến mới là chương trình học, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên,… trên cơ sở so sánh với các trường tương đương. Khi đã có đủ khả năng tài chính thì mức giá đấy là một sự lựa chọn, khó có thể nói là nhiều hay ít. Thị trường sẽ có câu trả lời cho sản phẩm giáo dục của TH vì mỗi phụ huynh là một khách hàng mà mỗi khách hàng sẽ có lựa chọn khác nhau.
Trong khi đó, TH School vẫn không có bất kỳ phản hồi nào trước các câu hỏi của phóng viên về giáo trình của nhà trường cũng như các câu hỏi về tình hình học tập năm học đầu tiên và tuyển sinh của năm nay.
Không thể là chuột bạch
Khác với các lĩnh vực khác, giáo dục và y tế là 2 lĩnh vực mà các bậc cha mẹ không thể mang con mình “đi thử” trước khi “làm thật” bởi lẽ chỉ một sai lầm khi chọn trườngkhông chỉ tiêu tốn của cha mẹ hàng trăm triệu đồng sẽ khiến đứa trẻ mất rất nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.
Chính vì vậy, việc theo học một trường quốc tế gần như đồng nghĩa với việc gia đình sẽ phải theo đuổi chương trình học đó trong nhiều năm bởi hệ thống giáo dục của mỗi trường tư thục là không hoàn toàn giống nhau. Còn nếu so sánh với các trường công lập thì sự khác biệt là “một trời một vực”.
Tất nhiên, việc chuyển từ trường tư thục sang công lập là điều không mong muốn của hầu hết các gia đình vì quan điểm chung hiện nay đều đánh giá chất lượng của các trường tư thục hơn hẳn. Tuy nhiên, đây vẫn là một nguy cơ hiện hữu bởi “không ai có thể dám chắc về khả năng tài chính của gia đình mình trong tương lai” – một vị phụ huynh trường tư thục A. bày tỏ.
Ước tính, với mức học phí hiện tại, thì một học sinh theo học đầy đủ 16 lớp ở TH School sẽ tiêu tốn của cha mẹ khoảng 6,6 tỷ đồng tiền học phí.
Còn nếu xét trên khía cạnh nội dung giảng dạy thì hệ thống giáo dục của các trường công lập là hoàn toàn khác biệt với hệ thống các trường tư, đặc biệt là tài liệu và phương pháp dạy học. Đấy là còn chưa tính đến việc nhiều môn học ở trường công hoàn toàn không được dạy tại hệ thống trường tư nên khi chuyển từ một trường tư thục sang trường công lập sẽ khiến học sinh khó long theo kịp chương trình.
Ở Việt Nam, việc chuyển đổi môi trường học giữa hai hệ thống này thậm chí sẽ còn trở nên khó khăn hơn bởi “chúng ta chưa có chương trình chuyển đổi đối với các trường hợp này” – GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.
07:43, 24/03/2017
04:24, 24/03/2017
02:03, 24/03/2017
20:49, 23/03/2017
14:50, 23/03/2017
13:06, 23/03/2017
11:29, 23/03/2017
02:37, 22/03/2017