19/01/2025 | 01:59 GMT+7, Hà Nội

Thực phẩm chức năng "rởm" gắn mác hàng xách tay "xịn"

Cập nhật lúc: 21/07/2015, 05:25

Ở Trung Quốc, thực phẩm chức năng được làm giả đã tràn sang Việt Nam với số lượng khổng lồ qua các thủ đoạn tinh vi của những kẻ tư lợi.

Gắn mác "xách tay"

Được quảng cáo như những thần dược cho sắc đẹp của chị em phụ nữ, lại gắn mác "hàng xách tay" nên tại nhiều website online, TPCN được bán giá cáo, chênh lệch lớn.

Hiện nay, xu hướng mua sắm online đang phát triển rầm rộ, không cần đến tận nơi xem hàng, chỉ cần ngồi nhà và lựa chọn, hàng trăm loại TPCN trên mạng có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy tiện lợi, nhanh chóng nhưng việc mua TPCN trên mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như mua phải hàng kém chất lượng, bị làm giả, làm nhái.

Các loại thực phẩm chức năng như nhau thai cừu, sữa ong chúa...gần đây bị lực lượng chức năng phát hiện khiến người tiêu dùng hoang mang vì chúng đang bị làm giả rất nhiều và được bán ra thị trường với nhiều mức giá khác nhau.

Thời gian vừa qua, lực lượng cảnh sát kinh tế đã đấu tranh, triệt phá hàng loạt các chuyên án về sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng (TPCN), thuốc tân dược... lớn.

Thực phẩm chức năng quảng cáo nhập nhèm trên mạng loạn giá.

Thực phẩm chức năng quảng cáo nhập nhèm trên mạng loạn giá.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay các loại TPCN được rao bán và săn lung nhiều nhất trên các website riêng, các diễn đàn, các trang mạng xã hội,... chính là các dòng sản phẩm có công dụng giảm cân, làm đẹp cho nữ; tăng cường sinh lý cho nam; bổ sung dưỡng chất cho người già, trẻ em. Một số website chuyên rao bán các loại TPCN chuyên cung cấp "hàng xách tay", “hàng nhập khẩu” như www.thuocgiamcan2 ..., www.hangxachtayha...; www.thucphamthuoc...; www.eva247 .... được khá nhiều người biết đến do được quảng cáo là “bán hàng chính hãng, giá gốc” .

Tuy nhiên, khi so sánh giá thành trên những website này thì hầu hết các loại sản phẩm TPCN đều có giá thành khác nhau. Cụ thể, giá cho một lọ Glucosamin 1500mg xuất xứ từ Nhật trên website www.hangxachtayha... được rao bán với giá 900 nghìn đồng/hộp nhưng trên website khác là www.eva24 ... lại có giá lên tới 1,2 triệu đồng/hộp.

Lý giải cho sự khác biệt về giá thành này, nhân viên chăn sóc khách hàng tại www.hangxachtayha... cho biết chủ trương của website là chỉ “lấy công làm lãi”, “bán hàng giá gốc” nên mới có giá thành như vậy. Trong khi đó, phía nhân viên chăm sóc khách hàng của www.eva24.... lại khẳng định đối với loại sản phẩm như trên sẽ không bao giờ có giá dưới 1 triệu đồng/hộp vì nếu rẻ hơn chỉ là hàng “fake”, hàng kém chất lượng, không phải “hàng xách tay” từ Nhật về.

Tại một đại lý bán TPCN ở quận Tây Hồ, một lọ sữa ong chúa có nhãn hiệu Royal Jelly bao gồm 365 viên nang trọng lượng 14.500 mg có giá 850.000 đồng/lọ. Trong khi tìm kiếm trên mạng, sản phẩm này được bán với giá rẻ hơn 100.000 đồng/lọ. Trao đổi với PV, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Hạnh Phúc (đơn vị độc quyền nhập khẩu và phân phối sữa ong chúa Costar và Royal Jelly) cho hay, sản phẩm này hiện đang được công ty bán với giá 800.000 đồng một lọ.

Cùng với sữa ong chúa, các dòng sản phẩm chiết xuất từ nhau thai cừu cũng trong tình trạng loạn giá. Tại trang web hangchuan.vn, sản phẩm nhau thai cừu Vip Úc (12.000 mg x 100 viên) được bán với giá 600.000 đồng, nhưng một trang web khác lại rao bán với giá 650.000 đồng, và thậm chí có cửa hàng ở quận Nam Từ Liêm còn bán với giá 900.000 đồng.

Khi được hỏi tại sao sản phẩm ở trang web hangchuan.vn có giá rẻ hơn thị trường, người bán cho hay, giá là do mỗi người định đoạt. Cửa hàng bán giá rẻ hơn là do có được nguồn cung trực tiếp từ người nhà xách tay chính hãng về.

Theo những người bán, sản phẩm này có đủ công dụng, từ làm đẹp đến bồi dưỡng sức khỏe, lưu thông khí huyết, đối tượng sử dụng là chị em phụ nữ. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần đặt dấu hỏi công dụng thực sự của các sản phẩm này đến đâu, khi hầu hết được rao bán đều không được kiểm chứng chất lượng.

Thực phẩm chức năng Trung Quốc giả thành hàng Việt 'xịn'

Theo Đại tá Giang Văn Chiến - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an, phần lớn các đối tượng buôn bán và làm giả TPCN thường đặt sản phẩm và nhãn mác giả từTrung Quốc, sau đó nhập lậu vào nội địa qua các lối mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai... Trong quá trình vận chuyển từ biên giới về, các đối tượng xé lẻ sản phẩm đi riêng và nhãn mác giả đi riêng nên khi cơ quan chức năng phát hiện cũng rất khó xử lý.

Để che mắt các cơ quan chức năng, các đối tượng thường tập kết hàng về kho là các địa điểm hẻo lánh ít người qua lại, chú ý hay như nhà riêng tại các khu vực đông dân cư. Khi tìm được khách tiêu thụ, các đối tượng mới dán nhãn mác giả và hoàn thiện sản phẩm. Trong các vụ việc mà lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện, các đối tượng này còn tinh vi hơn khi sử dụng các loại tem chống hàng giả giống hệt sản phẩm chính hãng nhằm lừa dối người tiêu dung, thu lợi bất chính.

Sản phẩm mà các đối tượng thường làm giả là các loại thuốc biệt dược đắt tiền chữa các bệnh hiểm nghèo của các hàng nổi tiếng trong lĩnh vực dược phẩm như: Sanofi Aventis (EU), Tenamyd (Canada)... Các loại TPCN hay bị làm giả là các sản phẩm thương hiệu uy tín đang được quảng cáo nhiều, nhất là các sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ như sữa ong chúa, nhau thai cừu, viên uống làm đẹp da... nhập ngoại từ các nước có nền y, dược phẩm phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Úc...

Sữa ong chúa, collagen là những sản phẩm hay bị làm giả nhất (Ảnh: Hải Quan)

Sữa ong chúa, collagen là những sản phẩm hay bị làm giả nhất (Ảnh: Hải Quan)

Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ

Bà Nguyễn Ngọc Lan, chủ một spa trên phố Ngõ Huyện, quận Hoàn Kiếm cho hay, sữa ong chúa, các sản phẩm chiết xuất từ nhau thai cừu hiện nay hàng giả rất nhiều. Đánh vào tâm lý thích làm đẹp của chị em, nhiều shop kinh doanh nhau thai cừu hay các loại thực phẩm chức năng đã tâng bốc công dụng sản phẩm. Không ít người đã bỏ ra những món tiền lớn mua hàng, chỉ vì “nghe nói” và quá tin vào công dụng, mà hoàn toàn không có thông tin, kiến thức gì.

Ông Nguyễn Thế Cường, Đội trưởng Đội QLTT số 6, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đang có xu hướng các sản phẩm thực phẩm chức năng được bán “trú ẩn” trong các hiệu thuốc hoặc các cửa hàng, siêu thị bán hàng nhập khẩu. Một kênh khác khó quản lý hơn là bán trên mạng Internet.

Đa phần đây đều là hàng không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, vì vậy người tiêu dùng hãy thận trọng trước khi lựa chọn và sử dụng thực phẩm chức năng, đặc biệt cần cảnh giác với những sản phẩm trôi nổi, sản phẩm được gọi là hàng xách tay.  Thực trạng thị trường thực phẩm chức “ngoại” xách tay, đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng./.