19/01/2025 | 02:33 GMT+7, Hà Nội

Sự thật về sữa tiệt trùng, sữa thanh trùng và sữa tươi

Cập nhật lúc: 28/06/2017, 00:48

Sữa tươi, sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tiệt trùng, sữa thanh trùng, sữa hoàn nguyên, sữa bột,… là những cái tên mà người tiêu dùng thường gặp trên kệ hàng sữa. Đâu là sự thật về các loại sữa này?

Nếu phân loại theo phương pháp chế biến, thị trường sẽ có 3 loại sữa là sữa tươi, sữa thanh trùng và sữa tiệt trùng. Còn nếu phân loại theo thành phần nguyên liệu thì khách hàng chỉ cần nhớ rằng họ có 2 sự lựa chọn: Sữa tươi và sữa hoàn nguyên.

Tuy nhiên, sự khác biệt về nguyên liệu, cách chế biến và giá thành sản xuất khiến nhiều nhà sản xuất tìm mọi cách để nhập nhèm giữa các loại sữa khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là việc các nhà sản xuất đã sử dụng không minh bạch khái niêm “sữa tiệt trùng” cho cả sữa tươi và sữa hoàn nguyên nhằm trục lợi khiến Bộ Y tế phải ra quyết định “khai tử” khái niệm sữa tiệt trùng nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng.  

Sữa tiệt trùng

Sữa tiệt trùng thực chất chỉ là cách gọi quy trình, phương pháp chế biến (tiệt trùng) chứ không nói lên bản chất của của loại sữa này.

“Sữa tiệt trùng” gồm 2 loại là sữa tươi tiệt trùng và sữa hoàn nguyên tiệt trùng. Trong đó, sữa tươi tiệt trùng được chế biến từ sữa tươi còn sữa hoàn nguyên tiệt trùng được chế biến từ sữa bột, nước và có thể bổ sung thêm phụ liệu.

  • Sữa tươi tiệt trùng

Sữa tươi tiệt trùng được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu, được xử lý ở nhiệt độ cao (140-143 độ C) trong khoảng thời gian 3-5 giây nhằm tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn có khả năng làm hỏng sữa, giúp bảo quản sản phẩm trong vòng 6 -12 tháng.

Do sữa tươi tiệt trùng xử lý nhiệt chỉ một lần trong thời gian cực ngắn nên các dưỡng chất như vitamin B6, B12, Vitamin C, Folate… hao hụt ít hơn và không cần bổ sung thêm.

  • Sữa hoàn nguyên tiệt trùng

Thành phần chính của sữa tiệt trùng hoàn nguyên là sữa bột. Khi đưa vào quy trình sản xuất, sữa bột được hòa trộn với nước và một số thành phần khác như dưỡng chất bổ sung (DHA, Canxi, chất béo,…), đường, các loại phụ gia tạo màu, tạo vị như nước quả, cacao, cà phê… và được xử lý ở nhiệt độ cao trước khi đóng gói thành phẩm.

Do giá thành sản xuất của sữa tươi tiệt trùng cao hơn, giá bán cũng cao hơn tương ứng nên một số nhà sản xuất đã nhập nhèm giữa 2 khái niệm “sữa tươi tiệt trùng” và “sữa hoàn nguyên tiệt trùng” bằng cách gọi tắt sản phẩm của mình là “sữa tiệt trùng”.

Chính vì vậy, mới đây Bộ Y tế đã có cam kết sẽ “khai tử” khái niệm “sữa tiệt trùng” và yêu cầu các doanh nghiệp phải ghi rõ trên bao bì là về thành phần nguyên liệu là sữa tươi, sữa hoàn nguyên hay sữa hỗn hợp.  

Thay vì ghi nhãn cụ thể "sữa tươi tiệt trùng" hay "sữa hoàn nguyên tiệt trùng", nhiều hãng sữa chỉ ghi chung chung "sữa tiệt trùng" khiến người tiêu dùng nhầm lẫn suốt nhiều năm nay.  

Sữa thanh trùng 

  • Sữa tươi thanh trùng

Sữa tươi thanh trùng (high-temperature short-time milk - sữa qua xử lý ở nhiệt độ cao trong thời gian ngắn) là sữa tươi được xử lý ở nhiệt độ từ 75 - 90 độ C trong khoảng thời gian từ 30 -60 giây rồi được làm lạnh đột ngột xuống 2 - 4 độ C. Vì được xử lý ở mức nhiệt vừa phải trong thời gian ngắn nên sữa thanh trùng giữ lại được hầu hết các loại vi chất, vitamin và mùi vị của sữa tươi nguyên liệu ban đầu.

Sữa tươi thanh trùng cần phải bảo quản lạnh từ 3-5 độ C và có hạn sử dụng từ 10-30 ngày.

Sữa thanh trùng được khuyến cáo không nên sử dụng cho trẻ dưới 18 tháng tuổi vì khả năng gây dị ứng cho trẻ là khá cao.

  • Sữa hoàn nguyên thanh trùng

Sữa hoàn nguyên thanh trùng có phương pháp chế biến gần giống sữa tươi nhưng thành phần nguyên liệu là sữa hoàn nguyên. Trên thực tế, sữa hoàn nguyên thanh trùng ít được sản xuất mà thường gặp hơn cả là sữa hoàn nguyên tiệt trùng hoặc sữa tươi thanh trùng. 

Sữa tươi

Sữa tươi là sữa của các loại động vật (bò sữa, dê, cừu...) ở dạng nguyên liệu thô, hầu như mới chỉ được sơ chế rồi đóng gói và vận chuyển tới tay người tiêu dùng và có thời gian sử dụng ngắn, thường là dưới 3 ngày. Sữa tươi được bảo quản và vận chuyển trong điều kiện lạnh trước và trong khi sử dụng.

Các nhà khoa học cũng khuyến cáo không nên cho trẻ em dưới 2 tuổi uống sữa tươi vì sữa tươi có thể còn chứa nhiều loại vi khuẩn trong khi hệ tiêu hóa của các bé lại chưa hoàn thiện.