19/01/2025 | 06:00 GMT+7, Hà Nội

Cẩn thận mắc bẫy “thương gia đen” khi mua điện thoại xách tay

Cập nhật lúc: 28/10/2018, 07:01

Điện thoại di động xách tay vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau. Cùng một mẫu nhưng có rất nhiều loại hàng, chất lượng và xuất xứ nên không dễ để người tiêu dùng có thể chọn mua được một model tốt.

Nhiều người mê vì giá rẻ

Những năm qua, điện thoại xách tay trở thành một loại mặt hàng hot, khiến nhiều người đổ xô đi buôn. Hết cơn “sốt” điện thoại xách tay Hàn Quốc hạ nhiệt thì những đợt “nóng” mới lại bùng lên. Phong trào “săn” smartphone xách tay từ Nhật, Singapore, Úc, Mỹ… luôn tạo nên những cơn sóng mới khiến người tiêu dùng sốt sắng tìm mua.

Lướt qua các trang mạng xã hội, mọi người sẽ thấy những trang mua - bán điện thoại xách tay nổi lên như “nấm mọc sau mưa” và nhận được rất nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng.

Vừa gõ tin nhắn trả lời khách hàng, anh Thắng (Đống Đa, Hà Nội), một người chuyên cung cấp iPhone xách tay Nhật cho biết: “Mặc dù, các đơn vị bán di động chính hãng đang cố gắng lấy lại thị phần, tạo thế cân bằng cách giảm giá, hậu mãi tốt… nhưng người mua còn ham rẻ thì chúng tôi còn bán tốt”.

Cũng theo anh Thắng, hiện nay, người mua chạy theo công nghệ khá nhiều, họ đổi máy liên tục nên có bán máy dựng lại cũng không lo. Nhiều loại smartphone tuy chưa có trên thị trường nhưng đã được người mua đặt hàng.

“Họ thích “hàng ngoại” nhưng giá rẻ nên đây là điểm yếu tâm lý của khách hàng để mà chúng tôi liên tục đánh vào”, anh Thắng bật mí.

Còn trong suy nghĩ người tiêu dùng, cái gì có lợi là họ mua. Sau khi mua cho bản thân một chiếc Samsung Note 8, chị Hương còn đặt mua cho con gái một chiếc iPhone 7Plus từ một người bạn chuyên bán di động xách tay.

“Tôi tham khảo thì thấy hàng xách tay chỉ có 12,2 triệu đồng, trong khi hàng chính hãng lên tới 19,9 triệu đồng. Như vậy, tôi tiết kiệm được hơn 7 triệu đồng thì tội gì không mua. Mua chỗ người quen nên đảm bảo uy tín lắm. Dùng không khác gì hàng công ty, giá lại rẻ. Nếu có hơn nhau thì cũng chỉ ở khâu bảo hành, trong khi, chờ được máy hỏng thì tôi cũng đổi máy mới rồi”, chị Hương tâm sự.

 Vì ham rẻ mà người mua đang biến mình thành những "con gà" của người bán di động xách tay.

Chính với tâm lý chủ quan như vậy mà người tiêu dùng đang bị chính những đơn vị và người bán hàng đưa vào trong một ma trận, mà ở đó họ sẽ không phân biệt được đâu là hàng thật – giả.

Cẩn thận mắc bẫy mua hàng “lởm”

Phát triển song song với thị trường di động chính hãng, điện thoại xách tay cũng phát triển rầm rộ không kém. Phần lớn các model của thị trường này thuộc phân khúc cao cấp, một số còn lại là những sản phẩm chưa có hoặc không có mặt tại Việt Nam.

Do có giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng nên điện thoại xách tay dần trở thành lựa chọn của nhiều người tiêu dùng Việt và bất chấp mọi rủi ro có thể xảy ra. Nguy cơ gặp phải hàng giả là rất cao nếu khách hàng không tỉnh táo và có lựa chọn thông minh, họ sẽ rơi vào cái bẫy của những "thương gia đen" trục lợi.

Khi mua, khách hàng đều được nhân viên hoặc chủ bán hàng tư vấn và cam kết "chắc như đinh đóng cột" đó là hàng xách tay từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Khách hàng có thể lựa chọn mua bản cũ/likenew/mới và được test thoải mái, có bảo hành, đổi trả trong thời gian quy định.

Nhưng trái ngược với những gì được quảng cáo, sự thực lại không phải vậy.

Theo anh Tiến, chủ một cửa hàng điện thoại trên đường Giải Phóng (Thanh Xuân, HN), với những khách mua di động xách tay, thường có 3 trường hợp xảy ra. Một là, mua được máy mới, hàng chuẩn nên dùng như bình thường. Hai là, máy gặp một vài lỗi nhỏ như sóng yếu hơn so với hàng chính hãng, cảm ứng đôi khi bị lỗi… nhưng nhiều khi khách hàng không để ý nên hay bỏ qua. Ba là, máy gặp lỗi lớn như cảm ứng không nhạy, camera mờ, nhanh nóng máy...

"Những tình trạng trên thường xảy ra sau khi hết bảo hành. Một số khách hàng mang điện thoại đến cho chúng tôi sửa nhưng khi kiểm tra, tôi thấy máy đã bị động vào khá nhiều, từ lớp vỏ đến phần mềm đều kém hơn hàng thật và các đường nét thô, vụng. Đây đều là điện thoại cũ (second hand) đã được họ dựng lại (dạng máy hỏng rồi sửa chữa lại hoặc máy hỏng vỏ, màn hình…  tuốt lại sao cho mới) rồi bán cho khách hàng mà thôi. Nhưng do họ mua máy xách tay, hết thời gian bảo hành rồi thì còn biết kêu ai”, anh Tiến chia sẻ.

Khi mua điện thoại xách tay, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo. Anh Tuấn, một kỹ thuật viên sửa chữa điện thoại tại một đơn vị bán di động lớn nhất cả nước chia sẻ: “Đa phần khách hàng mua di động đều không hiểu về kỹ thuật nên họ hay bị những nơi bán hàng “dắt mũi”. Hàng xách tay cũ/likenew đều là máy dựng lại nên nguồn gốc linh kiện không đảm bảo. Nếu thay thế những linh kiện kém chất lượng, tuổi thọ và độ bền của máy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, đôi khi còn xảy ra tình trạng cháy nổ”.

Điện thoại xách tay thường bị lỗi sau khi hết thời gian bảo hành.

Cũng theo anh Tuấn, những điện thoại khóa mạng theo đường xách tay về Việt Nam và mua code mở mạng để sử dụng như các phiên bản quốc tế nên hay gặp tình trạng sóng bị chập chờn, không ổn định, hệ điều hành cài sẵn không tương thích.

“Khi gặp những lỗi như thế này, khách hàng đem đi bảo hành thì thường bị các cửa hàng gán cho 1001 lỗi sai như dùng sai cách, update lung tung hoặc vào những trang cấm khiến máy bị hỏng… Và tất nhiên họ chỉ sửa chữa bảo hành chứ không cho đổi máy”, anh Tuấn tiết lộ.

Truy tìm nguồn gốc của những chiếc điện thoại xách tay

Điện thoại xách tay vào Việt Nam bằng nhiều con đường, chính vì thế, cùng là một mẫu nhưng có nhiều loại và chất lượng cũng khách nhau. Tuy nhiên khi đưa ra thị trường thì nó đều mới cóng, cùng chế độ bảo hành hấp dẫn người mua.

Một người chuyên buôn di động xách tay cho biết, điện thoại xách tay có 3 loại:

- Hàng loại 1: Là những sản phẩm mua trực tiếp từ các cửa hàng của hãng từ nước ngoài. Đây là máy do những người có người thân ở nước ngoài, người đi công tác hoặc tiếp viên hàng không xách về. Loại này không nhiều, hơn nữa giá cao, gần bằng giá hàng chính hãng trong nước nhưng hàng đảm bảo.

Cũng là hàng loại một nhưng cũng có những chiếc điện thoại được mua từ "tiền bẩn". Đó là những model được mua từ thẻ tín dụng ăn cắp và chuyển về Việt Nam dưới dạng quà tặng, quà biếu. Những chiếc điện thoại này được bán rẻ hơn cả giá di động chính hãng bán ở nước ngoài.

- Hàng loại 2: Là những model hàng lỗi của nhà sản xuất được tuồn ra thị trường dưới dạng thanh lý và bán với giá rẻ. Loại thứ hai của loại hàng này là đồ cũ ở nước ngoài nhưng có vẫn còn khá mới, do người dùng muốn “lên đời” nên bán máy hoặc những máy trưng bày cho khách hàng test thử, sau một thời gian thì thanh lý. Mặt hàng này chiếm số lượng lớn và được gom về Việt Nam.

- Hàng loại 3: Đây chính là "hàng dựng". Những máy này đã cũ, bị hỏng một phần, sau đó được sửa chữa, thay thế phụ kiện kém chất lượng và đánh bóng như mới rồi đưa về Việt Nam bán với giá rẻ.

Nói kỹ hơn về những loại hàng này, anh Cường, một người chuyên buôn bán di động xách tay cho thị trường Hà Nội và các thành phố lớn trên cả nước chia sẻ: “Hàng loại một, loại hai thì dùng khá ổn nhưng hàng loại 3 khá kém. Hàng loại 3 chủ yếu là hàng từ Trung Quốc tuồn về. Nguyên nhân là do những người buôn ở Việt Nam không có khả năng đi gom máy trên toàn thế giới, điều này chỉ có ở Trung Quốc làm được. Họ gom từ Nhật, Hàn, Sing, Úc, Mỹ, Anh… đem về Trung Quốc rồi phân loại tiếp thành loại 1, 2, 3. Mỗi lô hàng có lên lên tới hàng nghìn đến trăm nghìn chiếc là bình thường”.

Cũng theo anh Cường, vì nhập với số lượng lớn nên cũng không thể test từng chiếc điện thoại một nhưng cơ bản là bán máy nào thì sẽ kiểm tra máy đó. ​

“Là máy hàng dựng nên linh kiện để thay đều là linh kiện kém chất lượng, máy chỉ dùng qua thời gian bảo hành là bị lỗi. Điều này chỉ những người trong nghề hay người sành về điện thoại mới nhìn ra máy “còn ngon” hay không. Người mua hay chạy theo công nghệ nên hỏng là họ lại đổi. Đó là lý do, nhiều cửa hàng bán di động xách tay vẫn đắt khách”, anh Cường giãi bày.

Nhiều loại điện thoại xách tay không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, anh Cường còn tiết lộ: “Gần đây, Trung Quốc tiến bộ vượt bậc về công nghệ nên họ có thể làm giả bất cứ hãng nào mà họ muốn như Apple, Nokia, Samsung… Điện thoại “nhái” có nguồn gốc Trung Quốc còn được xuất khẩu sang Ấn Độ, Nga, Trung Đông, châu Âu và thậm chí cả thị trường Mỹ. Chất lượng thì không thua kém bao nhiêu so với hàng chính hãng mà giá thành lại rẻ hơn rất nhiều”.

Cũng theo anh Cường, một công ty nhỏ của Trung Quốc với vài nhân viên cũng có thể sản xuất ra những chiếc iPhone như thật. Như vậy, không ai có thể khẳng định, những chiếc điện thoại loại 1, 2 xách tay từ nước ngoài về là hàng đảm bảo 100%.

Hiện nay, người dùng điện thoại thường không có kinh nghiệm kiểm tra máy nên họ rất dễ mắc bẫy của những "thương gia đen". Do đó, để tránh mua phải những chiếc điện thoại xách tay kém chất lương, trước khi quyết định mua một sản phẩm xách tay, khách hàng cần tham khảo kỹ những phương pháp kiểm tra xuất xứ và tình trạng của máy hoặc có thể nhờ người thân quen đi kiểm tra máy giúp. 

Anh Cường cho biết, khó có một lời khuyên nào chính xác khi mua hàng xách tay vì người trong nghề còn không thể phân biệt hết được máy loại 1, 2,3. Vì vậy, khách hàng nên mua ở những địa chỉ uy tín, quen thuộc, được bảo hành dài hạn và không nên ham rẻ mà “tiền mất, tật mang”.