Cần hiểu đúng quy định người dân được bắn pháo hoa dịp lễ, tết
Cập nhật lúc: 06/12/2020, 17:15
Cập nhật lúc: 06/12/2020, 17:15
Nghị định 137/2020/NĐ-CP (Nghị định 137, có hiệu lực từ ngày 11/1/2021) có quy định mới cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa vào dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Tuy nhiên việc sử dụng pháo hoa phải tuân thủ những điều kiện, quy định nào; các loại pháo nào được phép sử dụng là điều dư luận muốn được giải đáp.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo CAND, Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng Phòng Hướng dẫn quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Cục Cảnh sát quản lí hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết từ năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2009/NĐ-CP quy định về quản lý sử dụng pháo. Trong hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 36 cho thấy cơ bản đã đáp ứng được một số vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng pháo.
Tuy nhiên, với thực tế trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Nghị định 36 đã không còn phù hợp với một số quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác...
Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 137 quy định về quản lý sử dụng pháo. Trong đó có một số điểm mới phù hợp với tình hình thực tế trong công tác quản lý nhà nước về pháo và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến pháo.
Cần phân biệt “pháo hoa” và “pháo hoa nổ”
Nghị định 137 có quy định về các trường hợp được sử dụng pháo hoa nhưng hiện tại một số người dân, cơ quan tổ chức chưa hiểu rõ khái niệm “pháo hoa” khi cho rằng pháo hoa (theo Nghị định 137) cũng là pháo hoa nổ ngày trước hoặc pháo hoa do Bộ Quốc phòng bắn (vào dịp lễ, Tết) hoặc loại pháo người dân đang đốt trái phép trong các dịp lễ, tết.
Theo Đại tá Vũ Minh Hùng, đây là cách hiểu không đúng.
Loại pháo hoa quy định tại Điều 3, Khoản 1b, Nghị định 137 là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Loại pháo hoa này người dân đã sử dụng trong dịp cưới hỏi, sinh nhật... trước khi có Nghị định 137.
Còn loại pháo nổ là sản phẩm khi có tác động của xung kích thích cơ, điện, nhiệt, hóa tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, áng sáng màu sắc trong không gian. Pháo này còn được gọi là pháo hoa nổ và cấm tuyệt đối người dân sử dụng.
Như vậy người dân chỉ được sử dụng loại pháo hoa không có thuốc nổ, không gây ra tiếng nổ. Còn loại pháo hoa nổ, người dân tuyệt đối không được sử dụng.
Nghị định quy định người sử dụng pháo hoa phải là “người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”, đó là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị bệnh tâm thần, không bị tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự hoặc tuyên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Như vậy khái niệm “pháo hoa” theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP đã thay đổi so với Nghị định số 36/2009/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, đồng thời quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được mua pháo hoa tại các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
10:00, 24/01/2020
15:00, 22/01/2020
06:40, 21/01/2020