19/01/2025 | 11:50 GMT+7, Hà Nội

Cần cái “bắt tay” xây dựng tiêu chí hành lang du lịch an toàn

Cập nhật lúc: 20/12/2021, 06:39

Thiết lập hành lang du lịch an toàn giữa TP Hà Nội và 11 tỉnh miền Bắc sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch xây dựng tour an toàn theo hướng “bong bóng du lịch”.

Chưa thống nhất tiêu chí an toàn

Từ một ngành tăng trưởng đạt trên 2 con số, đóng góp quan trọng vào GDP đất nước, nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát ngành du lịch gần như "tê liệt". Năm 2020 - 2021, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm tới 90%, khách nội địa cũng giảm mạnh. Báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy dịch Covid-19 đã khiến lượng khách năm 2021 chỉ còn 4 triệu lượt.

Mới đây, tại hội nghị kết nối du lịch Hà Nội với các địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, trong 2 năm qua dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, làm cho nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có ngành du lịch chịu sự ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, các khách sạn, cơ sở lưu trú phải đóng cửa dẫn tới doanh thu du lịch giảm sút, ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của đất nước. “Việc thúc đẩy du lịch nội địa là giải pháp cứu cánh cho doanh nghiệp lữ hành trong trạng thái bình thường mới hiện nay” - Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Tại hội nghị kết nối du lịch Hà Nội với các địa phương, đại biểu có chung ý kiến, mặc dù thị trường nội địa là cứu cánh cho ngành du lịch phục hồi, nhưng để khai thác được, địa phương phải thống nhất quy trình đón khách theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ Quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch Covid-19.

Đại diện các doanh nghiệp du lịch Golden Tours, Vietfoot Trave, Ánh Dương Tour… phản ánh, hiện một số địa phương ban hành quy định cách ly người đến từ Hà Nội đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tổ chức tour đưa du khách tới địa phương.

Vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay là việc xử lý như thế nào với tình huống khách là F0. Giám đốc công ty Du lịch Ánh Dương tour Nguyễn Tuấn Anh nêu, nếu có quy trình xử lý, hướng dẫn sẽ giúp các đơn vị lữ hành tự tin hơn và xử lý nhanh hơn khi tình huống rủi ro xảy ra. Nhất là vấn đề chi phí điều trị, ngoài bảo hiểm bắt buộc, hiện có thêm bảo hiểm Covid-19 với mức 70.000 đồng/ngày không phải khách nào cũng sẵn sàng mua gói bảo hiểm này.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến cho rằng, các địa phường cần cập nhật, công khai danh sách điểm đến du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn an toàn phục vụ khách du lịch.

Nhấn mạnh về các yếu tố an toàn trong việc khơi thông “hành lang du lịch”, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, tiêu chí du lịch an toàn phải bảo đảm các yếu tố: Khách du lịch an toàn, điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch an toàn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành an toàn và lộ trình du lịch an toàn.

Cần cái “bắt tay” xây dựng tiêu chí hành lang du lịch an toàn
Cần cái “bắt tay” xây dựng tiêu chí hành lang du lịch an toàn

Thiết lập hành lang an toàn Hà Nội với các tỉnh

Ngành du lịch Hà Nội đặt ra mục tiêu năm 2022 đón 9 - 10 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế từ 1,2 - 2 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 27.000 tỷ đồng; năm 2023 đón từ 12 - 14 triệu lượt khách, dự kiến khách quốc tế đạt 2,5 - 4,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 42.000 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, để đạt mục tiêu này nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, Sở Du lịch Hà Nội kiến nghị các địa phương thống nhất xây dựng bộ tiêu chí chung quy trình đón du khách; 1 bộ nhận diện (nhãn hiệu) cho các doanh nghiệp lữ hành tổ chức các tour, các chương trình du lịch của địa phương tham gia “Hành lang du lịch an toàn”; Các địa phương thống nhất tuyến du lịch an toàn liên tỉnh. Đồng thời cam kết tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp du lịch đưa khách đến địa phương tham quan, du lịch đảm bảo thuận lợi về giao thông, chấp hành nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo nguyên tắc “2 điểm đến, 1 hành trình xuyên suốt”.

“Trong năm 2022 TP Hà Nội sẽ liên kết với các tỉnh thành tổ chức nhiều sự kiện như lễ hội áo dài, lễ hội ẩm thực, lễ hội quà tặng… qua đó tạo thị trường trao đổi khách 2 chiều giữa Hà Nội với các tỉnh thành”- bà Đặng Hương Giang nêu rõ.

Đồng tình với đề xuất của Hà Nội, lãnh đạo sở du lịch 11 tỉnh, thành phía Bắc cho rằng, các địa phương cần chung tay xây dựng một bố tiêu chí chung theo hướng thống nhất việc tạo hành lang du lịch an toàn, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng tour, tuyến du lịch.

Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ, hoạt động này sẽ tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp du lịch với địa phương trong quá trình thu hút khách, đồng thời còn có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục nguồn nhân lực đang bị hao hụt do dịch Covid-19.

Chia sẻ ý kiến về quy trình đón khách chung, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Lào Cai Trần Xuân Bình đề xuất, các địa phương cùng bám sát theo Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL về việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, trong đó không yêu cầu xét nghiệm, cách ly đối với du khách, trừ khi có điều tra dịch tễ hoặc đến từ vùng nguy cơ cao.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt cũng đề nghị, lãnh đạo các địa phương đảm bảo hài hòa vừa phòng chống dịch nhưng tạo điều kiện thuận lợi hoạt động du lịch. Rà soát, thống nhất cách đi lại để các doanh nghiệp có thể chủ động lên kế hoạch cho chuyến đi một cách an toàn hiệu quả. "Tránh trường hợp vì quá khắt khe phòng chống dịch mà mất đi cơ hội phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung" - Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nói.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/can-cai-bat-tay-xay-dung-tieu-chi-hanh-lang-du-lich-an-toan-444088.html