19/01/2025 | 07:18 GMT+7, Hà Nội

Bộ Xây dựng đề xuất siết chặt các điều kiện kinh doanh bất động sản

Cập nhật lúc: 17/08/2021, 06:15

Bộ Xây dựng vừa có dự thảo đề xuất các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh BĐS phải thành lập DN theo quy định của pháp luật về DN hoặc HTX theo quy định của pháp luật về HTX, có ngành nghề kinh doanh BĐS.

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) đang hoàn thiện, Bộ Xây dựng đề xuất quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS, cũng như điều kiện của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh BĐS quy mô nhỏ, không thường xuyên. 

Theo đó, các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh BĐS phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh BĐS. Quy định hiện hành chưa có yêu cầu cụ thể về ngành nghề kinh doanh với người tham gia kinh doanh bất động sản.

Doanh nghiệp muốn kinh doanh lĩnh vực này phải công khai về thông tin, bao gồm: Tên, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật và số điện thoại liên lạc và các thông tin liên quan đến BĐS đưa vào kinh doanh theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 của Luật Kinh doanh BĐS trên Cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp, Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và nơi có BĐS đưa vào kinh doanh.

Bộ Xây dựng đề xuất siết chặt các điều kiện kinh doanh bất động sản
Bộ Xây dựng đề xuất siết chặt các điều kiện kinh doanh bất động sản (Ảnh: Internet)

Trong trường hợp là chủ đầu tư dự án bất động sản thì ngoài các quy định trên còn phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 20% tổng vốn đầu tư với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha. Với dự án có quy mô từ 20 ha trở lên, mức này là 15%. Vốn chủ sở hữu được xác định dựa vào kết quả báo cáo tài chính được kiểm toán gần nhất; hoặc báo cáo kiểm toán độc lập được thực hiện trong năm doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh hoặc năm trước liền kề năm tham gia đầu tư kinh doanh bất động sản.

Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh BĐS quy mô nhỏ, không thường xuyên, dự thảo nêu rõ, các trường hợp kinh doanh BĐS không bắt buộc phải có các điều kiện trên, nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật. Cụ thể, kinh doanh BĐS quy mô nhỏ được xác định trong trường hợp bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất dưới mức diện tích đất, diện tích sàn xây dựng nhà ở, công trình xây dựng do UBND cấp tỉnh quy định.

Kinh doanh bất động sản không thường xuyên gồm các trường hợp như bán, chuyển nhượng nhà, công trình xây dựng do phá sản, giải thể; bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động san thuộc sở hữu Nhà nước khi cư quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép; Các tổ chức tín dụng bán, chuyển nhượng nhà, công trình, dự án đang được bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ...

Trước đó, trong cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước (tháng 5/2021), Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo chi tiết về nguồn vốn đổ vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản, từ đó phân tích dữ liệu để có biện pháp điều hành tín dụng. Theo đó, dòng vốn cho vay bất động sản cũng bị siết chặt hơn với các dự án đầu tư, kinh doanh, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng.

Nhiều ngân hàng thương mại cho biết cũng đang thực hiện các giải pháp kiểm soát cho vay kinh doanh bất động sản.

Theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh là phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án, trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/siet-chat-cac-dieu-kien-kinh-doanh-bat-dong-san-20201231000003357.html