Cần xử phạt, tháo dỡ vi phạm sai quy hoạch phố cổ Hà Nội theo quy định pháp luật
Cập nhật lúc: 05/11/2020, 13:30
Cập nhật lúc: 05/11/2020, 13:30
Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.
Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.
Trước đó, trong tuyến bài "Chung tay cùng Hà Nội xử lý sai phạm đất đai và TTXD" hàng loạt dự án, công trình có dấu hiệu sai phạm đã được chỉ ra như: vượt chiều cao, sai mật độ, biến tướng nhà ở thanh chung cư mini cho thuê, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, phá vỡ quy hoạch đô thị. Đáng nói, các vi phạm phát hiện chậm trễ, đẩy cơ quan nhà nước vào "việc đã rồi".
Công trình tại số 37 phố Gia Ngư, phường Hàng Bạc đang được chủ đầu tư (CĐT) cơi nới, chồng tầng với quy mô khủng khiến dư luận vô cùng bức xúc vì vi phạm cũ không bị xử lý nay ngang nhiên xây dựng.
Thay vì cương quyết xử phạt, tháo dỡ phần sai phép, thì cơ quan chức năng địa phương lại "im lặng", mặc báo chí phản ánh, kệ người dân kiến nghị. Đây không còn là hiện tượng mới, mà trở thành vấn đề "nói mãi đâu vẫn vào đó" tại khu vực phố cổ.
Quyết định số 6398/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội đã ghi rõ, các công trình mặt phố cổ đều không được phép cao quá 12m, lớp nhà mặt phố được phép xây từ 1-3 tầng, tương đương 6-12m; lớp phía sau từ 2-4 tầng, tương đương 10-16m, khoảng lùi tối thiểu của lớp sau là 4-6m…
Công trình số 10F phố Đinh Liệt, số 125 Hàng Bạc đang trong tình trạng thi công phá vỡ quy hoạch, khiến cảnh quan đô thị nhếch nhác.
Thế nhưng, các công trình vẫn ngang nhiên tồn tại ở những vị trí đắc địa của khu phố cổ. Cụ thể: tại phường Hàng Bạc, công trình số 10F, phố Đinh Liệt với chiều cao xây thêm lên tầng thứ 06, chưa có dấu hiệu dừng lại, đang được chủ đầu tư quây bạt và thi công gấp rút; Công trình số 125 Hàng Bạc cũng tự ý sữa chữa, cơi nới, có dấu hiệu sai phép nghiêm trọng vẫn được chủ đầu tiếp tục thi công…
Các công trình tại số 2 Hàng Bè, số 2- 4 ngõ Trung Yên (phường Hàng Bạc) thi công vượt số tầng và chiều cao so với quy hoạch từ rất lâu. Công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) quy mô lớn nhưng chưa rõ cơ quan chức năng đã xử lý thế nào? Thực tế các công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhấn mạnh thêm: “Việc các dự án sai phạm, chậm tiến độ, “câu giờ” chờ được hợp thức hóa, chờ “phạt cho tồn tại” gây áp lực chung lên kết cấu hạ tầng, tương lai sẽ phá vỡ tổng thể quy hoạch đô thị. Các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cần rà soát và thanh kiểm tra các dự án “có vấn đề”, xử phạt nghiêm các sai phạm, ra quyết định thu hồi dự án nếu cần để không ảnh hưởng đến tiến độ chung trong định hướng phát triển quy hoạch của thành phố”.
Tiếp tục ghi nhận thực tế, công trình tại số 37 phố Gia Ngư, phường Hàng Bạc đang được chủ đầu tư (CĐT) cơi nới, chồng tầng với quy mô khủng. Theo người dân tại đây cho biết, công trình này ngay từ khi xây dựng đã được "ưu ái" xây dựng 7 tầng với chiều cao và mật độ khác biệt mà không bị cơ quan chức năng xử lý.
Các công trình tại số 2 Hàng Bè, số 2- 4 ngõ Trung Yên (phường Hàng Bạc) thi công vượt số tầng và chiều cao so với quy hoạch.
Sai phạm TTXD lặp lại tại phường Hàng Bông trên các tuyến phố nằm trong quy hoạch phố cổ và có chiều hướng tăng mạnh, diễn biến phức tạp. Những công trình đang xây dựng có địa chỉ tại số 154B, 108, 151 – 153, 161 – 163, 211, Hàng Bông không chỉ xây dựng sai mật độ, sai phép phá vỡ quy hoạch chung của phố cổ, phố cũ.
Trong đó, công trình số 154B Hàng Bông đang thi công lớp ngoài 04 tầng, lớp trong 05 tầng đang có dấu hiệu vi phạm về số tầng. Công trình số 108 Hàng Bông cách UBND phường vài chục mét cũng đang sửa chữa và có dấu hiệu lên tầng. Hàng loạt các công trình vi phạm nghiêm trọng phá vỡ quy hoạch chung của TP Hà Nội trên phố Hàng Bông, Hội Vũ như số 211 Hàng Bông, 07 Hội Vũ vẫn ngang nhiên tồn tại bất chấp quy định pháp luật.
Nói về nguyên nhân dẫn đến những vi phạm còn kéo dài, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nêu quan điểm, một phần là do lực lượng Thanh tra Xây dựng chưa làm hết trách nhiệm. Việc phối hợp với các quận, huyện, thị xã trong việc kiểm tra, đôn đốc còn lỏng lẻo, chưa rõ ràng, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao…
Từ những nguyên nhân này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị chủ tịch, bí thư ở các địa phương phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm của đội quản lý trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý triệt để sai phạm cũ, không để phát sinh vi phạm mới.
Được biết, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội giúp UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội (đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia) theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian vừa qua vai trò cũng như trách nhiệm của Ban Quản lý Phố cổ còn mờ nhạt. Bởi trên thực tế khu vực phố cổ ngày càng trở nên "nhếch nhác" vì những dự án, công trình xây dựng vượt quy chuẩn quy hoạch phố cổ. Không gian sống của người dân bị thu hẹp, kéo theo hệ luỵ về ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn... Di tích lịch sử, nét đẹp kiến trúc phố cổ, phố cũ đã dần được "bê tông hoá" bằng những vi phạm TTXD.
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005, chủ sở hữu BĐS có các nghĩa vụ sau:
Điều 263 quy định chủ sở hữu có nghĩa vụ bảo vệ môi trường khi sử dụng tài sản của mình. Nếu làm ô nhiễm môi trường thì phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại.
Điều 267 quy định chủ sở hữu có nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng. Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa hóa chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chủ sở hữu phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.
Trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng quy định tại điều 10 Luật xây dựng 2003, có các hành vi sau: Vi phạm quy định về an toàn tính mạng con người, tài sản và vệ sinh môi trường trong xây dựng; Cơi nới, lấn chiếm không gian, khu vực công cộng, lối đi và các sân bãi khác đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố.
Việc công trình xây dựng làm ảnh hưởng đến môi trường cũng có thể bị xử lý theo quy định tại điều 15 nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007. Cụ thể: trường hợp công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận, để vật tư, vật liệu và thiết bị thi công gây cản trở giao thông công cộng thì phải ngừng thi công xây dựng; chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng phải có biện pháp khắc phục hậu quả.
Nếu các cơ quan chức năng không nhanh chóng xử lý các sai phạm nêu trên sẽ kéo theo hàng loạt hệ luỵ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch Thủ đô.
Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các địa phương được thực hiện theo quy định pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể như Luật xây dựng, Luật Nhà ở, Nghị định 139/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan khác.
Theo đó, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở đã quy định rất rõ phần xây dựng sai phạm trước tháng 10/2013 nếu phù hợp quy hoạch thì cho tồn tại nhưng chủ đầu tư phải đóng 40% lợi nhuận từ việc xây dựng sai phép mang lại, còn nếu không buộc phải tháo dỡ. Đối với công trình xây dựng sau tháng 10/2013, nếu vi phạm về xây dựng bắt buộc phải cưỡng chế, tháo dỡ phần xây dựng sai phạm.
Tuy nhiên, khi PV liên hệ đến UBND phường Hàng Bạc, UBND phường Hàng Bông để làm rõ thông tin các dự án, công trình xây dựng vượt quy chuẩn quy hoạch phố cổ thì đều không nhận được phản hồi nào. Nếu các cơ quan chức năng không nhanh chóng xử lý các sai phạm nêu trên sẽ kéo theo hàng loạt hệ luỵ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch Thủ đô.
Trước diễn biến vi phạm TTXD ngày càng gia tăng, rất cần Ban Quản lý quy hoạch phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm, Sở Xây dựng thiết lập hồ sơ, thanh kiểm tra toàn bộ các công trình, dự án tại các địa bàn phường. Cùng với đó là áp dụng các chế tài, cương quyết xử phạt, tháo dỡ phần sai phép theo quy định pháp luật và Nhà nước, tránh hiện tượng "phạt cho tồn tại", vi phạm kéo dài.