Bộ Xây dựng: Sửa đổi, bổ sung quy định xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng là cần thiết!
Cập nhật lúc: 15/07/2021, 06:00
Cập nhật lúc: 15/07/2021, 06:00
Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, trong quá trình triển khai thi hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thiếu tính khả thi, cần thiết sửa đổi, bổ sung như: Xác định thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm đối với dự án đầu tư xây dựng để tính thời hiệu xử phạt như hiện nay là chưa phù hợp; không có chế tài xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn; chưa có biện pháp chế tài dừng thi công xây dựng đối với công trình vi phạm; thời gian thực hiện xin cấp và điều chỉnh giấy phép chưa phù hợp với từng loại công trình; một số lĩnh vực còn thiếu chế tài xử lý; chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp…
Đơn cử, tại khoản 8, Điều 15, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP chỉ quy định xử phạt sau khi lập biên bản vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm, không điều chỉnh đến việc xử lý vi phạm sau khi đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm… Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng, việc thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP là cần thiết, phù hợp với pháp luật và thực tế.
Theo đó, Bộ đã dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng gồm 7 chương, 89 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng; trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; trong quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; trong kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở…
Đối với quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ đề xuất quy định gồm 2 mục: Một là quy định các hành vi vi phạm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình trong việc lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng; khảo sát xây dựng; lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng; hoạt động kiến trúc; lập, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; thiết kế, dự toán xây dựng công trình; đầu tư phát triển đô thị; khởi công xây dựng; trật tự xây dựng; thi công xây dựng; nghiệm thu, thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình; hợp đồng xây dựng; bảo hành, bảo trì, khai thác, sử dụng công trình xây dựng; quản lý, lưu trữ hồ sơ.
Hai là quy định các hành vi vi phạm của chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), nhà thầu, tổ chức, cá nhân khác về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng; về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn áp dụng; về khảo sát xây dựng; về công tác lập quy hoạch xây dựng; về thẩm tra dự án, thiết kế, dự toán; về thiết kế, dự toán xây dựng công trình; về trật tự xây dựng; về an toàn trong thi công; về thi công xây dựng công trình; về giám sát thi công; về nghiệm thu, thanh toán khối lượng công trình; về hợp đồng xây dựng; về bảo hành, bảo trì; về lưu trữ; về kiểm định, thí nghiệm, đào tạo trong hoạt động xây dựng.
Bộ cũng dự thảo đề xuất bổ sung một điều về vi phạm trong hoạt động kiến trúc; bổ sung hành vi không chuyển giao quản lý hành chính khi hoàn thành toàn bộ dự án theo quy định; đề xuất lược bỏ hành vi không tổ chức tuyển chọn thiết kế kiến trúc, hành vi về động thổ, khánh thành công trình xây dựng; bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả buộc dừng thi công xây dựng công trình đối với các hành vi vi phạm về khởi công, nhằm ngăn chặn, xử lý hiệu quả ngay từ đầu các hành vi vi phạm; rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đảm bảo tính răn đe, khả thi khi thực hiện…
Về trật tự xây dựng (Điều 15), dự thảo đề xuất thay thế cụm từ “công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng” bằng cụm từ “công trình có yêu cầu lập dự án đầu tư; bổ sung xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn; điều chỉnh thời gian xin cấp và điều chỉnh giấy phép theo từng loại công trình; bổ sung trường hợp xây dựng công trình không đúng thiết kế được thẩm định, phê duyệt mà đang thi công thì thực hiện thủ tục xin điều chỉnh thiết kế trong vòng 90 ngày…, phân tách khung hành vi theo loại công trình và xử lý một số vấn đề của thực tiễn…
Đồng thời, lược bỏ một số hành vi liên quan đến vi phạm quy định về điều kiện hoạt động xây dựng như không có hợp đồng lao động với những cá nhân đảm nhận những chức danh chủ chốt theo quy định, những chức danh chủ chốt không có chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực đặc thù của dự án theo quy định, không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử theo quy định khi tham gia hoạt động xây dựng theo Nghị định số 21/2020/NĐ-CP; thực hiện thẩm tra dự án vượt quá thời hạn quy định; thiết kế an toàn quá mức quy định đối với công trình sử dụng vốn Nhà nước…
Nghị định số 139/2017/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 27/11/2017, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng vừa có VB số 2378 gửi đến UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; các Bộ, ngành; đề nghị xem xét lại những bất cập, mâu thuẫn chồng chéo trong Luật Quy hoạch đô thị, Luật xây dựng 2014. Yêu cầu tổng kết đánh giá toàn diện những mâu thuẫn, chồng chéo giữa pháp luật chuyên ngành có liên quan với pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; kiến nghị các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, giải pháp việc thực hiện Luật Quy hoạch đô thị và nội dung quy hoạch xây dựng tại Luật Xây dựng.
Về tình hình triển khai thực hiện các quy định pháp luật trong lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, văn bản của Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương nêu rõ về kết quả đạt được, các tồn tại, vướng mắc; nêu rõ các đề xuất, kiến nghị về sửa đổi, bổ sung luật Quy hoạch đô thị và nội dung quy hoạch xây dựng tại luật Xây dựng và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng đã cơ bản thống nhất với Bộ Xây dựng về 10 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong thời gian tới như tiếp tục rà soát việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật để tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương; Tập trung cho công tác quản lý phát triển đô thị...
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/-sua-doi-quy-dinh-xu-ly-vi-pham-trong-hd-dau-tu-xay-dung-20201231000003061.html
10:30, 04/06/2021
15:08, 14/05/2021
16:30, 17/03/2021