Chai tương ớt và tiêu chuẩn cho người Việt
Cập nhật lúc: 09/04/2019, 07:01
Cập nhật lúc: 09/04/2019, 07:01
Sau sự cố nước chấm, Masan lại tiếp tục lao đao với việc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka, Nhật Bản đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam, do có chứa chất phụ gia bị cấm dùng trong sản xuất tương ớt ở Nhật. Cho dù đã tìm mọi cách chứng minh chất ấy không hại cho người dùng nhưng dư luận vẫn chưa thuyết phục.
Tương ớt Chin-su của Công ty Masan bị thu hồi ở Nhật do chứa phụ gia thực phẩm (axit benzoic, axit sorbic... ) chưa được kiểm định sử dụng tại Nhật, vi phạm điều 11 khoản 2 Luật Vệ sinh thực phẩm. Hàng loạt phương tiện truyền thông bùng lên từ chiều qua quanh sự kiện này. Vô số những lo ngại lan tràn trên mạng xã hội và rất nhiều tranh cãi xung quanh việc thu hồi trên.
Mặc cho phía Nhật Bản cũng cho rằng người trên 50kg phải dùng hàng ngày nửa kg tương ớt mới có nguy cơ mắc bệnh. Bất chấp GS này TS nọ cùng các chuyên gia nhanh chóng phân tích hai chất trên nằm trong ngưỡng an toàn và được cho phép dùng trong thực phẩm. Bỏ qua khẳng định của Masan chưa bao giờ xuất khẩu tương ớt chính thức vào thị trường Nhật... Khách hàng vẫn lo ngại, người tiêu dùng vẫn e sợ và hoang mang vẫn lan rộng.
Nhưng có lẽ những dòng trong thông báo của chính Masan "chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này, nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, trên đó có ghi rõ "Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu. Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorised", hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ" mới là nguồn cơn của giận dữ.
Những câu hỏi chẳng lẽ người Việt phải dùng hàng tiêu chuẩn thấp hơn hàng bán ra nước ngoài? Chất cấm ở ngoại quốc có thể vẫn dùng được ở Việt Nam?... dù chính xác hay chưa thì đã dấy lên làn sóng bức xúc. Bộ Y tế đã tuyên bố làm rõ, Masan đang điều tra nhưng người tiêu dùng thì có quyền đặt câu hỏi: Nếu hoàn toàn vô hại thì tại sao Nhật Bản lại cấm hai chất trên và thu hồi sản phẩm? Một khi trả lời chưa rõ ràng, thấu đáo, rất khó trấn an được khách hàng.
Không chỉ tương ớt hay một vài thực phẩm có chứa những chất “nhạy cảm” tương tự, chẳng khó để tìm thấy nhiều thực phẩm cũng ghi dòng chữ “chỉ dành cho thị trường Việt Nam, không được xuất khẩu”. Tại sao lại như vậy? Chúng ta đỡ khắt khe hơn hay buộc phải chấp nhận tiêu chuẩn thấp so với nhiều thị trường bên ngoài? Đó là điều mà cả doanh nghiệp lẫn cơ quan Nhà nước cần đưa ra những câu trả lời rõ ràng thuyết phục hơn là để những e ngại “tiền nào của nấy” ngấm ngầm gieo rắc hoang mang.
Ô nhiễm nhiều, thực phẩm bẩn không ít, chất hóa học gây bệnh ngày càng xuất hiện khó kiểm soát... là những lý do chính đáng mà người dân muốn các cơ quan quản lý phải nâng cao chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm chứ không phải dễ dãi với những lý do như điều kiện chưa cho phép, trong ngưỡng an toàn theo tiêu chuẩn nội địa, VN chưa thể áp dụng...
Không chỉ tương ớt, chẳng riêng gì với Masan thì những thông tin mà chất A hợp với chất B sẽ thành chất C và nguyên nhân gây độc là C đúng hay sai, độc hay hại đến đâu, ngưỡng nào người vẫn ăn được... trong nhiều sản phẩm phải được chính Bộ Y tế hay cơ quan độc lập, đầy đủ thẩm quyền kiểm tra, loan báo và chịu trách nhiệm trước dân chúng thì các vụ việc tương tự mới không thể gây lo ngại quá đáng, hoang mang quá mức.
Cực kì khó có lý do chính đáng để biện minh nước khác mạnh tay cấm những chất này nhưng dân Việt phải chấp nhận điều đấy. Dù thế nào thì cũng phải đến ngày, tiêu chuẩn dành cho người Việt sẽ phải ngang như người nước ngoài, bất kể ở đâu, mặt hàng gì và người tiêu dùng nội địa có quyền yêu cầu điều đó.
19:01, 08/04/2019
05:55, 07/04/2019
20:41, 06/04/2019