24/11/2024 | 17:18 GMT+7, Hà Nội

Cá bớp nuôi lồng bè trên biển Hòn Lăng lại chết hàng loạt

Cập nhật lúc: 22/08/2017, 10:00

Năm nay người nuôi cá bớp trong lồng bè tại khu vực Hòn Lăng, thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, TX Ninh Hòa tiếp tục nếm “trái đắng”.

Khốn đốn

Hòn Lăng là vùng nuôi trồng thủy sản trong lồng bè trên biển lớn nhất ở xã Ninh Ích, với quy mô lên đến khoảng 1.500 lồng, hơn 82 hộ nuôi. Trong đó, các lồng bè chủ yếu nuôi cá chim, cá bớp.

Biểu hiện cá bớp chết trước đó bỏ ăn, bơi lờ đờ

Biểu hiện cá bớp chết trước đó bỏ ăn, bơi lờ đờ

Thời điểm năm ngoái, người nuôi đã từng thiệt hại nặng nề vì cá bớp chết hàng loạt. Vậy mà vụ nuôi năm nayhọ tiếp tục nếm “trái đắng”. Cá bớp bắt đầu chết từ ngày 10/7. Lúc đầu cá chết lai rai nên người nuôi không thông báo cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên sau đó càng ngày cá chết càng nhiều, với tỷ lệ hao hụt từ 20 -40% ở tất cả bè nuôi.

Ông Nguyễn Văn Phước, một người nuôi cá ở khu vực này cho biết, dấu hiện lâm sàng trước khi cá chết là biểu hiện bỏ ăn, phần đầu xuất hiện chấm trắng, mang hơi nhạt và tiết nhiều chất nhầy. Mặc dù người nuôi đã tự điều trị cho đàn cá bị bệnh các loại thuốc kháng sinh nhưng không hiệu quả.

“Năm nay gia đình tôi nuôi cá bớp tiếp tục thua lỗ nặng. Tôi thả vụ này khoảng 10.000 con, đến nay cá đã đạt trọng lượng gần 1kg. Vậy mà ngày nào kiểm tra lồng tôi đều thấy cá chết nên xót lắm. Giờ chẳng biết trong lồng còn bao nhiêu con nữa, nhưng ước thiệt hại hơn nửa đàn rồi”, ông Phước than vãn.

Không chỉ gia đìnhông Phước mà 23 hộ nuôi ở nơi đây cũng bị thiệt hại. Họnghi ngờ có thể do hoạt động cào sò xung quanh vùng nuôi khiến nguồn nước bị xáo trộn bùn đất lên gây ô nhiễm nặng.

Chết do vi khuẩn

Sau khi nhận được thông tin cá chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Hòa phối hợp UBND xã tiến hành xuống hiện trường để thu mẫu xác định nguyên nhân.

 

Theo đó, 3 mẫu cá bớp được gửi xét nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu giống và dịch bệnh thủy sản (ĐH Nha Trang) cho thấy: Một mẫu cá bị nhiễm streptococcus sp và 2 mẫu cá còn lại đều bị nhiễm khuẩn nặng với 2 loại khuẩn streptococcus sp và Vibrio sp.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, hiện tượng này cũngnhư thời điểm tháng 7 - 8/2016. Streptococcus sp xâm nhập vào cá bớp nuôi vào thời điểm cá yếu, Vibrio sp. gây bệnh xâm nhập và phát triển bội nhiễm, kết hợp với các yếu tố môi trường vùng nuôi biến đổi không thuận lợi gây hiện tượng cá chết từ rải rác đến hàng loạt.

Để hạn chế thiệt hại thấp nhất cho người nuôi, chi cục khuyến cáo người nuôi nếu có thể di chuyển lồng bè đến khu vực môi trường nước không bị ảnh hưởng bởi nguồn gây ô nhiễm. Tiến hành san thưa đàn cá trong lồng còn lại, đồng thời theo dõi sức khỏe đàn... Thu gom xác cá chết đưa vào bờ, không vứt xác cá chết xuống biển.

Đối với đàn cá chưa bị bệnh thì áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Thường xuyên theo dõi cá để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp điều trị kịp thời. Cần tắm cá định kỳ để phòng bệnh. Cụ thể, tắm oxy già với nồng độ 200 - 300 ppm trong thời gian 20 - 30 phút. Tắm nước ngọt từ 10 - 20 phút. Kết hợp tắm nước ngọt pha oxy già với nồng độ 100 - 150 ppm trong thời gian 10 - 15 phút. Thực hiện cứ 10 ngày tắm 1 lần, liên tiếp 3 lần, sau đó khoảng 35 - 45 ngày tắm lại theo quy trình trên.

Ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết, tình trạng cá bớp chết hiện nay giống như thời điểm năm ngoái, tuy nhiên mức độ thiệt hại thấp hơn. Đến nay có khoảng 23.000 con cá bớp bị chết, trọng lượng từ 0,5 - 1kg, ước thiệt hại tiền tỷ. Trong khi đó tình hình cá bớp chết vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
KIM SƠ