10 năm sửa nói ngọng 'L, N': Làm thầy cô còn nói ngọng thì sao luyện được cho học sinh?
Cập nhật lúc: 13/11/2018, 14:07
Cập nhật lúc: 13/11/2018, 14:07
Bởi, việc phát âm lẫn lộn L, N có thể do thói quen của một vùng miền nào đó. Mà khi đã trở thành thói quen thì người ta không nhận ra được sự bất bình thường.
Họ vẫn giao tiếp được với nhau mà không có trở ngại gì cả và chỉ khi có một người nào đó lẫn vào cộng đồng của họ thì mới phát hiện ra được sự phát âm không bình thường đó và mới đánh giá là ngọng.
Do đó, để thay đổi được tình trạng này với giáo viên và học sinh, cần sự kiên trì, ý thức nỗ lực của cả hệ thống giáo dục ở địa phương đó.
Nói ngọng L, N do thói quen của vùng miền. Do đó, việc sửa phát âm cần nỗ lực và kiên trì.
Vì vậy, với việc hướng dẫn, luyện cho học sinh ở những địa phương có “truyền thống” nói ngọng, vai trò và cả trách nhiệm của những người giáo viên là cực kỳ quan trọng, to lớn.
Nhưng trước hết, ngành giáo dục ở địa phương đó nói chung, và bản thân mỗi người thầy cô giáo nói riêng phải nhận thức được rằng: nói ngọng L, N không chỉ làm cho nghĩa của từ bị sai mà còn khiến cho những cuộc giao tiếp với những người không nói ngọng để lại ấn tượng không tốt.
Tôi cho rằng, để đạt hiệu quả cao, cần có thời gian và quan trọng nhất là có quy ước, chuẩn mực về ngôn ngữ để họ có ý thức học tập, sửa lỗi phát âm.
Đồng thời mỗi thầy cô, mỗi trường học, mỗi Phòng Giáo dục hãy tự đặt ra những chỉ tiêu thi đua ở những tiết học này. Phải nỗ lực giống như thi đua ở các môn học Toán, Tiếng Việt…
Những người giáo viên bị phát âm chưa chuẩn L, N cần ngay lập tức tự học, tự luyện để chấm dứt tình trạng nói ngọng. Bởi giáo viên là người truyền đạt kiến thức cho học sinh, nếu các thầy cô mà nói ngọng, thì làm sao việc luyện cho học sinh có hiệu quả?
Mỗi giáo viên cần có thiết bị dạy học tác động trực quan tới học sinh về các phụ âm L, N.
Ví dụ, với học sinh lớp 1, lớp 2, hãy sưu tầm bài học liên quan tới những loại quả, đồ chơi, con vật gần gũi để luyện các em đọc.
Với học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5, hãy để học sinh đọc những đoạn văn ngắn, những câu thơ, lời bài hát và cùng phân tích nghĩa của từng câu, từng từ có phụ âm đầu là “L” và “N”.
Trong khi luyện, đừng chỉ dạy các em học sinh đọc theo mình như một con vẹt, mà hãy phân tích sự khác biệt, sự so sánh về nghĩa nếu như phát âm ngọng để các học sinh nhận thấy rằng, nếu đọc sai từ sẽ dẫn tới sai nghĩa.
Mặc dù khối lượng kiến thức của các môn khác khá nhiều trong chương trình dạy học, nhưng giáo viên hãy áp dụng những kỹ năng luyện âm cả trong những tiết học khác.
Hãy nhắc các em thường xuyên, liên tục, nghiêm khắc trong vòng 1 tháng, hay 1 học kỹ, thậm chí kiên trì 1 năm, chắc chắn sẽ có chuyển biến rõ rệt.
Hiệu quả lâu dài và thành công của việc luyện âm là ở chỗ các em học sinh nhận thức được nghĩa của từ đó, thay vì chỉ đọc theo thầy cô cho đúng âm.
Nếu chỉ đọc theo cho đúng âm, thì khi về nhà giao tiếp với mọi người, chắc chắn việc “học vẹt” sẽ nhanh quên. Còn khi đã hiểu nghĩa của từ, thì khi thấy ai đó phát âm sai, các em sẽ dễ dàng nhận ra và thậm chí có thể hướng dẫn cho những người xung quanh.
Tôi cùng đồng ý với quan điểm không thể vội vàng mong kết quả khả quan của chương trình này, song tôi muốn ngành giáo dục hãy vào cuộc một cách trách nhiệm sẽ có hiệu quả tốt.