19/01/2025 | 13:14 GMT+7, Hà Nội

PGS Bùi Hiền công bố đã có phần mềm chuyển đổi 'tiếw Việt'

Cập nhật lúc: 19/11/2018, 04:21

“Với phần mềm chuyển đổi, thay vì phải gõ từng chữ, giờ đây tôi chỉ cần 2 phút với vài thao tác đơn giản nếu muốn chuyển đổi các tác phẩm văn học hay báo chí sang chữ cải tiến” – PGS.TS Bùi Hiền phấn khởi.

 

Mặc dù bị cộng đồng "ném đá" nhưng sau khi hoàn thiện nghiên cứu cải tiến chữ viết "Tiếw Việt" và công bố phần 2, mới đây, PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy học phổ thông đã giới thiệu trên trang facebook cá nhân của ông về việc hiện tại ông đã có phần mềm chuyển đổi viết chữ cải tiến.

  PGS.TS Bùi Hiền phấn khởi khi có phần mềm chuyển đổi, ông chỉ mất vài phút là thao tác xong một văn bản từ chữ quốc ngữ sang chữ cải tiến.
PGS.TS Bùi Hiền phấn khởi khi có phần mềm chuyển đổi, ông chỉ mất vài phút là thao tác xong một văn bản từ chữ quốc ngữ sang chữ cải tiến.

Trao đổi với PV, PGS.TS Bùi Hiền phấn khởi: “Nếu như trước kia, để gõ một tác phẩm văn chương hay báo chí sang chữ cải tiến, tôi mất một thời gian khá dài, vài tiếng, thậm chí vài ngày. Nhưng từ giờ, với phần mềm chuyển đổi thực hiện trên máy tính, tôi chỉ cần vài thao tác đơn giản, trong vài phút là đã chuyển sang chữ cải tiến.

Phần mềm sử dụng rất dễ, chỉ cần sao chép bất kỳ nội dung nào vào phần mềm đó là ra văn bản chữ cải tiến”.

Nói về phần mềm này, PGS.TS Bùi Hiền cảm thấy rất hài lòng vì từ nay muốn chuyển đổi các tác phẩm văn học hay báo chí, ông chỉ cần làm một vài thao tác là xong. Gần đây nhất, ông đã chuyển ngữ cho tác phẩm Sống mòn của nhà văn Nam Cao và một số tác phẩm khác như: “Thề non nước”, nhiều bài thơ của Nguyễn Công Trứ, Tản Đà…

PGS Bùi Hiền công bố đã có phần mềm chuyển đổi 'tiếw Việt' 1

“Tuy nhiên, có một số từ chưa tương thích nên phần mềm chưa chuyển đổi được chính xác. Ví dụ chữ gi sẽ được viết là z. Nhưng khi chuyển chữ 'giết' sang chữ cải cách, thì thành 'zết', thiếu mất chữ 'i'. Hoặc những chữ nước ngoài, chữ dân tộc cũng chưa tương thích.

“Do đó, mỗi tác phẩm sau khi dùng phần mềm này để chuyển ngữ tôi đều i rà soát lại để các chữ thật chính xác. Sau đây, chúng tôi tiếp tục chỉnh sửa để phần mềm được hoàn thiện tốt nhất”, PGS.TS Bùi Hiền thông tin thêm.

 PGS.TS Bùi Hiền bật mí với PV, phần mềm chuyển đổi chữ cải tiến tiếng Việt do cháu nội ông và bạn của cháu nghiên cứu, hoàn thiện trong khoảng 1 tháng.

“Tôi rất vui nếu mọi người sử dụng phần mềm để từ đó góp thêm những ý kiến cho phần mềm hoàn thiện hơn. Vì vậy, ai muốn dùng phần mềm chữ cải tiến tiếng Việt thì hãy liên hệ với tôi. Tôi sẽ hướng dẫn cài đặt và sử dụng”, PGS.TS Bùi Hiền thông tin.

Trước đó, vào tháng 11/2017, PGS.TS Bùi Hiền công bố công trình nghiên cứu 40 năm về cải cách chữ quốc ngữ gây sốc dư luận.

Lúc đầu, ông đề xuất giảm ký tự bảng chữ cái từ 38 xuống 31, bỏ chữ Đ và thêm một số chữ cái tiếng Latin F, J, W, Z. Giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng chữ cái được thể hiện lại: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R=R; S = S, X; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r.

Vì âm “nhờ” (nh) chưa có ký tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng ký tự ghép n’ để biểu đạt. Sau đó, ông quyết định chỉ có 6 chữ cái được thay đổi như sau: C (chờ) = ch, tr; K (cờ) = k, c, q; Q (thờ) = th; W(ngờ) = ng, ngh; X (khờ) = kh; Z (dờ) = d, gi, r và N' (nhờ) = Nh.