19/01/2025 | 19:42 GMT+7, Hà Nội

Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch

Cập nhật lúc: 04/12/2022, 09:06

Để phát huy tiềm năng rất lớn về du lịch, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ đã liên kết, hợp tác nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh từng địa phương trong vùng.

Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động, dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Vùng Đông Nam Bộ là nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển,…

Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ liên kết để phát triển du lịch bền vững
Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ liên kết để phát triển du lịch bền vững

Bên cạnh đó, vùng Đông Nam Bộ cũng được thiên nhiên ưu ái về khí, có nhiều hồ lớn và hệ sinh thái rừng đa dạng thuận lợi cho phát triển du lịch.

Cụ thể, tài nguyên du lịch sinh thái gắn liền với vườn Quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn, các khu rừng ngập mặn như: Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận; hệ thống Vườn quốc gia: Nam Cát Tiên (Đồng Nai), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bù Gia Mập (Bình Phước), Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh).

Thêm nữa, tài nguyên du lịch gắn liền với cảnh quan núi có ý nghĩa đối với phát triển du lịch như: Núi Bà Đen (Tây Ninh) còn được công nhận là Quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà, Núi Bà Rá (Bình Phước), Núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu), Núi Chứa Chan (Đồng Nai); tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với cảnh quan, hệ sinh thái sông, hồ như: sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai; hồ Dầu Tiếng; hồ Trị An (Đồng Nai); hồ Thác Mơ (Bình Phước).

Với sự đa dạng này, sản phẩm du lịch sinh thái ở Đông Nam Bộ có thể đáp ứng nhu cầu khác nhau của nhiều phân khúc du khách tùy thuộc sở thích, thời gian và cả mức chi tiêu cho mỗi chuyến du lịch.

Mới đây, tại TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước diễn ra Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai việc thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025 (gọi tắt là Thỏa thuận).

Qua thống kê, trong giai đoạn 2020-2022, tổng lượng khách du lịch đến vùng Đông Nam Bộ đạt trên 73,53 triệu lượt khách với doanh thu 260.160 tỉ đồng, trong đó có gần 3,1 triệu lượt khách quốc tế.

Kết quả ấn tượng nói trên là nhờ vào sự chủ động của các địa phương sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trong đó các công ty du lịch tại TP. HCM đã đẩy mạnh phát triển bán các sản phẩm du lịch theo các tuyến kết nối TP. HCM đến các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, nổi bật như: tuyến du lịch TP. HCM – Tây Ninh – Cáp treo Núi Bà; tuyến du lịch về nguồn TP. HCM - Tây Ninh - Trung ương Cục miền Nam; tuyến du lịch TP. HCM – Vũng Tàu; tuyến du lịch "Tình đất đỏ miền Đông" TP. HCM - Bình Dương - Bình Phước…

Cũng trong giai đoạn này, các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ đã tổ chức được 18 sự kiện du lịch tiêu biểu cũng như triển khai đề án du lịch thông minh trong quảng bá du lịch.

Tại hội nghị, đại diện 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ thống nhất cho rằng, thời gian tới, các địa phương tập trung phát triển và liên kết sản phẩm du lịch nổi bật để doanh nghiệp du lịch hình thành chương trình (tour), tuyến du lịch liên kết.

Cùng với đó, tổ chức các đoàn farmtrip khảo sát các điểm đến du lịch; đầu tư nâng cấp thêm các cơ sở dịch vụ về du lịch như nhà hàng, khách sạn, trạm dừng nghỉ, khu mua săm phục vụ khách đoàn; tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến về du lịch vùng Đông Nam Bộ; tập trung tổ chức các sự kiện hội chợ, triển lãm có quy mô lớn về du lịch.

Ngoài ra, xây dựng gian hàng chung của vùng Đông Nam Bộ tham gia các sự kiện du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; phối hợp xây dựng và thúc đẩy phát triển các chương trình du lịch cho toàn vùng.

Phát biểu tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Đông Nam Bộ cần xây dựng sản phẩm du lịch liên kết phù hợp “6 địa phương - 1 điểm đến”, làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương nhằm tăng sức hút của điểm đến Đông Nam Bộ.

"Cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường để xác định thị trường mục tiêu; tránh việc quảng bá, xúc tiến thiếu trọng tâm, trọng điểm; liên kết chặt chẽ để hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch vùng hiệu quả, chuyên nghiệp, nhằm nâng cao thương hiệu điểm đến của vùng, tăng sức hút, sự hấp dẫn với khách du lịch", bà Phan Thị Thắng chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương cho biết, liên kết giữa các địa phương là vô cùng cần thiết nhằm tạo chuỗi giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường khách du lịch, hợp tác thúc đẩy phát triển và kích cầu du lịch.

“Mỗi tỉnh thành phải xây dựng thương hiệu riêng cho tỉnh mình và chúng ta phải tăng cường xúc tiến, giao lưu. Các công ty du lịch thường chỉ có văn phòng ở 1 tỉnh thành, ít công ty có chi nhánh ở nhiều nơi. Do vậy chúng ta nên tăng cường tổ chức giao lưu, kết nối, xúc tiến các tour cũng như các hội thảo như thế này để các công ty du lịch, các cơ quan ban ngành liên quan tới việc phát triển du lịch cùng trao đổi với nhau và đưa ra chiến lược chung cho cả vùng” - ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định. 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, 11 tháng năm 2022, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 2,73 triệu lượt. Khách du lịch nội địa đạt 96,3 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 457 nghìn tỷ đồng, vượt 14% so với kế hoạch năm 2022, nhưng chỉ đạt 60% so với năm 2019.

Trong 7 vùng du lịch của Việt Nam, Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động, nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển... Hoạt động liên kết không chỉ đem lại sự đa dạng hóa sản phẩm mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương.

"Đối với vùng Đông Nam Bộ, cần thực hiện rõ nét hơn nữa những đặc sắc của vùng, hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn, thu hút quan tâm, khám phá của du khách trong và ngoài nước; tạo ấn tượng đậm nét về thương hiệu du lịch vùng Đông Nam Bộ thông qua việc khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng văn hóa và sản phẩm mới mà vùng có thế mạnh.

Đồng thời, thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong vùng; hình thành những điểm đến vệ tinh, gần với trung tâm du lịch TP. Hồ Chí Minh; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và cách thức xúc tiến quảng bá, trên các nền tảng số và mạng xã hội", Thứ tưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Vùng Đông Nam Bộ là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch của nhiều vùng, miền. Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức; đồng thời, đề ra các mục tiêu và giải pháp.

Trong đó, có đặt ra nhiệm vụ vùng Đông Nam Bộ phải trở thành trung tâm du lịch khu vực Đông Nam Á; Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Nghị quyết đưa ra những giải pháp chủ yếu, trong đó có việc cần hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị. Đây là một trong những giải pháp để các tỉnh rút ngắn khoảng cách, tạo động lực để liên kết phát triển du lịch của vùng.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/cac-tinh-vung-dong-nam-bo-day-manh-lien-ket-phat-trien-du-lich-73997.html