19/01/2025 | 01:21 GMT+7, Hà Nội

Cẩn trọng với bảo hiểm nhân thọ (2): Thực hư về “quyền lợi ưu việt”

Cập nhật lúc: 29/06/2017, 11:40

Không ai có thể phủ nhận các lợi ích chính đáng mà bảo hiểm nhân thọ mang lại cho khách hàng. Tuy nhiên, bảo hiểm nhân thọ có “ưu việt” như các nhân viên tư vấn nói với khách hàng?

>> Cẩn trọng với bảo hiểm nhân thọ (1): Mất tiền oan vì bảo hiểm nhân thọ

Thực hư “quyền lợi ưu việt” của bảo hiểm nhân thọ

Bác D (Hà Nội) cho biết bác tham gia bảo hiểm nhân thọ của Manulife từ cách đây hơn 2 năm với 3 quyền lợi cơ bản, bao gồm: Được bồi thường 100% giá trị hợp đồng khi tử vong (tương đương 500 triệu đồng), 100% giá trị hợp đồng khi bị bệnh hiểm nghèo (tương đương 500 triệu đồng) và được thanh toán 500.000 đồng/ngày khi nằm viện. 

Bác D cho biết, mặc dù có đọc bản hợp đồng trước khi đặt bút ký nhưng bác cũng thừa nhận là không hiểu lắm vì các điều khoản “quá dài dòng và phức tạp”.

Khi đọc kỹ lại hợp đồng bảo hiểm dài tới gần 50 trang, bao gồm rất nhiều điều, khoản được trình bày với cỡ chữ nhỏ li ti trên khổ giấy A4 của bác D., nhóm phóng viên chúng tôi nhận thấy các quyền lợi bảo hiểm mà bác D mô tả không hoàn toàn sai, nhưng cũng chưa chính xác và đi kèm với rất nhiều điều kiện khắt khe. 

Cụ thể, hợp đồng bảo hiểm của bác D không ghi rõ giá trị bồi thường khi khách hàng tử vong là 100% giá trị hợp đồng mà chỉ ghi chung chung: Nếu người được bảo hiểm tử vong trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực, công ty bảo hiểm sẽ xem xét chi trả quyền lợi bảo hiểm tử vong theo một trong nhiều trường hợp như: “Số tiền bảo hiểm đang áp dụng tại thời điểm người được bảo hiểm tử vong”, hoặc “giá trị tài khoản hợp đồng đến ngày có yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm tử vong”,…

Bác D. cho biết trước khi ký hợp đồng, bác được nhân viên tư vấn đưa cho một bảng minh họa, trong đấy cho thấy bác sẽ được hưởng 100% giá trị hợp đồng khi tử vong. Tuy nhiên, điều đáng nói là căn cứ mà nhân viên tư vấn đưa ra để giới thiệu với bác D lại kèm theo một dòng ghi chú ở phía dưới "bảng minh họa này không phải là hợp đồng bảo hiểm" và không được đính kèm vào hợp đồng bảo hiểm. 

Như vậy, trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, nhân viên tư vấn và Manulife hoàn toàn có quyền "phủi bỏ trách nhiệm" vì những lời cam kết có cánh của công ty này chỉ được thể hiện trong "bảng minh họa" chứ không phải hợp đồng chính thức

Bảg hợp đồng dày kịt chữ nhỏ li ti và dài tới gần 50 trang của Manulife là một thách thức không nhỏ đối với nhiều khách hàng.

Bảng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dày kịt chữ nhỏ li ti với nhiều ngôn từ chuyên môn, rối rắm và dài tới gần 50 trang của Manulife là một thách thức không nhỏ đối với nhiều khách hàng.

Còn về quyền lợi bảo hiểm bệnh lý nghiêm trọng, để được hưởng quyền lợi này, khách hàng sẽ phải “vượt qua” khá nhiều quy định rối rắm về giấy tờ, hồ sơ bệnh án, chứng từ chứng minh tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, công ty bảo hiểm Manulife cũng loại trừ rất nhiều bệnh khỏi danh mục thanh toán nên thực chất, khách hàng cũng chẳng được bao nhiêu quyền lợi khi bị bệnh lý nghiêm trọng.

Ví dụ, công ty Manulife tuyên bố thanh toán quyền lợi bảo hiểm đối với các bệnh ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi hoặc ung thư gan nhưng lại loại trừ các trường hợp ung thư di căn đến tiền liệt tuyến và khối u bị xâm lấn từ các cấu trúc hoặc cơ quan xung quanh. Hoặc, Manulife xác định sa sút trí tuệ trầm trọng là bệnh lý được bảo hiểm nhưng lại loại trừ trường hợp rối loạn não không do tổn thương thực tể như rối loạn thần kinh hay tâm thần.

Tương tự, đối với quyền lợi bảo hiểm nằm viện, bác D. tham gia với mức bồi thường 500.000 đồng/ngày nhưng thực chất danh sách các bệnh được hưởng quyền lợi này cũng chỉ dài tương đương với danh mục các bệnh bị loại trừ không nằm trong danh sách thanh toán.

Như vậy, có thể thấy Manulife thực chất đã "cài cắm" rất nhiều điều khoản khác nhau để đẩy sự bất lợi sang phía khách hàng bằng cách xây dựng một bản hợp đồng dài lê thê, lên đến vài chục trang với cỡ chữ li ti và quá nhiều ngôn ngữ chuyên môn kiểu “đánh bẫy” khách hàng.

Bên cạnh đó, những quyền lợi "ưu việt" mà công ty này cam kết lại chỉ mang tính chất "minh họa" và được khẳng định "không phải hợp đồng bảo hiểm" và không có giá trị pháp lý khi có tranh chấp xảy ra. 

Manulife thực chất đã

Manulife thực chất đã "cài cắm" rất nhiều điều khoản khác nhau để đẩy sự bất lợi sang phía khách hàng.

Bất chấp quy định để tăng trưởng

Theo ghi nhận nhanh của nhóm phóng viên, không chỉ riêng một mình Manulife mà còn rất nhiều công ty bảo hiểm khác cũng đang bị khách hàng "kêu trời" vì các điều khoản quá khó hiểu. Nhiều người thừa nhận đã mua bảo hiểm theo cảm tính, mua theo sự tư vấn của người thân, mua vì "nể nang" người bán hàng - vốn là bạn bè hoặc người trong dòng họ.

Chị T. H (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, khi mua bảo hiểm thì nhân viên tư vấn rất ngọt ngào, họ cũng giảm thiểu tất cả các thủ tục hành chính. Khách hàng chỉ việc khai vào biểu mẫu rồi ký là xong, thậm chí còn không phải đi khám sức khỏe. "Tuy nhiên, khi mình đến đòi quyền lợi thì họ lại phát sinh quá nhiều yêu cầu rắc rối nên gia đình mình đã chấp nhận mất 1 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trị giá 300 triệu đồng và dừng đóng hợp đồng này tại thời điểm năm thứ 3 của hợp đồng", chị H cho biết.

Quay trở lại trường hợp bác D., mặc dù đã ngoài 60 tuổi khi bắt đầu tham gia bảo hiểm nhưng bác cũng hoàn toàn không phải đi khám sức khỏe trước khi ký hợp đồng mà vẫn được công ty chấp thuận. 

Trước đó, dư luận cũng lên tiếng mạnh mẽ về vụ việc của chị Q.N ở Hà Nội khi đột ngột phát hiện cả 4 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của gia đình ở Prudential bị thông báo là mất hiệu lực do công ty không liên hệ được với khách hàng. 

Cùng với bác D., chị T.H, chị Q.N mỗi năm cả nước có vài trăm nghìn người hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, tương đương với hàng trăm tỷ đồng tiền phí bảo hiểm đã bị các công ty bảo hiểm nghiễm nhiên đút túi vì theo quy định của hầu hết các công ty bảo hiểm nhân thọ là không hoàn trả phí trong vòng 3 năm đầu. 

 

Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hiện đang ở mức thấp, rất nhiều hợp đồng bảo hiểm bị khách hàng hủy bỏ. Chỉ tính riêng năm 2014, đã có tổng cộng 436.749 hợp đồng bị hủy bỏ. Các năm sau đó, Bộ Tài chính không công bố số lượng hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ.