22/11/2024 | 00:50 GMT+7, Hà Nội

Cần dòng tiền “tươi“ hỗ trợ thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Cập nhật lúc: 05/04/2023, 18:09

Để ngân hàng rót “tiền tươi” giải cứu trái phiếu doanh nghiệp, rất cần các giải pháp chính sách khơi thông dòng chảy tín dụng. Song song với các chuyển động chính sách, doanh nghiệp cũng phải thay đổi.

Bản tin thị trường số 4, phát hành ngày 3/4 của FiinRatings đặt ra lo ngại tỷ lệ nợ xấu trái phiếu bất động sản gia tăng khi triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp những trở ngại nhất định.

Để ngân hàng rót “tiền tươi” giải cứu trái phiếu doanh nghiệp, rất cần các giải pháp chính sách khơi thông dòng chảy tín dụng. Song song với các chuyển động chính sách, doanh nghiệp cũng phải vận động, thay đổi, tự chịu trách nhiệm với việc mất cân bằng cung cầu bất động sản và rủi ro khi sử dụng vốn huy động sai mục đích, và nỗ lực để tạo niềm tin cho ngân hàng và cả thị trường

Thị trường có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa hết khó khăn

Sau khi Nghị định 08 được ban hành, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bắt đầu có sự chuyển động trở lại. Thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, nửa đầu tháng 3/2023, đã có 8 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với khối lượng 23.755 tỷ đồng. Trong đó, có 6/8 doanh nghiệp bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt gần 19.000 tỷ đồng.

Trong đó, riêng tháng 3 có 9 đợt phát hành riêng lẻ, với tổng giá trị phát hành chiếm hơn 97% tổng giá trị phát hành riêng lẻ trong quý I/2023 (bao gồm 11 đợt). Đơn cử, công ty TNHH Phát triển đô thị Hưng Yên phát hành 7.200 tỷ đồng trái phiếu không lãi suất, kỳ hạn 12 tháng. Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh và phát triển Đô thị Ngôi Sao Phương Nam phát hành 4.695 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 13%/năm, kỳ hạn 18 tháng; công ty CP Đầu tư và Kinh Doanh Nam An phát hành 4.700 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 13%/năm, kỳ hạn 18 tháng…

Tuy nhiên, những hệ quả của việc hạn chế tín dụng, lãi suất cao, kênh huy động trái phiếu suy giảm mạnh, pháp lý dự án bị đình trệ và những thay đổi chính sách cộng với những yếu kém nội bộ đang khiến các tổ chức phát hành rơi vào tình trạng vi phạm nghĩa vụ nợ.

Bất động sản dẫn đầu về TPDN đáo hạn trong năm 2023-2024 (Nguồn: FiinRatings)
Bất động sản dẫn đầu về TPDN đáo hạn trong năm 2023-2024 (Nguồn: FiinRatings)

Tại bản tin thị trường số 4, FiinRatings nhận định, nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng này là chất lượng tín dụng yếu trong một thời gian dài trước khi vi phạm nghĩa vụ nợ, gồm mức đòn bảy nợ rất cao; dòng tiền trả nợ yếu do vay nợ tăng nhưng vốn chủ yếu tồn đọng ở các khoản phải thu và đầu tư tài chính dài hạn thay vì tạo ra tài sản cố định hữu hình hoặc hàng tồn kho hoàn thành dẫn đến rủi ro thanh khoản ở mức cao, rất cao; kỳ hạn nợ ngắn trong khi dòng tiền kinh doanh âm nhiều kỳ liên tiếp trước khi xảy ra sự kiện vi phạm nợ (mất cân đối kỳ hạn).

FiinRatings tính toán, đến ngày 17/3, đã có 69 tổ chức phát hành có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 94,43 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,15% giá trị TPDN đang lưu hành. Trong đó, có 43 tổ chức phát hành là doanh nghiệp bất động sản với tổng giá trị TPDN chậm trả nợ 78,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,6% với tổng giá TPDN của các doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu.

Số liệu từ báo cáo tài chính của 33 tổ chức phát hành bất động sản chậm trả cho thấy đòn bẩy tài chính đã tăng gấp 9,5 lần so với thời điểm cuối năm 2017. Nhưng tài sản hữu hình, thường là tài sinh lời có mức tăng khiêm tốn từ 25.000 tỷ đồng năm 2017 lên 33.000 tỷ đồng năm 2021, trong khi khoản phải thu và khoản đầu tư dài hạn lại tăng gấp hơn 4 lần. Vì dòng tiền không được tập trung đầu tư vào tài sản sinh lời nên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính không tăng trưởng tương xứng với nợ vay.

“Tỷ lệ nợ xấu trái phiếu sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới trước khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và môi trường kinh doanh được dần cải thiện rõ rệt. Lý do là áp lực nợ đáo hạn 107,5 nghìn tỷ đồng sẽ đáo hạn trong năm 2023 này trong khi triển vọng kinh doanh của ngành bất động sản đang gặp những trở ngại lớn và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại”, FiinRatings nhận định.

Để ngân hàng rót “tiền tươi” giải cứu trái phiếu doanh nghiệp

Việc tiếp diễn tình trạng khó khăn trên thị trường có thể đẩy thêm nhiều doanh nghiệp, tập trung ở lĩnh vực bất động sản, chậm thanh toán nghĩa vụ nợ cho các trái chủ trong giai đoạn đỉnh điểm đáo hạn quý II,III/2023.

Trong bối cảnh niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân chưa trở lại, tỷ lệ phân phối các lô trái phiếu mới phát hành cho các nhà đầu tư này rất hạn chế, người mua chủ yếu là các tổ chức. Nhưng FiinRatings cũng hy vọng, những động thái hỗ trợ vừa qua như giảm lãi suất cho vay, Nghị quyết 33/2023/NQ-CP và Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ góp phần giải quyết áp lực nghĩa vụ nợ và các dự án sạch về pháp lý được cấp thêm tín dụng mới, hoạt động triển khai và mở bán dần được khôi phục.
Ông Phan Lê Thành Long, CEO & Founder AFA GROUP cho biết, liên tiếp trong tháng 3, Chính phủ ráo riết thúc đẩy lộ trình tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó có vấn đề trái phiếu doanh nghiệp. Sau Nghị định 08, Dự thảo Thông tư 16/TT-NHNN ngày 27/3 tiếp tục đề xuất một số quy định nhằm nới lỏng hoạt động mua bán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, thông tư này chưa đề cập đến khó khăn trong vấn đề tái cơ cấu khoản nợ trái phiếu mà các ngân hàng có thể gặp phải.

“Một mặt, chúng ta phải đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Mặt khác, doanh nghiệp bất động sản cần có “tiền tươi" chảy vào. Trước hết từ việc bán các dự án tốt cho đối tác nước ngoài, nhưng việc này cần nhiều thời gian. Nên tiền phải chạy ngay từ các cơ sở tín dụng sang thì mới khơi thông được điểm nghẽn nợ xấu trái phiếu, để cứu thanh khoản và có lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có công nhân viên và những người lao động, là những người sở hữu trái phiếu.

Do đó, phải tìm ra điểm cân bằng giữa việc hỗ trợ nền kinh tế, thanh khoản nợ xấu và an toàn hệ thống. Đây là thách thức rất lớn, mặc dù có thể thực hiện ngay nhưng cần cân bằng các rủi ro.

Kỳ vọng ngân hàng rót tiền tấn giải cứu nhà giàu rất khó xảy ra, tuy nhiên vẫn có thể cải thiện thanh khoản thị trường. Quan trọng nhất là các giải pháp chính sách khơi thông dòng chảy tín dụng. Song song với các chuyển động chính sách, doanh nghiệp cũng phải vận động, thay đổi, tự chịu trách nhiệm với việc mất cân bằng cung cầu bất động sản và rủi ro khi sử dụng vốn huy động sai mục đích, và nỗ lực để tạo niềm tin cho ngân hàng và cả thị trường”, ông Long chia sẻ.

Nguồn: https://reatimes.vn/can-dong-tien-tuoi-ho-tro-thanh-khoan-thi-truong-trai-phieu-20201224000018668.html