19/01/2025 | 02:00 GMT+7, Hà Nội

Cách xử trí đúng cách khi bị kiến ba khoang đốt

Cập nhật lúc: 04/12/2015, 17:14

Kiến ba khoang khi tiếp xúc với da của con người lập tức chất độc từ cơ thể của nó gây dị ứng cho da của người bị tiếp xúc.

Biểu hiện khi bị kiến ba khoang đốt

Biểu hiện của viêm da tiếp xúc kiến ba khoang thường là những vệt màu đỏ, chấm đỏ, ban đỏ hoặc 1 mảng to.

Bờ tổn thương thường nổi gờ cao hơn mặt da do sưng nề phía dưới. Nếu bị bệnh ở cạnh mắt hoặc mi mắt thì còn bị sưng mọng mi mắt.

Kiến đốt ở mắt sẽ bị sưng mọng mi mắt

Nếu bị bệnh ở vùng sinh dục thì cũng bị căng mọng da bìu lên. Ở giữa tổn thương có thể có các đám mụn nước, mụn mủ màu trắng đục. Số lượng tổn thương từ một vết hoặc nhiều vết hay nhiều đám.

Vị trí có thể khu trú ở một bên thân thể hoặc cả hai bên. Khi tổn thương da chỉ có ở một bên thân thể đôi khi có thể bị chẩn đoán nhầm là bệnh zona.

Triệu chứng và cách xử trí

Triệu chứng

Triệu chứng cơ năng thường bị đau rát nên bệnh nhân hay nghĩ là mình bị mắc bệnh zona. Có một số bệnh nhân bị ngứa kèm theo, nhưng thường là ngứa mức độ nhẹ, còn đau rát thì nổi trội hơn.

Tiến triển của bệnh có thể như sau: Nếu tổn thương da ở mức độ nhẹ thì bệnh có thể tự khỏi sau 5-10 ngày.

Khi bị kiến đốt sẽ bị ngứa mức độ nhẹ, còn đau rát thì nổi trội hơn.

Nếu tổn thương ở mức độ nặng mà không điều trị sẽ gây nhiễm trùng lan rộng và gây sốt. Khi khỏi cũng có thể để lại vết thâm kéo dài nhiều tháng. 

Cách xử trí

Khi bị kiến ba khoang tấn công, việc đầu tiên cần làm là rửa sạch vùng da tiếp xúc với kiến ba khoang bằng nước muối loãng. Sau khi bị kiến ba khoang đốt, rửa tay bằng nước sạch thôi không đủ để tránh lây lan cũng như khử trùng tạm thời cho vết thương.

 Bởi vậy, khi bị loài côn trùng này cắn hãy rửa sạch tay với xà phòng sau đó sử dụng thuốc bôi hợp lí.

Khi thấy xuất hiện các vết ban đỏ, lấm tấm mụn nước hãy dùng nước muối sinh lí rửa nhẹ ngày 3-4 lần để trung hòa chất tiết của côn trùng. Tuyệt đối không chà xát mạnh vào vùng da bị tổn thương.

Khi bị loại côn trùng này đốt việc đầu tiên là rửa sạch bằng nước muối loãng

Khi bị viêm da tiếp xúc côn trùng, tuyệt đối không nên đắp lá thuốc Nam hoặc đỗ xanh, gạo nếp vì có thể gây nhiễm trùng và làm tổn thương da lan rộng.

Tại chỗ có thể bôi các chế phẩm có chứa corticoid như gentrison, diproson trong vòng 5-10 ngày nếu tổn thương da khô. Nếu có mủ và sưng nề nhiều thì bôi thêm các chế phẩm có chứa kháng sinh như fucidin, bactroban...

Toàn thân có thể uống thuốc kháng histamin như loratadin hoặc fexofenadin. Nếu tổn thương sưng nề nhiều hoặc có nhiễm trùng thì bạn cần đi khám bác sĩ da liễu để có hướng xử trí thích hợp.

Tuyệt đối tránh ra hiệu thuốc mua thuốc kháng virut như acyclovir vì bệnh này không do virut gây nên.

Nếu thấy tình hình bệnh diễn biến phức tạp cần phải đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ./.