19/01/2025 | 05:57 GMT+7, Hà Nội

C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì bày bán ngoài thị trường: Ai chịu trách nhiệm?

Cập nhật lúc: 16/07/2016, 15:38

Vừa qua, nhiều người ngỡ ngàng phát hiện sản phẩm C2 có hàm lượng chì vượt mức cho phép vẫn lưu thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Trước thông tin này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Phú Yên quanh vấn đề này.

 

Hơn một tháng kể từ khi Cục Quản lý cạnh tranh ra quyết định buộc công ty TNHH URC thu hồi lô C2 hương Trà xanh và nước tăng lực Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn, ngày 5/7 vừa qua, nhiều người ngỡ ngàng phát hiện sản phẩm C2 có hàm lượng chì vượt mức cho phép vẫn lưu thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Đã có nhiều bạn đọc phản ánh về việc sản phẩm C2 nằm trong các lô sản phẩm bị Cục QLCT, Bộ Công Thương ra quyết định buộc thu hồi do có hàm lượng chì vượt quá quy định nhưng vẫn ngang nhiên lưu hành trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Phóng Viên đã có cuộc trao đổi với bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Phú Yên quanh vấn đề này.

Pv: Bà có ý kiến gì khi hai sản phẩm C2 và Rồng đỏ bị nhiễm chì nằm trong lô bị thu hồi vẫn được bày bán tràn lan trên địa bàn tỉnh Phú Yên?

Bà Tô Thị Hòa: Thực tế thì bản thân tôi đã biết được thông tin về 2 sản phẩm nhiễm chì trên từ trước đó qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Công ty sản xuất ra sản phẩm bị khuyết tật đã bị phạt, số hàng bán ra cũng bị thu hồi. Về mặt chủ quan, vì không nhận được thông báo chính thức nào từ cơ quan chức năng khác nên vẫn nghĩ là sản phẩm lỗi đã được xử lý. Là người đứng đầu Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Phú Yên, tôi ý thức được sản phẩm nhiễm chì rất nguy hiểm đối với con người. Với trách nhiệm của mình, từ trước đến nay chúng tôi luôn quan tâm đặc biệt đến quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, với 2 sản phẩm lỗi ở trên, cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo, chỉ đạo nào từ Sở Y tế, Quản lý thị trường… nên không có căn cứ để vào cuộc.

Pv: Nghĩa là lỗi này thuộc cơ quan khác?

Bà Tô Thị Hòa: Tôi nghĩ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng vẫn chậm. Với những sản phẩm gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng, việc thu hồi sản phẩm đồng thời ra thông báo khuyến cáo, cảnh báo kịp thời là rất quan trọng. Thế nhưng, thực tế chúng tôi chưa thấy có thông báo hay chỉ đạo nào?

PV: Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã làm gì sau khi biết 2 sản phẩm nhiễm chì vẫn được bán cho người tiêu dùng?

Bà Tô Thị Hòa: Ngay khi nắm bắt được thông tin, Sở Công thương tỉnh Phú Yên đã vào cuộc, đồng thời phát đi thông báo cảnh báo người dân trên hệ thống báo, đài địa phương và chỉ đạo Hội Bảo vệ người tiêu dùng phối hợp vào cuộc. Từ ngày 12 đến ngày 17/7, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Phú Yên mở 9 lớp tập huấn về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nội dung của lớp tập huấn là trang bị cho các học viên những kiến thức để nhận biết hàng thật, hàng giả, quyền lợi của người tiêu dùng… 9 lớp tập huấn được mở tại 3 huyện Đồng Xuân, Sông Hinh và Phú Hòa.

Do sản phẩm C2 và Rồng đỏ bị nhiễm chì đang rất nóng trên địa bàn nên tại các buổi tuyên truyền, tôi đã đưa hình ảnh 2 sản phẩm này chiếu lên đầu tiên. Chúng tôi chỉ dẫn cho các học viên cách nhận biết sản phẩm đồng thời khuyến cáo người dân không tiếp tục mua uống. Nếu phát hiện, báo ngay cơ quan chức năng. Số điện thoại của tôi cũng đã được thông báo công khai trước đó trên báo đài của tỉnh để người dân có thể phản ánh. Rất nhiều học viên trước đó không hề biết 2 sản phẩm nhiễm chì này nhưng nhờ có lớp học, họ đã biết và như vậy những người xung quanh họ cũng biết.

PV: Kết quả hiện tại ra sao thưa bà?

- Hiện tại, chúng tôi đi kiểm tra và nhận thấy những sản phẩm C2 và Rồng đỏ nằm trong lô bị thu hồi đang được bán trên địa bàn. Tôi tin, với sự thông báo rộng rãi cũng như vào cuộc quyết liệt của nhiều cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Phú Yên sẽ không còn người tiêu dùng mua sản phẩm bị khuyết tật về uống, người bán cũng ý thức được sự nguy hiểm và không tiếp tục bán.

Hiện tại, các lớp tập huấn của chúng tôi đang thu hút được rất đông học viên. Mỗi lớp có từ 150-190 học viên, trong đó đông nhất là chị em phụ nữ. Từ những học viên này, thông tin về sản phẩm độc hại sẽ được lan tỏa. Không chỉ ở thành thị mà các vùng nông thôn cũng sẽ được trang bị thông tin cũng như kiến thức cần thiết để nhận biết được sự nguy hiểm của 2 sản phẩm nhiễm chì C2 và Rồng đỏ.

PV: Xin cảm ơn bà./.

Ngày 30/6, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã quyết định thu hồi 2 lô sản phẩm, gồm nước tăng lực Rồng đỏ hương dâu (NSX: 10/11/2015; HSD: 10/8/2016) và lô Trà xanh hương chanh C2 (NSX: 4/2/2016; HSD: 4/2/2017) do có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép. Công ty URC-đơn vị sản xuất ra sản phẩm trên cũng bị phạt gần 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, do sản phẩm nhiễm chì đã được tung ra thị trường trước đó nên việc thu hồi trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, công ty sản xuất chưa có bất kỳ thông báo chính thức nào để khuyến cáo người dân về 2 sản phẩm nhiễm chì. Có thể, việc không có thông tin nên tại tỉnh Phú Yên cả người bán lẫn người mua vẫn vô tư dùng sản phẩm nằm trong lô bị thu hồi cho đến tận hôm nay.