23/11/2024 | 01:43 GMT+7, Hà Nội

Cần thay đổi tư duy về nông nghiệp

Cập nhật lúc: 27/10/2019, 09:00

Tình trạng hàng trăm chiếc xe chở nông sản kéo dài gần 5 km nối đuôi nhau chờ thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh trong những ngày qua buộc Bộ Công Thương phải vào cuộc tìm cách tháo gỡ, khiến nhiều người lắc đầu...

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Vậy bao giờ mới hết cảnh phải “giải cứu” nông sản để ngành nông nghiệp thực sự phát triển ổn định, bền vững?

“Nước mắt” trái thanh long…

“Mùa tắc đường” là câu nói vui của nhiều người dân sinh sống dọc theo con đường dài gần 5 km dẫn tới cửa khẩu Tân Thanh. Trên con đường khu phi thuế quan thuộc xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn, hàng đoàn container xếp hàng dài, những gương mặt lái xe mệt mỏi, đi lại nghe ngóng tình hình và chờ đợi. Bên trong bãi, hàng trăm xe vẫn đang xếp hàng chờ đến lượt “đánh” sang bên kia biên giới.

Nhích từng mét đường tiến về phía cửa khẩu, tài xế Nguyễn Văn Hùng (ngụ tỉnh Bình Thuận) cho biết, đã chờ 5 ngày nhưng 20 tấn thanh long của anh vẫn chưa thể xuất qua cửa khẩu. Như anh Hùng, nhiều tài xế xe tải tỏ ra “ngao ngán” do không biết đến khi nào mới xuất được hàng, trong khi nông sản đang giảm chất lượng từng ngày. Anh Nguyễn Văn Thanh, lái xe thuê cho một chủ hàng ở tỉnh Ninh Thuận cho biết, anh đã ăn chực nằm chờ ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh 3 ngày nhưng chưa thể xuất được hàng.

Xe chở nông sản xếp thành hàng, nối đuôi nhau nằm chờ trên con đường đến cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: T.N

Còn theo báo cáo UBND của tỉnh Lạng Sơn, đến sáng ngày 22/10/2019, vẫn có khoảng gần 500 container xếp hàng chờ qua cửa khẩu Tân Thanh. Nếu như trước đây, trung bình số lượng xe chở hàng xuất khẩu thông quan khoảng từ 80 - 150 xe/ngày, thì nay tăng đột biến khoảng trên 250 xe/ngày, chủ yếu là thanh long và một số mặt hàng nông sản khác từ Bình Thuận, Long An, Tây Ninh, Ninh Thuận, Gia Lai, Tiền Giang…

Hiện tượng các xe hàng nông sản ùn ứ khi làm thủ tục thông quan bắt nguồn từ việc ngày 12/10 Hải quan Trung Quốc đưa vào áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa nhập khẩu. Cụ thể, lực lượng chức năng phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát tại cổng kiểm soát số 1 đối với phương tiện ô tô, kể cả xe không hàng và có hàng của Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh vào Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc - “cánh cửa” đang hẹp dần

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến hàng nông sản Việt sang Trung Quốc sụt giảm, ùn ứ và “tắc” ở cửa khẩu là do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ngoài ra, nước này cũng thay đổi chính sách thương mại và đưa ra loạt hàng rào kỹ thuật về kiểm soát chất lượng, kiểm dịch an toàn thực phẩm... với nông sản nhập khẩu. Trong khi đó, từ nhiều năm qua, hàng nông sản của ta đang quá lệ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.

Các chuyên gia trong ngành nhận định, thị trường Trung Quốc đã có sự thay đổi, không còn “dễ tính” như trước, các tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu ngày càng được nâng cao. Nếu nông dân không thực hiện ngay việc chuẩn hóa về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc cho trái cây thì ngay cả thị trường được cho là “dễ dãi” như Trung Quốc nhưng trái cây Việt Nam cũng sẽ không đủ điều kiện xuất khẩu vào như trước nữa. Hiện mới có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, chuối, dưa hấu...  

 Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cho biết, vẫn còn nhiều loại trái cây vốn có lượng xuất khẩu lớn sang Trung Quốc nhưng lại chưa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch…

“Phớt lờ” sự khuyến cáo

Nguyên nhân của “điệp khúc buồn” mà thanh long Việt Nam phải đối mặt đã được nhiều người phân tích, song đã mấy ai quan tâm đến những cảnh báo của các cơ quan chức năng, nhà khoa học đưa ra?

Người nông dân mặc sức trồng, mặc sức nuôi theo phong trào nhưng không quan tâm sau này bán cho ai. Nhiều nông sản quy hoạch cho từng ngành nhưng vẫn xảy ra tình trạng sản xuất tự phát, không theo quy hoạch, không theo tín hiệu của thị trường và đôi khi “phớt lờ” sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: “Chỉ tính riêng nhóm 10 loại trái cây xuất khẩu chính của Việt Nam như: thanh long, chuối, xoài... thì diện tích dự kiến đạt trên 800 ngàn hécta vào năm 2020 và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Với tốc độ tăng nhanh về diện tích này, nếu Việt Nam không đẩy mạnh và mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây thì sẽ phải đối mặt với khủng hoảng thừa”.

Lối đi nào cho nông sản Việt?     

Để giảm thiểu tình trạng ùn ứ thanh long, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã tăng cường bố trí cơ sở vật chất và nhân lực trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu E nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói chung và thanh long nói riêng. Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố vùng trồng thanh long trọng điểm, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận. Cục Xuất nhập khẩu cũng khuyến cáo và đề nghị các doanh nghiệp phối hợp triển khai thực hiện một số nội dung sau để giảm thiểu tình trạng ùn ứ nêu trên, đặc biệt trong giai đoạn chính vụ thu hoạch để tiêu thụ và xuất khẩu, đồng thời đảm bảo chất lượng hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, phát huy tối đa lợi ích tiềm tàng từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, tránh gây thiệt hại cho người nông dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số giải pháp tạm thời cũng được đưa ra như tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, phân luồng phương tiện hợp lý, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn tài sản và phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ hoạt động thương mại của doanh nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, đó mới chỉ là các giải pháp mang tính tình thế, chưa mang tính căn bản lâu dài. Điều quan trọng là cần thay đổi tư duy về nông nghiệp.

Thời gian qua, công tác quản lý quy hoạch nông nghiệp hiện còn nhiều hạn chế, người dân phát triển cây ăn quả một cách tự phát. Việc sản xuất đa phần đang ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng chưa đồng đều; chưa có nhiều sản phẩm thương hiệu, chứng nhận nguồn gốc, quy trình đạt chuẩn quy định.

Ông Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia cho rằng, thời gian tới phải quy hoạch lại nông nghiệp hướng đến sản xuất lớn, có chứng nhận nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng sản phẩm được đảm bảo. Đồng thời, tổ chức liên kết sản xuất giữa người nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan nghiên cứu khoa học chặt chẽ, hiệu quả và bền vững.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN & PTNT), quan điểm của Trung Quốc và Việt Nam là nông sản Việt Nam cần hướng tới xuất khẩu chính ngạch. Việc này giúp nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp và năng lực thích ứng thị trường của nông dân được nâng cao. Ngoài ra, thương mại điện tử ở Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh đến từng ngóc ngách các hộ gia đình. Vì vậy, ông Toản khuyến nghị doanh nghiệp cần tận dụng các kênh bán hàng này, đồng thời hướng tới làm ăn bài bản tại thị trường Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, một trong những điểm yếu hiện nay của nền nông nghiệp Việt Nam vẫn là thiếu thông tin về thị trường. Do đó, để giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản rất cần sự vào cuộc của cơ quản quản lý Nhà nước. Cụ thể ở đây là Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương phải cùng nhau ngồi lại để thông tin cho người dân, địa phương thấy nhu cầu thị trường cần bao nhiêu, thị trường nào cần sản phẩm gì… Từ đó, các địa phương mới đăng ký sản xuất cung cấp cho thị trường đó. Để làm tốt việc đó, Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước sẽ phải làm nhiệm vụ cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường của nước sở tại cho 2 bộ này để tổng hợp. Từ đó mới có thể cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, địa phương và doanh nghiệp, kịp thời ứng phó khi thị trường xuất khẩu có thay đổi.

Bên cạnh đó, dù tiêu thụ ở bất kỳ thị trường nào thì người sản xuất cũng cần ý thức đến vấn đề sản xuất sạch, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, cao hơn là tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, hữu cơ. Chỉ khi người nông dân quan tâm đến vấn đề chất lượng hơn số lượng thì uy tín nông sản xuất khẩu của Việt Nam mới được cải thiện, khi đó vấn đề tiêu thụ mới không bị các thị trường “làm khó”, ép giá, và người nông dân mới tự tin mở “cánh cửa” đến với nhiều thị trường lớn, giàu tiềm năng trên thế giới.