19/01/2025 | 12:00 GMT+7, Hà Nội

Bộ Xây dựng: Thành lập Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Cập nhật lúc: 08/10/2021, 18:30

Nhằm kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Bộ Xây dựng đã thành lập 1 Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng.

Cụ thể, theo Quyết định số 1118/QĐ-BXD ngày 5/10/2021, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trực tiếp làm Tổ trưởng, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh làm Tổ phó thường trực cùng thành viên là các lãnh đạo Cục, Vụ trực thuộc, bao gồm các Cục: Kinh tế xây dựng, Quản lý hoạt động xây dựng, Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Công tác phía Nam, Phát triển đô thị, Hạ tầng kỹ thuật, Quản lý Nhà và thị trưởng bất động sả; các Vụ: Pháp chế, Quản lý doanh nghiệp, Quy hoạch - Kiến trúc, Vật liệu xây dựng; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ.

Theo đó, căn cứ theo nội dung Quyết định,  Bộ Xây dựng có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Bộ Xây dựng: Thành lập Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Bộ Xây dựng: Thành lập Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (Ảnh: Internet)

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng sẽ tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan, nắm bắt thông tin và kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Đồng thời, định kỳ, hàng tháng hoặc khi cần thiết, Tổ công tác tổng hợp tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân theo thẩm quyền của Bộ Xây dựng, đề xuất phương án giải quyết vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước đó, đại diện nhiều doanh nghiệp BĐS kiến nghị cần sớm tháo gỡ rào cản chính sách do "sức đề kháng" của doanh nghiệp địa ốc đang ngày càng suy giảm do ảnh hưởng bởi lần bùng phát dịch thứ 4. Nếu không có những chính sách cứu trợ hay tháo gỡ khó khăn kịp thời, số lượng doanh nghiệp địa ốc đứng trên bờ vực phá sản ngày càng gia tăng. Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có gần 1.000 doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể. Con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng khi diễn biến  bùng phát dịch gần đây chưa có dấu hiệu kiểm soát cơ bản.

Đại diện các doanh nghiệp BĐS bày tỏ mong muốn Luật Đất đai sửa đổi sớm ra đời và giải quyết được các vấn đề như giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; cần phân định rõ loại hình bất động sản nào được quyền mua bán, loại hình nào cho thuê như condotel, officetel, bất động sản dịch vụ,... kiến nghị Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan cũng như Hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản, Hội quy hoạch, Hội kiến trúc có ý kiến phân định rõ các loại tài sản này; nguồn vốn ngân hàng cũng đang giảm lãi suất giá rẻ nhưng nếu tiếp tục dựa vào nguồn vốn của ngân hàng thì doanh nghiệp luôn luôn bị động...

 

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/bo-xay-dung-thanh-lap-to-cong-tac-dac-biet--20201231000003869.html