19/01/2025 | 11:50 GMT+7, Hà Nội

Bức tranh sáng màu cho thị trường cảng biển

Cập nhật lúc: 21/06/2021, 06:10

Tình trạng cạnh tranh giữa tại khu vực cảng Hải Phòng có thể gay gắt hơn. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp cảng biển tại khu vực phía Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng cao trong 2 năm tới.

Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco Research) về: Triển vọng ngành Logistics và cảng biển đã đưa ra những phân tích sâu về lợi thế và tiềm năng của thị trường cảng biển 2 miền Bắc, Nam trong giai đoạn 2020 - 2022.

Cảng biển phía Bắc: Duy trì đà tăng ổn định

Cảng biển phía Bắc được đánh giá là cụm cảng có vị trí địa lý thuận lợi, nằm gần biên giới Trung Quốc và là trung tâm trung chuyển hàng từ miền Nam Việt Nam. Đây cũng là khu vực có hoạt động khai thác cảng khá sôi động với nhiều cái tên lớn tham gia như: Cảng Đình Vũ, Đoạn Xá, Nam Hải, Nam Đình Vũ và Nam Hải Đình Vũ.

Theo đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong việc đóng góp công suất khai thác của cụm cảng phía Bắc là khu vực Hải Phòng với hơn 35% đến từ các nhà cảng ở đây.

Thị phần cụm cảng phía Bắc năm 2020

Về sản lượng, trong năm 2019 và 2020, sản lượng hàng hóa qua khu vực cảng biển phía Bắc đã ghi nhận mức tăng ấn tượng, trung bình đạt khoảng 20%. Agriseco Research dự báo tốc độ tăng trưởng tổng sản lượng cụm cảng này có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong các năm tới dựa vào những kỳ vọng từ Hiệp định EVFTA và xu hướng chuyển dịch dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Dự báo, tổng sản lượng container qua khu vực này vào năm 2021 và 2022 lần lượt đạt gần 5,2 triệu TEUs và 6 triệu TEUs, tương đương mức tăng trưởng trung bình là 20%.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hãng tàu có xu hướng hợp tác với nhau để cắt giảm chi phí, đi kèm với đó là việc tăng kích thước tàu vận chuyển. "Điều này sẽ đẩy mạnh nhu cầu cho các cảng nước sâu, tuy nhiên, nguồn cung cho hình thức cảng này còn hạn chế do chỉ có một số ít cảng hạ nguồn như HICT và Nam Đình Vũ có thể đáp ứng được", báo cáo cho hay.

Tuy nhiên, Agriseco Research cho rằng tình trạng cạnh tranh của các nhà cảng hoạt động tại khu vực Hải Phòng có thể sẽ tiếp diễn và gay gắt hơn trong tương lai.

Có 2 lý do cơ bản được nhóm nghiên cứu chỉ ra:

Thứ nhất, xu thế hợp tác của các hãng tàu sẽ đẩy mạnh nhu cầu đối với các cảng nước sâu có thể đón nhận những tàu mẹ có trọng tải lớn. Hiện nguồn cung của dịch vụ này chỉ có thể đáp ứng được bởi một số cảng nhất định, do vậy sự cạnh tranh của các nhà cảng ở vị trí thượng nguồn còn lại có thể sẽ khá gay gắt trong giai đoạn tới.

Thứ hai, quy định về việc nâng mức giá sàn dịch vụ bốc dỡ hàng hóa: theo quy định, từ năm 2021, giá sàn dịch vụ bốc xếp dỡ hàng hóa tại khu vực sông Cấm sẽ tăng 10%/năm tới năm 2023, trong khi đó, cước dịch vụ này tại khu vực sông Lạch Huyện sẽ giữ nguyên cho tới hết 2022. Quy định này dự kiến sẽ thu hẹp khoảng cách về giá cước giữa các nhà cảng tại các khu vực nói trên, có thể sẽ khiến một số doanh nghiệp phải giảm giá những dịch vụ khác để giữ khách.

Chi tiết về việc thay đổi giá sàn dịch vụ này theo dự thảo sửa đổi bổ sung thông tư 54/2018/TT-BGTVT

Về triển vọng của khu vực cảng phía Bắc, nhóm nghiên cứu cho rằng sẽ là khoảng thời gian khó khăn với cảng thượng nguồn khi xu hướng dịch chuyển nguồn hàng từ khu vực thượng nguồn sang các khu vực nước sâu, gần cửa biển cộng thêm áp lực từ quy định nâng giá sàn khai thác khiến nhiều doanh nghiệp có vị trí xấu phải loay hoay để lấp đầy công suất thiết kế.

Trước tình hình này, một số nhà cảng đã có động thái đón đầu xu hướng, điển hình như PHP sẽ chuyển đổi mục đích đất khu vực cảng Hoàng Diệu sang thương mại và thay vào đó là triển khai đầu tư cảng nước sâu HIPG từ quý III/2021. Trường hợp của GMD cũng công bố sẽ mở rộng và tập trung nguồn lực vào giai đoạn 2 của cảng Nam Đình Vũ, dự kiến nâng công suất thiết kế toàn dự án lên hơn 1,5 triệu TEUs/năm sau khi hoàn thành.

Điểm sáng tích cực là tốc độ tăng trưởng toàn khu vực được duy trì. Theo đó, Agriseco Research dự báo sản lượng container cập cảng khu vực này sẽ duy trì được đà tăng nhanh 2 năm vừa qua do kỳ vọng từ việc các nhà cảng có vị trí đẹp đang có xu hướng mở rộng dần để nâng công suất khai thác và xu hướng chuyển dịch dây chuyền sản xuất sang Việt Nam do dịch Covid-19.

Dự phóng sản lượng cụm cảng phía Bắc. Nguồn: Agriseco tổng hợp

Khu vực phía Nam: Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng

Báo cáo đánh giá khu vực phía Nam là nơi có hoạt động khai thác cảng diễn ra sôi động nhất cả nước, với lợi thế nhiều cảng nước sâu, phù hợp với xu hướng ngành. Tính đến hết năm 2020, khu vực này chiếm tới hơn 72% tổng sản lượng khai thác của toàn nước, lớn gần gấp 3 lần khu vực phía Bắc.

Sản lượng khu vực cảng phía Nam
Sản lượng khu vực Cái Mép - Thị Vải

Triển vọng được nhìn nhận tích cực từ cụm cảng Cái Mép - Thị Vải khi mà cụm cảng này có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong các năm vừa qua, trung bình đạt trên 23% trong 3 năm gần nhất từ 2017 tới 2020. Agriseco Research kỳ vọng các nhà cảng tại khu vực này tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng sản lượng cao trong 2 năm tới dựa trên 3 yếu tố:

Một, lợi thế về cảng nước sâu, nhận được sự ưu tiên của các hãng tàu.

Hai, đóng góp nguồn cung từ cảng Gemalink. Theo đó, cảng này đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2021, có công suất thiết kế giai đoạn 1 đạt 1,5 triệu TEUs/năm. Theo ý kiến từ Ban Lãnh đạo Gemadept, cảng Gemalink trong năm đầu tiên hoạt động có thể đạt sản lượng hơn 1,2 triệu TEUs tương đương 80% công suất thiết kế. Giai đoạn 2 của cảng này sẽ bắt đầu khởi công năm 2022 và nâng tổng công suất đóng góp cho toàn khu vực Cái Mép - Thị Vải lên 2,4 triệu TEUs/năm.

Ba, một số hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, cùng với đó là xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam của nhiều doanh nghiệp lớn Quốc tế sau bài học từ dịch Covid-19.

Theo số liệu từ VLA, quy mô thị trường logistic tại Việt Nam cuối năm 2020 vào khoảng 40 - 42 tỷ USD với hơn 4.000 doanh nghiệp trong nước và 25 doanh nghiệp nước ngoài, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt từ 14% - 16%. Con số này cho thấy thị trường vận tải và kho bãi ở Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng, và bài học từ hệ quả của dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phải thay đổi để có thể tồn tại trong thị trường này.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh cao đặt ra nhu cầu cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. Quan sát thấy, để gia tăng tốc độ tiếp đón và luân chuyển hàng hóa, một số loại hình công nghệ đã được các doanh nghiệp triển khai như cảng điện tử (Eport - phần mềm của Tân Cảng Sài Gòn) hiện đang được một số nhà cảng như HICT áp dụng; lệnh giao hàng điện tử (eDO).

Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng trọng tải tàu hàng để tiết kiệm chi phí cũng đòi hỏi khả năng tiếp ứng từ các nhà cảng nước sâu. Theo xu thế này, một số doanh nghiệp đã có động thái gia tăng nguồn cung như Gemadept sẽ khởi công giai đoạn 2 dự án Gemlink vào cuối năm 2021 còn PHP thì đang xin chủ trương di dời cảng Chùa Vẽ ở Sông Cấm sang khu vực Lạch Huyện.

Tổng diện tích nhà kho theo khu vực

Về xu hướng đầu tư năm 2021, báo cáo Agriseco Research cho hay, làn sóng đầu tư vào các doanh nghiệp logistic cũng đang diễn ra sôi động tại thị trường Đông Nam Á. Theo tìm hiểu, tính từ đầu năm 2020 đến nay đã có 43 thương vụ rót vốn vào các start-up logistic với tổng quy mô khoảng 3,2 tỷ USD.

Còn với thị trường Việt Nam, trong 24 tháng qua đã có hơn 3 tỷ USD được rót vào các hệ thống kho vận và trung tâm phân phối logistic hiện đại. Dịch bệnh Covid-19 đã phần nào làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, trong đó việc các sàn thương mại điện tử phát triển quá nóng đã kéo theo nhu cầu với các dịch vụ hậu cần kho bãi.

Do đó, nhóm nghiên cứu Agriseco Research cho rằng loại hình kho lạnh sẽ tiếp tục là mối quan tâm chính của các thương vụ đầu tư trong tương lai do nhu cầu giao nhận các mặt hàng thực phẩm cao đòi hỏi các kho lạnh có vị trí gần.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/buc-tranh-sang-mau-cho-thi-truong-cang-bien-20201231000002875.html