19/01/2025 | 09:25 GMT+7, Hà Nội

Ma trận thị trường di động xách tay

Cập nhật lúc: 23/10/2018, 07:00

Nói đến thị trường di động xách tay, mọi người đều nghĩ nó “xịn” và rẻ hơn hàng chính hãng nhưng sự thực, người tiêu dùng đang bị chính những đơn vị và người bán hàng nhốt trong một ma trận mà ở đó họ sẽ không phân biệt được đâu là hàng thật – giả.

Đầu năm nay, ngày 30/3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ra chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa là hành lý, quà biếu, quà tặng từ nước ngoài vào Việt Nam. Văn phòng Chính phủ đã gửi văn bản đến 5 bộ: Tài chính, Công thương, Công an, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu siết chặt quản lý hàng xách tay do những khó khăn về công tác quản lý.

Như vậy, di động xách tay ngày càng được quản lý chặt chẽ hơn, nhất là ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, thực tế từ đó tới nay, những người bán mặt hàng này vẫn “phớt lờ” cơ quan chức năng, mua bán tập nập và khách hàng cần số lượng bao nhiêu cũng có.

Từ bán tràn lan trên mạng xã hội

Gõ chữ “di động xách tay” trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong vòng 0,38 giây, mọi người sẽ tìm thấy ngay trên 18,7 triệu kết quả. Một con số “ấn tượng” cho mặt hàng này. Tại đây, người mua có thể tìm thấy bấy kỳ thông tin nào mà mình mong muốn như hãng, dòng máy, nơi sản xuất, màu sắc, tính năng, giá, địa chỉ bán, khuyến mãi…

Google cũng gợi ý cho người truy cập các tìm kiếm liên quan đến thị trường di động xách tay như: điện thoại xách tay Samsung, điện thoại xách tay tại Hà Nội, điện thoại xách tay chính hãng TP,HCM, điện thoại xách tay Đà Nẵng…

Trên Facebook, Zalo, Youtube, Instagram… điện thoại xách tay được công khai với đủ mọi xuất xứ từ Mỹ, Đức, Úc… và khá đắt khách. Tại đây, khách hàng có thể tìm thấy các bài review về chiếc điện thoại mình muốn mua; so sánh giá những nơi bán; cách phân biệt hàng xách tay thật, giả; cách test máy đã qua sử dụng; cách kiểm tra thời gian dùng pin; các địa chỉ uy tín… Mọi thông tin đều được cập nhập đầy đủ và rất chi tiết.

 Điện thoại xách tay được bán tràn lan trên các mạng xã hội.

Qua Facebook, anh Dũng (Giải Phóng, Hà Nội) cho biết, anh đã mua cho mình một chiếc điện thoại Samsung Galaxy Note 8 bản 64GB, mới 99% chỉ với giá 10,2 triệu đồng mà bao lâu nay anh mơ ước.

“Tôi rất thích máy này nhưng lại không đủ tiền mua máy hàng công ty, sau một hồi tìm hiểu trên Facebook, tôi đã quyết định mua máy cũ. Họ giới thiệu máy này vẫn mới 99%, được đổi trả trong vòng 7 ngày và bảo hành 6 tháng như bình thường. Tôi thấy thông tin họ up khá đầy đủ và uy tín nên quyết mua luôn”, anh Dũng chia sẻ.

Sau một năm bán điện thoại xách tay qua mạng, anh Thắng (Đống Đa, Hà Nội) đã sắm được cho mình một con SH nhập. Theo anh Thắng, vì là hàng xách tay nên anh chỉ bán trên mạng chứ không thuê cửa hàng, ai cần có thể đến nhà xem hoặc anh đem đến cho khách hàng test.

“Chị gái mình ở Nhật, nên gửi máy về cho mình bán. Có một đơn vị luôn nhận chuyển máy, phí chuyển mỗi chiếc di động là 500.000 đồng. Họ chuyển với số lượng lớn và là địa chỉ quen thuộc của hầu hết những người Việt ở Nhật”, anh Thắng nói.

Anh thắng tiết lộ, do đã bán được một năm nên anh cũng có khách quen, mọi người giới thiệu cho nhau, mỗi tháng anh bán được khoảng 20 - 30 chiếc di động qua mạng và hầu hết là iPhone.

Tới bày bán công khai

Dạo quanh một số tuyến đường ở Hà Nội như Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Thái Hà, Tây Sơn, không khó bắt gặp các cửa hàng trưng biển hiệu “di động xách tay”, “di động xách tay chính hãng”, “siêu thị thế giới di động”… Nơi đây là những địa chỉ quen thuộc được những “ tín đồ” công nghệ săn lùng.

Tại cửa hàng điện thoại di động trên phố Đại La (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhân viên tư vấn chiếc iPhone X hàng xách tay rẻ hơn hàng công ty tới 4-5 triệu đồng, hàng likenew, được bảo hành như chính hãng. Khi được hỏi xuất xứ, nhân viên này khẳng định: “Ở đây có máy của các nước như Mỹ, Nhật, Hàn, Úc... được xách về không tốn thuế, phí nên giá rẻ hơn so với giá gốc và khách hàng có thể truy thông tin mã code”.

Tất nhiên, với những cửa hàng như thế này, khách muốn đặt số lượng bao nhiêu cũng có, chỉ cần chờ vài ngày hoặc một tuần tùy vào số lượng nhiều hay ít.

Vì ăn nên làm ra, những cửa hàng như vậy cứ liên tục mọc lên nhằm đáp ứng nhu cầu chuộng hàng ngoại nhưng giá rẻ của nhiều người. Nổi bật nhất ở Hà Nội phải kể đến như: Nhật Cường, CellphoneS, TechOne, di động thông minh… Đầu tiên, họ cũng chỉ có một cửa hàng nhưng việc kinh doanh thuận lợi nên dần mở thành hệ thống phủ rộng cả nước.

Nhật Cường Mobile thuộc Công ty TNHH & DVKT Nhật Cường, với một chuỗi các cửa hàng phân phối và sửa chữa điện thoại nổi tiếng trên toàn quốc, chuyên bán hàng cũ/mới/likenew. Đến đây, khách hàng luôn được giới thiệu dòng điện thoại xách tay nổi tiếng nhất của cửa hàng đó là iPhone. Những chiếc máy này mới 99% có mức giá tốt nhất thị trường. Hơn thế nữa, tất cả đều đảm bảo khi sử dụng cùng dịch vụ hậu mãi với chế độ bảo hành điện thoại 6 tháng và 7 ngày đổi trả miễn phí.

 Nhật Cường Mobile đang "phớt lờ" cơ quan chức năng, bày bán di động xách tay.

Cũng giống Nhật Cường Mobile, hệ thống bán lẻ di động toàn quốc CellphoneS đã có 22 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM. CellphoneS thuộc top 5 hệ thống bán lẻ thiết bị di động lớn nhất cả nước và cũng bán rất nhiều máy di động xách tay. Đây là chuỗi cửa hàng thuộc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Minh Nguyệt, có trụ sở tại 363 Võ Văn Tần, phường 5, quận 3, TP.HCM.

Những cửa hàng này đều cam kết luôn có những mẫu mới, số lượng nhiều nhưng theo quy định, hàng xách tay bị hạn chế do các quy định về hải quan khi vận chuyển qua đường hàng không với định mức hành lý dưới dạng quà tặng không vượt quá 10 triệu đồng. Vậy những đơn vị này đã xách tay bằng cách nào để có số lượng lớn bán liên tục như vậy và nguồn gốc xuất xứ ra sao là điều mà bất kỳ người tiêu dùng nào cũng quan tâm và đặt câu hỏi?

Từ thành phố về tới xã

Một điều mà chúng ta có thể nhận ra ngay đó là, số lượng địa chỉ bán di động xách tay đang ngày càng nhiều. Bất kỳ ở nơi đâu, khách hàng cũng có thể dễ dàng mua được những chiếc điện thoại mình muốn sở hữu.

Sau 30 phút chát qua điện thoại, anh Tuấn (Hoàng Mai, Hà Nội) đã mua được một chiếc iPhone 7 Plus xách tay màu đen, 256GB với giá chỉ 16,5 triệu đồng, rẻ hơn so với hàng chính hãng tới 7,4 triệu đồng . Cũng chỉ một giờ sau, người bán hàng đã ship qua cho anh kiểm tra và trả tiền. Người bán hàng giới thiệu với anh Tuấn đây là chiếc iPhone đã trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt của Apple trước khi bán ra thị trường. Iphone 7 Plus này còn mới 100%, đầy đủ phụ kiện, được xách tay từ Mỹ về.

“Tôi được bạn bè giới thiệu mua, họ có người nhà bên Mỹ và xách máy về bán nên rất đảm bảo và uy tín. Khi nói chuyện, họ cũng rất nhiệt tình, chu đáo, mình được test thử máy thoải mái rồi mới nhận hàng”, anh Tuấn nói.

Khi được hỏi, anh có nghi ngờ về giá của nó tại sao lại rẻ hơn hàng chính hãng bán ở Việt Nam nhiều vậy không thì anh Tuấn ngập ngừng nhưng sau đó lại khẳng định máy anh mua là máy tốt, vì mua qua người quen nên đảm bảo.

Dù ở đâu, mọi người cũng có thể dễ dàng mua được chiếc điện thoại xách tay mà mình mong muốn.

Việc mua được những chiếc di động xách tay giống như anh Tuấn không còn là điều khó khăn với chính những người ở các vùng quê. Hiện nay, bất kỳ ai về làng, xã cũng sẽ đều bắt gặp những cửa hàng di động mọc ra ở những vị trung tâm, người dân ở đây có thể mua bất kỳ loại di động nào mà mình mong muốn như iPhone, Samsung, Nokia, Oppo… Đặc biệt, di động xách tay từ các nước cũng không thiếu, nhất là iPhone.

Khi hỏi nguồn gốc những chiếc điện thoại này, anh Thắng, chủ cửa hàng di động tại xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ bật mí: “Tôi hay nhập ở dưới Hà Nội nhưng nhiều khi cũng nhập từ Lào Cai. Hàng trên đó là hàng tuồn bên Trung Quốc về. Bây giờ ở quê, người dân cũng sành điệu lắm, thích mua hàng xách tay”.

Dựa vào tâm lý sính ngoại, lại ham giá rẻ nên nhiều cửa hàng di động bán hàng xách tay đã mọc ra để phục vụ những người luôn sẵn sàng bỏ ra một số tiền không nhỏ để sở hữu cho bằng được một chiếc điện thoại “ngoại”. Mặc dù, chính họ cũng không hề biết xuất xứ hay chất lượng ra sao.

Chất lượng bát nháo

Vừa qua, trong các ngày từ 08-11/10, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) cùng các đơn vị liên quan của Cục Hải quan Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện ra 1.157 chiếc điện thoại iPhone các loại của Công ty TNHH VAK vận chuyển qua đường hàng không về Việt Nam nhưng được khai báo là hàng hoá khác không phải điện thoại iPhone.

Đáng chú ý, những lô hàng trên chứa nhiều loại iPhone mới ra mắt như: Lô hàng thứ nhất có tới 425 iPhone XS Max; 190 iPhone 7 Plus; 51 iPhone XS; lô hàng thứ 2 chứa 146 iPhone XS Max; lô hàng thứ ba chứa 61 iPhone XS Max; 284 iPhone XS.

1.157 chiếc điện thoại iPhone các loại của Công ty TNHH VAK đã bị các cơ quan chức năng bắt giữ. 

Hay trước đó, ngày 25/9, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) phát hiện lô hàng hơn 250 điện thoại iPhone XS trong hành lý xách tay của 4 hành khách từ Mỹ về Việt Nam với tổng trị giá lô hàng vi phạm ước tính khoảng 6,5 tỷ đồng. Đây là lô hàng iPhone mới nhất vừa được ra mắt và các hành khách này không xuất trình được giấy đăng ký kiểm tra chất lượng theo quy định.

Như vậy, mặt hàng điện thoại nhập lậu vào Việt Nam ngày càng tăng và chủ yếu là iPhone đời mới nhất và bán theo hình thức hàng xách tay. Chính vì là hàng nhập lậu nên chất lượng ra sao thì không có ai kiểm soát được. Trong khi đó, mặt hàng này cũng được nhập lậu theo diện hàng nhái, hàng giả từ Trung Quốc về nước ta rất nhiều.

Điều này được chính những người bán “tố” nhau trên các trang công nghệ uy tín, với tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” xảy ra phổ biến. Theo bài viết của anh Hưng (Hà Nội) trên một trang công nghệ, hầu hết những chiếc iPhone likenew hay mới 99% đều là điện thoại cũ mua về từ nước ngoài, rồi được các cá nhân hay cửa hàng sửa chữa thay phụ kiện rồi bán cho khách hàng với giá hàng mới. Vì không hiểu về công nghệ nên dù khách hàng có test máy như thế nào thì cũng không ra lỗi của chiếc máy mình cần mua.

“Với những khách “gà”, nhất là ở quê thì mọi người hay mua phải di động Tàu mà vẫn tự hào mình mua được hàng xách tay xịn”, anh Hưng viết.

Việc người tiêu dùng sính hàng ngoại, nhưng lại mong muốn mua được giá rẻ là cơ hội cho những cá nhân, đơn vị và doanh nghiệp lợi dụng buôn bán hàng lậu tràn lan, bấp chấp sự quản lý của các cơ quan chức năng và luật pháp.