23/01/2025 | 01:05 GMT+7, Hà Nội

Cần xử lý hình sự những cơ sở "cố tình" kinh doanh đồng hồ nhập lậu

Cập nhật lúc: 25/07/2019, 14:01

Dường như việc cơ quan chức năng xử lý những cơ sở kinh doanh đồng hồ nhập lậu như ACE Watch tại 41 Xã Đàn hay 39 Võ Văn Dũng vẫn chưa đủ mạnh tay để họ phải từ bỏ mặt hàng siêu lợi nhuận này.

Vẫn câu chuyện xách tay chứ không buôn lậu

Sau khi Cục Quản lý Thị trường Hà Nội có văn bản số 29 ra ngày 15/07/2019 gửi cơ quan báo chí về việc thanh kiểm tra đột xuất 2 cơ sở bán đồng hồ nhập lậu trên địa bàn quận Đống Đa, phóng viên cũng đã khảo sát tại những địa điểm này và nhận thấy hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập lậu vẫn tồn tại.

Cụ thể, tại cơ sở mang tên ACE Watch nằm tại 41 Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra tấp nập. Theo chân một khách hàng có nhu cầu mua một chiếc đồng hồ tại đây, nhân viên sẵn sàng tư vấn cho khách hàng về loại mặt hàng được cho là “xách tay”.

Theo như lời nam nhân viên, chiếc đồng hồ này nếu mua tại hãng thì giá có thể gấp đôi so với giá cửa hàng bán ra. Cụ thế, với một chiếc đồng hồ mang thương hiệu ORIENT nếu chính hãng bán với giá khoảng 12 triệu đồng thì ngay tại ACE Watch chỉ bán với giá khoảng 6 triệu đồng.

Hàng xách tay bao giờ cũng rẻ hơn với chính hãng.

Hàng xách tay bao giờ cũng rẻ hơn so với chính hãng.

Thế nhưng, khi được hỏi sao sản phẩm “xách tay” cửa hàng lại rẻ như vậy thì đến nam nhân viên này cũng chịu...?!

Tiếp tục tìm đến cơ sở kinh doanh đồng hồ nằm tại 39 Võ Văn Dũng, Đống Đa, Hà Nội mà trước đó ngày 05/07/2019, Đội Quản lý Thị trường số 4 kiểm tra đã xử phạt 8 triệu và tịch thu 6 chiếc đồng hồ có giá trị gần 17 triệu, phóng viên nhận thấy nơi đây vẫn kinh doanh loại mặt hàng nhập lậu này nếu khách có nhu cầu.

Tại đây, các mặt hàng từ đồng hồ cao cấp cho đến mặt hàng đồng hồ trung cấp cũng được bày bán. Đặc biệt, cơ sở này còn bán những sản phẩm điện thoại cao cấp khác nữa.

Trao đổi với khách hàng, nữ nhân viên cho biết ngoài địa chỉ ở đây, hệ thống còn có một cửa hàng nằm tại số 12 Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội. Những sản phẩm bày bán trong đó chủ yếu là những mặt hàng cao cấp từ điện thoại cho đến đồng hồ.

Các sản phẩm được cho là “xách tay” đều được bảo hành tại cửa hàng với một lý do hãng đồng hồ này sản xuất không có chế độ bảo hành toàn cầu. Theo lời nhân viên này, sản phẩm ở đây đều mới 100% có đầy đủ sổ, hộp phụ kiện kèm theo.

Có thể nói, đây là 2 cơ sở điển hình trong việc kinh doanh mặt hàng đồng hồ nhập lậu. Chính vì sản phẩm này siêu lợi nhuận mà từ hộ kinh doanh cho đến công ty sẵn sàng chịu phạt khi có đoàn thanh kiểm tra để rồi câu chuyện lại đâu vào đó.

Có thể đi tù vì hàng xách tay

Có thể thấy, khái niệm về hàng xách tay được hiểu là các loại hàng hóa được mang từ nước ngoài về Việt Nam qua những con đường như: Người thân ở nước ngoài chuyển về, đi du lịch nước ngoài xách tay như một loại hành lí và mang về, nhân viên hàng không mua hàng ở nước sở tại mang về, vài cá nhân hoặc công ty đứng ra làm dịch vụ mua hàng và chuyển về Việt Nam v.v…

Luật sư Nguyễn Đức Long - Trưởng văn phòng luật Đức Tín thuộc đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc buôn bán hàng xách tay có thể vi phạm pháp luật hoặc không vi phạm pháp luật. Cụ thế với trường hợp không vi phạm pháp luật, số lượng hàng hóa nằm trong định mức miễn thuế hoặc hàng hóa vượt định mức miễn thuế đã làm thủ tục khai hải quan theo đúng quy định. Hoặc hàng hóa không trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, hàng hóa có hóa đơn, chứng từ kèm theo và đúng quy định của pháp luật về quản lí hóa đơn.

Cần xử lý mạnh tay với những cơ sở bán đồng hồ nhập lậu.

Cần xử lý mạnh tay với những cơ sở bán đồng hồ nhập lậu.

Đối với trường hợp kinh doanh mặt hàng lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn… và còn nhiều điều khác được quy định tại Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP) sẽ bị vi phạm pháp luật.

Những người kinh doanh mặt hàng này ngoài việc bị xử phạt hành chính cũng có thể bị xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, “Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Ngoài ra, những đơn vị đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các Điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Như vậy, đây là một mức phạt không hề nhẹ nhàng chút nào cho những kẻ hám lợi nên rất cần các cơ quan chức năng xử lý nghiêm với những trường hợp đang "cố tình" vi phạm vì siêu lợi nhuận của mặt hàng này.

Bán hàng xách tay bị coi là vi phạm pháp luật nếu rơi vào một trong các trường hợp sau (Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP)

  • Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
  • Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;
  • Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
  • Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
  • Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.