26/11/2024 | 06:51 GMT+7, Hà Nội

Cảm phục tấm lòng những người gieo chữ ở 'rừng Xà Nu'

Cập nhật lúc: 20/11/2018, 21:21

Không chỉ dạy cho các em học sinh con chữ, nhân cách, lòng nhân hậu, họ còn làm nhiệm vụ “bảo mẫu”, dỗ dành trẻ để chúng cố gắng đừng bỏ học. Họ là những thầy cô giáo còn rất trẻ ở trường tiểu học Đắk Choong, xã Đắk Choong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum.

Đây chính là vùng đất trong “Rừng xà nu”, tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nguyên Ngọc.  

Gian nan không nản

Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Ðắk Choong cách TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum khoảng 150km. Trước khi xuất phát, anh bạn tôi bảo: “Đường 14 bây giờ ngon lắm, 150 km không phải vấn đề, nhưng trên đường đi phải qua đèo Lò xo, lần đầu anh đi thì cũng hơi sợ đấy. Chuẩn bị tinh thần nha”. Anh bạn tôi bảo, đèo Lò xo dài 2 chục cây số, nối 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Không chỉ cao, mà còn uốn lượn kiểu “xoắn lò xo” như tên gọi. Sợ nhất là trên đèo có “dốc tử thần” thuộc địa bàn xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, mà cánh tài xế rất “ngán”.

15-15-20_nh_115-15-20_nh_2
Đèo Lò Xo và đường vào trường Đắk Choong

Quả thật, suốt thời gian khoảng hơn nửa tiếng ngồi sau xe anh bạn qua đèo, nhiều lần tôi toát mồ hôi hột khi thấy xe như đang lao xuống vực vì khúc cua tay áo, cảm giác như…hết đường. “Vậy mà các thầy cô giáo mỗi tuần đi về con đường này ít nhất 2 lần”, anh bạn nói. Vượt qua đèo Lò xo, đi thêm nửa giờ trên con đường cũng uốn lượn, vắt vẻo trên những triền đồi núi, ngôi trường Đắk Choong nằm nép dưới những tán rừng ẩn hiện trước mắt. Ngôi trường vắng vẻ vì các em đang giờ học.

Do anh bạn tôi đã liên lạc trước, nên chúng tôi đi thẳng vào phòng ban giám hiệu. Sau khi giới thiệu, cô hiệu trưởng tên Y Hải niềm nở nói: “Giờ có lẽ các anh đi tham quan một chút quanh trường, nhưng chú ý đừng để các em phân tâm vì đang giờ học”. Theo chân cô hiệu trưởng, chúng tôi tiếp lại quan sát một lớp đang tập viết. Bên trong có khoảng 2 chục em học sinh, lớn nhỏ đủ cỡ, quần áo đủ màu, đang cắm cúi trên bàn. Cô giáo còn khá trẻ, lặng lẽ đi từng bàn quan sát, thỉnh thoảng cô dừng lại phía sau 1 em, uốn cho em ngồi thẳng lưng, nắn lại cách cầm bút, sửa cuốn vở ngay ngắn lại trước mặt em...

Ở một lớp khác, không khí đang nhộn nhịp, sôi nổi vì các em nhỏ hơn, đang tập đọc đánh vần. Có điều, thời tiết se lạnh và có gió, nhưng hầu hết cá em đều chỉ có bộ quần áo khá phong phanh trên người. “Đây là lớp của cô giáo Kim Ngọc. Người đã có 6 năm dạy ở đây, theo quy định thì cô sẽ được chuyển về vùng dưới, ít khó khăn hơn, nhưng cô chắc sẽ “cắm chốt” ở đây luôn chứ không về dưới nữa. Đây là điều may mắn cho trường, cho các em, vì cô Ngọc dạy tốt, nhân hậu, thương các em như con”, cô Hải vừa nói vừa cười.

15-15-20_nh_3
Một giờ học tại trường TH Đắk Choong

Cô hiệu trưởng cho biết: Điều kiện của trường còn nhiều khó khăn lắm. Nên nếu thầy cô không có tấm lòng, không yêu nghề thì khó mà trụ được. trong số 460 học sinh của trường, 98% là con em đồng bào dân tộc Giẻ Triêng. Hầu hết đều rất khó khăn. Gần 1 nửa số học sinh được xét chế độ bán trú với tiêu chuẩn 15kg gạo và 560 nghìn đồng/em/tháng. Ở đây, học sinh không được tiếp cận công nghệ cao hay học hỏi giao lưu với văn hóa bên ngoài. Các em chỉ tiếp cận kiến thức từ các thầy cô trong trường. Hiện trường vẫn chưa có các phòng học chức năng và sân chơi. Thỉnh thoảng thầy cô cho các em sách truyện, các em mừng lắm. Tất cả chuyền tay nhau đọc.

“Lâu nay, trường mượn 2 phòng của Ủy ban xã cho học sinh bán trú có chỗ nghỉ trưa. Chúng tôi đang ước sắm được một chiếc tivi cho các em giải trí và phổ biến kiến thức qua phim ảnh, thì đã nghe tin sắp tới xã sẽ lấy lại cả 2 phòng này để làm việc. Đang lo lắng khogn6 biết mai mốt các em sẽ nghỉ ngơi ở đâu”, cô Hải kể.  

Tấm lòng của cô

Ở ngôi trường Đắk Choong này, cặp thầy cô giáo Hồ Sĩ Thọ (SN 1972) và Phạm Thị Kim Ngọc (SN 1981) khá nổi tiếng. Bởi không chỉ dạy giỏi, họ còn được học trò, phụ huynh yêu quý như ruột thịt. Ngoài ra, sau những năm tháng gắn bó, hỗ trợ nhau trong nghề, họ đã nên duyên vợ chồng và quyết định gắn bó với ngôi trường này. “Năm 2002, tôi cùng 2 nữ giáo viên khác nhận nhiệm vụ giảng dạy tại trường. Vào thời điểm mới về nhận trường, nhận lớp thì điều kiện nơi đây vô cùng khó khăn, các thầy cô phải đi từ tờ mờ sáng đến chiều tối mới đến nơi. Chứng kiến điều kiện sống và giảng dạy thiếu thốn, có lúc tôi cũng nản lắm. Sau 1 thời gian giảng dạy, 2 nữ đồng nghiệp đi cùng đợt với tôi đã không trụ nổi, xin chuyển trường. Lúc đó tôi càng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng hơn giữa núi rừng heo hút”, cô Ngọc nhớ lại.

15-15-20_nh_4
“Nhà” của cô giáo ở trường TH Đắk Choong

Tuy nhiên, sau thời gian giảng dạy và tiếp xúc với các em học sinh nơi đây, tình cảm của cô lớn dần. Bên cạnh đó, trong những lúc khó khăn nhất ấy, cô may mắn được đồng nghiệp đi trước là thầy giáo Thọ động viên, an ủi và chia sẻ nên cô quen dần và “yêu” nơi này lúc nào không biết. Từ những tình cảm giản dị, mộc mạc của đồng nghiệp, cô Ngọc và thầy Thọ đã tiến xa hơn và trở thành tình yêu, rồi tình vợ chồng.

Cô Ngọc tâm sự, do các em học sinh nơi đây là người đồng bảo dân tộc thiểu số nên điều kiện gia đình và sự tiếp thu cũng yếu hơn so với các học sinh ở miền xuôi, thành thị. Bên cạnh đó, các em học sinh khi về nhà đa số sử dụng tiếng của dân tộc mình, cùng với đó nhiều em nhà xa phải đến trường từ tờ mờ sáng nên rất cần sự động viên, quan tâm của các thầy cô giáo. Sau nhiều năm bám trụ, cô Ngọc đã có vốn kiến thức về tập quán, văn hóa của đồng bào địa phương, đã thuộc cách vận động bố mẹ cho học sinh đi học. Điều cô Ngọc lo nhất hiện tại là các em được học tiếng Việt ở trên lớp, nhưng khi về nhà toàn nói tiếng mẹ đẻ, nên nhiều em học hoài vẫn chưa nói sõi tiếng phổ thông. 

“Ngày nào lên lớp tôi cũng “thủ” trong cặp gần chục cây viết, phòng trường hợp các em quên mang theo. Đến cuối ngày, trong cặp chỉ còn 1-2 cây, nhưng nhìn thấy các em cặm cụi viết bài, biết đọc biết viết, không gì hạnh phúc bằng. Lớp tôi có 27 em học sinh thì hết 1 nửa gia đình có sổ hộ nghèo. Trong đó có những em cực kỳ khó khăn. Nhưng nhiều em, dù khó khăn mà vẫn rất siêng năng đi học. Như em Y Huyền, chẳng hạn.

15-15-20_nh_6
Em Y Huyền, học trò ngoan và giỏi của cô giáo Ngọc

Huyền là con út trong gia đình có 3 anh chị em. Nguồn sống của gia đình chỉ có vài sào cà phê, em phải đi hơn 3km mới đến trường nên thường phải dậy đi từ lúc trời chưa sáng, nhưng em vẫn đến lớp đều, đạt học sinh giỏi. Hoặc em Y Quỳnh cũng vậy, mới 7 tuổi mà hàng ngày đi bộ 4-5 cây số đến lớp. Nhà rất nghèo, bố mẹ đau ốm triền miên. Mọi việc trong nhà em đều tự làm, nhưng không vì thế mà lực học của em giảm sút, ngược lại em luôn được cô giáo chủ nhiệm nêu gương trước lớp.

15-15-20_nh_5
Nhà em Y Quỳnh

Do ít tiếp xúc nên khi tôi tiếp lại bắt chuyện, cô bé không dám nhìn. Sau khi được cô giáo động viên, em mới dè dặt đáp lời. “Mẹ em ốm nặng, nhưng vẫn phải ăn rau rừng thay cơm. Nhà em làm nhờ trên đất người ta nên người ta sắp đòi lại rồi”, Y Quỳnh rơm rớm nước mắt và nói thêm, em muốn cô giáo Ngọc dạy cho nhiều hơn nữa để sau này cha mẹ hết nghèo.

15-15-20_nh_7
Vợ chồng thầy giáo Thọ, cô Ngọc: “Dù nghèo, dù khó khăn nhưng vẫn rất hạnh phúc khi thấy các em học trò chăm ngoan, học tiến bộ”
“Tôi mừng vì thấy các em dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng vẫn nỗ lực vượt qua để được học chữ. Trước kia, người dân nơi đây đã anh dũng, ngoan cường trong kháng chiến, như tác phẩm “Rừng xà nu” miêu tả. Và bây giờ, con cháu họ cũng đang nỗ lực từng ngày. Nhưng, trên hết vẫn là công của các thầy cô giáo, họ đã làm được những điều rất lớn cho tương lai các em. Chúng tôi và các gia đình ở đây, mãi mãi nhớ ơn những người đã khogn6 quản khó khăn, đến đây cắm chốt, dạy chữ cho con em chúng tôi”, ông A Mô, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Choong.