25/11/2024 | 05:55 GMT+7, Hà Nội

Cầu tài chính tiêu dùng 2019 sẽ tăng mạnh

Cập nhật lúc: 19/02/2019, 08:17

Năm 2019, thị trường tài chính tiêu dùng được đánh giá vẫn theo xu hướng tăng trưởng mạnh khi nhu cầu chi tiêu tăng, song sẽ đi vào thực chất hơn và sự khác biệt trong văn hóa kinh doanh giữa các công ty tài chính cũng rõ nét hơn.

Dư địa không ít

Ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HD Saison cho rằng, nhu cầu vay tiêu dùng tại Việt Nam còn rất lớn, do độ thâm nhập của các tổ chức tín dụng chưa cao, nhất là ở vùng nông thôn.

Theo đánh giá của ông Thái, tỷ lệ mua hàng trả góp chỉ ở mức 20 - 25%, nên dư địa còn rất lớn. Hơn nữa, nhu cầu mua mới và nâng cấp xe máy, điện thoại, điện máy gia dụng, đồ gỗ nội thất… của người dân sẽ tiếp tục tăng mạnh trong nhiều năm nữa, nên đây sẽ vẫn là sản phẩm chủ lực của các công ty tài chính.

Cũng theo ông Thái, thị trường tài chính tiêu dùng năm 2019 vẫn theo xu hướng tăng trưởng mạnh. Công ty nào quản trị rủi ro tốt, sẵn sàng đổi mới để đáp ứng đòi hỏi của thị trường sẽ tận dụng được nhiều cơ hội để duy trì nhịp tăng trưởng. Trong khi các công ty tài chính non trẻ đang thử nghiệm nhiều phương pháp tiếp cận khách hàng mới, thì các công ty tài chính kỳ cựu tiếp tục đầu tư mạnh vào công nghệ và con người để tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc, kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Thành viên FE Credit cho biết, FE Crdit kỳ vọng tăng trưởng ổn định ở mức 20% trong năm nay. Năm 2018, số lượng khách hàng của Công ty tăng thêm gần 30% so với năm trước đó. Lý do là, tỷ lệ thâm nhập thị trường hiện nay của tài chính tiêu dùng Việt Nam mới chiếm 25 - 30%.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Mai Long, Giám đốc điều hành Easy Credit (Khối tín dụng tiêu dùng của EVN Finance) cũng nhận định, dư địa tài chính tiêu dùng ở Việt Nam còn khá lớn, với trên 70% dân số đang trong độ tuổi lao động, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Dấu hiệu nữa về sức hấp dẫn của lĩnh vực này là sự đổ bộ ồ ạt của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018, cho thấy niềm tin vào tiềm năng phát triển của ngành tài chính tiêu dùng ở Việt Nam.

Rào cản vẫn nhiều

Bất kỳ doanh nghiệp mới nào bước vào thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đều phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là quản lý rủi ro khách hàng. Quản lý rủi ro là một trong những rào cản lớn nhất vì các thông tin để xác minh khách hàng cũng như dữ liệu khách hàng khá hạn chế.

Tại FE Credit, để khắc phục việc thiếu các dữ liệu về hành vi người tiêu dùng, Công ty đã kết hợp với các đối tác như Telco và áp dụng các hình thức đánh giá rủi ro mới dựa trên các nguồn chứng minh thu nhập của khách hàng như hóa đơn điện thoại, hóa đơn điện hay các giao dịch tài chính khác.

Ông Đàm Thế Thái cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam còn một số rào cản, đòi hỏi công ty có chiến lược phù hợp để vượt qua.

Mặc dù ngành tài chính tiêu dùng đã có lịch sử phát triển hơn 10 năm và đang phát triển mạnh, nhưng tỷ lệ cho vay trên doanh số bán hàng chưa cao, một phần do các chủ cơ sở bán lẻ hàng hóa tiêu dùng chưa thấy được hết tầm quan trọng và ý nghĩa tích cực của tín dụng tiêu dùng trong việc tăng doanh số bán hàng của chính mình.

Mặt khác, nhiều khách hàng còn thiếu thông tin về vay trả góp, hoặc có cái nhìn thiếu chính xác về dịch vụ này. Trong khi đó, cơ sở pháp lý đối với ngành tài chính tiêu dùng cần được hoàn thiện hơn nữa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các công ty tài chính.

Ông Nguyễn Mai Long cũng cho biết, hiện còn nhiều rào cản đối với thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam. Trong đó, rào cản lớn nhất có lẽ là mức độ nhận biết về các tổ chức tín dụng tiêu dùng hợp pháp của người tiêu dùng còn thấp. Cụ thể, người dân chưa nắm rõ đâu là những đơn vị tín dụng hoạt động với sự quản lý và giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đâu là những đơn vị không được cấp phép. Sự bùng phát tràn lan của các băng nhóm kinh doanh tín dụng đen núp bóng ngân hàng hay các công ty tài chính cũng bắt nguồn từ đó. Nhiều cá nhân đã rơi vào bẫy của các băng nhóm này, dẫn đến hậu quả đáng tiếc, gây nhiều hệ lụy cho xã hội, đồng thời làm xấu đi hình ảnh của hoạt động tín dụng tiêu dùng nói chung.

Được biết, các cơ quan quản lý nhà nước như Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan, ban, ngành khác đã ủng hộ sự phát triển của ngành tài chính tiêu dùng bằng cả chủ trương và hành động, coi đây là một công cụ hết sức hiệu quả để đáp ứng nhu cầu tài chính của người dân nhằm đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tín dụng đen...