21/01/2025 | 08:22 GMT+7, Hà Nội

Cảnh giác 5 nhóm thực phẩm ngon nhưng tiềm ẩn nhiều giun sán

Cập nhật lúc: 20/03/2019, 14:20

Theo các chuyên gia, giun sán ký sinh trong cơ thể người có thể thông qua nhiều con đường khác nhau, nhưng phần lớn là lây truyền qua con đường phân - miệng.

Đã có nghiên cứu cho rằng mỗi năm, người Việt Nam mất 1,5 triệu lít máu để nuôi giun móc và giun tóc cũng như hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm bị giun đũa ăn bớt trong ruột. Riêng ở trẻ em nhỏ và phụ nữ mang thai khi bị nhiễm giun sán sẽ gây ra nhiều biến chứng.

Các biến chứng hay gặp đó thiếu máu nặng do giun móc, giun mỏ, hay giun chui ống mật do giun đũa, tắc ruột do nhiều loại giun khác nhau, viêm tắc đường mật do sán lá gan nhỏ, sán lá gan lớn, ho ra máu do sán lá phổi, áp xe gan do sán lá gan lớn, ung thư gan do sán lá gan nhỏ, hay ung thư bàng quang do sán,…

Thực tế, nhiều người "sống chung" với giun sán trong cơ thể mà không hề hay biết vì chúng có thể ký sinh trong cơ thể một thời gian dài mới phát bệnh.

Các chuyên gia dinh dưỡng đã điểm mặt những loại thực phẩm tiềm ẩn giun sán và khuyến cáo người dân cẩn thận khi ăn.

Thịt bò tái, bít tết

 

Ngày nay rất nhiều người ưa chuộng món thịt bò nhúng, tái, bít tết mà không biết rằng bệnh sán dây bò cũng bắt nguồn từ những món ăn này. Loài sán này rất nguy hiểm, có thể sống trong cơ thể người 50 - 60 năm ở trong ruột, trong cơ, não, mắt...

Ngoài ra cũng phải kể đến sán lá gán lớn, ký sinh chủ yếu ở động vặt ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu... và gây bệnh ở người. Tỷ lệ trâu, bò nhiễm sán lá gan lớn từ 31 đến 98%. Bệnh có diễn biến cấp tính, gây đau bụng vùng gan, tổn thương gan, nguy hiểm đến tính mạng. Ấu trùng sán lá gan lớn có thể di chuyển ra ngoài gan, sán non có thể cư trú ở khớp, não, đại tràng, dưới da... làm cho bệnh cảnh lâm sàng phức tạp, khó chẩn đoán.

Tiết canh, nem chua

 

Tiết canh và nem chua về bản chất là chế biến từ thịt sống và máu sống, chế biến cùng các loại thịt, xương nên không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nhất là máu của lợn, gà, vịt... đang nhiễm bệnh.

Việc ăn tiết canh, nem chua từ con vật bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, nặng có thể gây tử vong. Do đó, nên bỏ thói quen ăn chế biến từ thực phẩm sống để hạn chế lây nhiễm bệnh từ thịt bẩn.

Gỏi cá

 

Những người có thói quen ăn cá không nấu kỹ (đặc biệt là gỏi cá) rất dễ bị lây truyền các bệnh từ cá như sán lá ruột nhỏ, sán lá gan... Cá đã chế biến làm gỏi xét nghiệm thấy 95% ấu trùng vẫn còn sống. 13 loại lá hay dùng ăn gỏi cũng được xay ra xét nghiệm thì 93% ấu trùng vẫn còn sống sau 4 giờ.

Các biện pháp truyền thống như vắt chanh, chế giấm vào các lát cá đều không diệt được giun, kể cả uống rượu mạnh cũng không có tác dụng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo chỉ nên chỉ ăn cá đã được nấu nướng thật chín.

Cua, ốc

 

Cua, ốc là loài sống trong môi trường bùn sâu thường chứa rất nhiều các loại ký sinh trùng có hại cho cơ thể. Kết quả điều tra cho thấy 100% cua có mang ấu trùng sán lá phổi. Một số địa phương có thói quen ăn cua nướng nên tỉ lệ mắc sán lá phổi rất cao. Thực tế, cua đã nướng vàng vỏ, 65% ấu trùng sán lá phổi còn sống, còn cua nướng cháy vỏ, tỷ lệ này là 23%.

Trong khi đó, mỗi con ốc có thể chứa 3.000-6.000 ký sinh trùng giun ống. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, nếu ăn những thực phẩm này cần phải ngâm thật sạch, nấu thật chín. Với ốc, cần loại bỏ ruột vì đây là phần chứa nhiều chất bẩn nhất.

Rau sống

 

Các loại rau thủy sinh như rau muống, cải xoong, rau diếp, húng, mùi tây, ngổ...do sống trong môi trường nước nên rất dễ bị các loại ấu trùng giun sán xâm nhập, một trong những loài nguy hiểm nhất là ấu trùng của sán là gan.

Kể cả các loại rau được trồng trên mặt đất như xà lách, cải thảo cũng không tránh khỏi nguy cơ nhiễm sán nếu được tưới bằng nguồn nước bẩn hoặc được bón bằng phân đạm chứa ấu trùng sán.

Bên cạnh việc rửa kỹ rau bằng nước sạch, người sử dụng nên ngâm nước muối, tốt nhất là nên nấu chín trước khi ăn.

 

M.H (th)