22/11/2024 | 15:24 GMT+7, Hà Nội

Các lưu ý về chính sách và triển vọng kinh tế 2019

Cập nhật lúc: 23/01/2019, 07:51

Theo nhận định của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa DNNN.

Một năm 2018 tròn vai

Tại Báo cáo kinh tế vĩ mô công bố mới đây, VEPR cho hay, nối tiếp năm 2017, năm 2018 Việt Nam tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,08%, mức cao nhất sau khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm. Chỉ số PMI những tháng gần đây đạt mức cao, dẫn đầu ASEAN.

"Con số xuất siêu lớn của khu vực FDI tiếp tục cho thấy vai trò đầu tàu thương mại của khu vực này. Tuy nhiên, điều này lại đang cho thấy điểm yếu của nền kinh tế và ít nhiều đặt ra câu hỏi về hướng đi của nền kinh tế trong tương lai khi đã quá phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.", PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR lo ngại.

Về tỷ giá, tỷ giá VND/USD năm 2018 vừa qua đã chịu những áp lực mất giá nhất định khi lãi suất đồng USD liên tục được Fed điều chỉnh tăng trong năm. Trong phần lớn thời gian của nửa sau năm, tỷ giá VND/USD được neo ở sát mức trần 3% (so với tỷ giá trung tâm) do NHNN quy định.

Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá và lạm phát cùng với quy định hạn chế sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã khiến lãi suất VND có xu hướng tăng đáng kể vào thời điểm cuối năm.

năm 2018 Việt Nam tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra

Năm 2018, Việt Nam tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, theo đánh giá của VEPR, giải pháp nâng lãi suất sẽ dẫn tới những hệ lụy cho doanh nghiệp khi đẩy chi phí vốn tăng do quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khiêm tốn nên chưa giảm được nhiều gánh nặng cho tín dụng ngân hàng.

"Việc chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của CNY so với USD là cần thiết để Việt Nam thích ứng trong cuộc chiến tranh thương mại.", đại diện VEPR chia sẻ.

Về môi trường kinh doanh, trong năm 2018, Chính phủ và các bộ ngành đã thể hiện quyết tâm cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Hàng nghìn điều kiện đã được dỡ bỏ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.

Ngân hàng Thế giới thông qua chỉ số xếp hạng mức độ thuận lợi kinh doanh (EBDI) cũng đã ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Đức Thành cho hay, số điều kiện kinh doanh cần tiếp tục dỡ bỏ còn rất lớn. Nếu như lao động giá rẻ cộng với các chính sách ưu đãi về đất đai và thuế là chìa khóa để thu hút doanh nghiệp FDI, thì gỡ bỏ các rào cản, cải cách thể chế chính là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy khởi nghiệp và sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang chậm lại cùng với sức ép tăng thuế phí luôn thường trực cũng là những vật cản đối với tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.

Bức tranh kinh tế 2019

Theo nhận định của VEPR, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa DNNN. Hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc nếu các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EU chính thức được thông qua.

Bên cạnh đó,cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đặt Việt Nam trước một cơ hội lớn hiếm hoi trước xu hướng rời bỏ Trung Quốc của chuỗi cung ứng sản xuất.

"Tuy nhiên, để cơ hội trở thành hiện thực đòi hỏi rất nhiều ở việc cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước", đại diện VEPR cho hay.

Nhận định về năm 2019, VEPR cho rằng, trước tiến trình “bình thường hóa” chính sách tiền tệ từ các nước phát triển và nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, Việt Nam một mặt nên tiếp tục tiến trình cải thiện điều kiện thể chế - kinh tế trong nước, cải cách tài khóa và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN, mặt khác, nên tập trung chuẩn bị các điều kiện về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để sẵn sàng đối mặt với những bất ổn từ kinh tế thế giới.

Theo đó, các chính sách này có thể bao gồm:

Thứ nhất, điều hành tỷ giá một cách linh hoạt theo hướng thích ứng (hấp thụ bớt) các cú sốc từ bên ngoài. Ví dụ, việc chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của CNY so với USD như VEPR từng đề xuất là cần thiết để Việt Nam thích ứng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Việc điều chỉnh tỷ giá như vậy giúp Việt Nam tận dụng hai thị trường lớn để có thể cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại.

Thứ hai, hạ thấp đòn bẩy, điều tiết và giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao sức khỏe của hệ thống tài chính.

Tuy các ngân hàng đã có những nỗ lực xử lý nợ xấu trong thời gian qua, rủi ro về chu kỳ nợ xấu mới vẫn là tiềm tàng với hệ thống tổ chức tài chính của Việt Nam. Do vậy, việc hạ thấp đòn bẩy và kiểm soát tín dụng với các lĩnh vực rủi ro là điều cần thiết nhằm tăng cường khả năng chống chọi của hệ thống tài chính trước những cú sốc.

Thứ ba, theo VEPR, cần thận trọng hơn với tăng trưởng cung tiền (khống chế trong khoảng 12%/năm). Tuy tổng phương tiện thanh toán có xu hướng tăng chậm lại trong những năm gần đây, tỷ lệ M2/GDP của Việt Nam hiện vẫn đạt khoảng 170%.

Trong bối cảnh NHNN vẫn giữ lãi suất điều hành ở mức thấp, việc giảm tỷ lệ cung tiền sẽ giúp cho Việt Nam có thêm dư địa chính sách tiền tệ để ứng phó với những cú sốc từ bên ngoài.

Thứ tư, VEPR đề xuất việc từng bước xây dựng đệm tài khóa, bởi trong những năm gần đây, bức tranh về thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Và khi nguồn vay ODA ngày càng càng hạn chế, Việt Nam phải dựa nhiều vào nguồn nội lực nhiều hơn cho đầu tư phát triển. Điều này chỉ có thể được thực hiện thông qua việc thu gọn, tinh giản và sắp xếp lại bộ máy chính quyền để giảm chi thường xuyên.

Qua đó, thâm hụt ngân sách sẽ dần được cắt giảm và tạo được “đệm tài khóa” nhằm tăng cường khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới.