Bộ VHTT&DL đưa ra 7 giải pháp, nhiệm vụ để phục hồi và phát triển du lịch trong \"cơn lốc Covid-19\"
Cập nhật lúc: 07/07/2021, 06:15
Cập nhật lúc: 07/07/2021, 06:15
Trước thực trạng đại dịch Covid-19 đã và đang khiến ngành du lịch Việt Nam rơi vào khủng hoảng chưa từng có, Bộ VHTT&DL cho rằng, đây là thời điểm cần để phải xây dựng chương trình hành động để ngành kinh tế xanh vượt khó và phát triển bền vững trong dài hạn.
Cụ thể, dự thảo Chương trình đề ra đề ra 7 nhiệm vụ, gồm: Tổng kết, đánh giá, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; Ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong ngành du lịch; Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững và Phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch.
Theo lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Bộ đã chủ động, kịp thời thiết kế Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 (Chương trình) theo hướng đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ để khắc phục sau khi dịch bệnh được đẩy lùi. Đồng thời thay đổi cách tư duy và tiếp cận. Đó là cơ cấu lại thị trường du lịch, tính toán để cân bằng lại thị trường khách quốc tế và nội địa để đi bằng hai chân, có tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên và lộ trình.
Ngay sau khi tổ chức một hội nghị trực tuyến để lấy ý kiến về Chương trình mới đây, Bộ VHTT&DL đã nhận được nhiều đánh giá rất tích cực khi cho rằng đây là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Đây chính là cơ hội để nhìn lại và phân tích xem dịch bệnh sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các năm tiếp theo, trong điều kiện dịch bệnh còn phát sinh thì du lịch sẽ phát triển như thế nào.
Nêu rõ yêu cầu về xây dựng Chương trình, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cũng đã nhấn mạnh, sắp tới Chương trình du lịch phải hướng tới thị trường cân bằng, bền vững giữa du lịch nội địa và đón khách quốc tế.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ cũng cho biết, Chương trình hành động cũng sẽ phải tính toán lại toàn bộ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hóa vào du lịch. Trong đó, trách nhiệm của ngành du lịch là hình thành bộ dữ liệu đủ lớn trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ khai thác, liên kết… tạo ra sản phẩm số hóa trong ngành du lịch. Đồng thời, phải luôn luôn đổi mới sản phẩm du lịch, bởi sản phẩm du lịch quyết định chất lượng du lịch nên kế hoạch phấn đấu mỗi tỉnh, thành phải có được một sản phẩm du lịch đặc sắc.
"Cần đánh giá sâu hơn nữa về ảnh hưởng của Covid-19 với du lịch trong giai đoạn sắp tới 2021-2025 và 2025-2030 để đưa ra những mục tiêu phù hợp. Đó là cần cụ thể hóa những quy định trong Luật Du lịch như những ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch để doanh nghiệp được hưởng. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã quy định nhưng chưa triển khai thực hiện như chính sách điều chỉnh giá điện, tiền thuê đất cho các cơ sở lưu trú du lịch; chính sách phát triển du lịch cộng đồng…" là một trong những ý kiến đề xuất của Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy.
Trước đó, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam ông Vũ Thế Bình đưa ra khuyến nghị, Chương trình cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề thị trường trong phát triển ngành du lịch, bởi tình hình kinh tế, xã hội hiện nay có những biến động rất khó lường.
Đặc biệt, theo ông Bình, khi chuyển đổi hoạt động du lịch quốc tế sang trang thái mới, cần phải nâng cao tỷ lệ tiêm vaccxin cho lao động trong ngành chống dịch, cần coi lao động trong lĩnh vực này cho lực lượng tuyến đầu của ngành kinh tế, đủ điều kiện hoạt động, khách cũng yên tâm. Đồng thời, công tác xúc tiến quảng bá phải ưu tiên ứng dụng công nghệ nhằm tăng tính hiệu quả và phù hợp với xu thế. Mặt khác, kích cầu trong bối cảnh bình thường mới, mục tiêu là tăng trưởng khách, kết hợp giảm giá và nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp lợi ích giữa nhà cung cấp dịch vụ trong chuỗi sản phẩm dịch vụ nhằm chia sẻ lợi ích một cách hợp lý để chúng ta tổ chức hoạt động kích cầu.
Lãnh đạo Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cũng từng cho biết, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan đến nhiều ngành kinh tế khác, bởi vậy, duy trì và khôi phục các hoạt động du lịch không chỉ là nhiệm vụ cấp bách của ngành Du lịch mà còn của cả nền kinh tế. Trong bối cảnh bình thường mới, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục hoạt động, khi du lịch Việt Nam chưa mở cửa cho khách quốc tế vào Việt Nam thì phát triển du lịch nội địa luôn là cứu cánh, là hướng tích cực để duy trì hoạt động của Ngành. Tuy nhiên, do chưa được xem là nhánh chủ lực nên du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm. Nhu cầu, sở thích, xu thế của khách du lịch nội địa, sản phẩm ưa thích của người Việt, dịch vụ phục vụ nhu cầu người Việt,... đều chưa được định hình một cách rõ ràng. Đó là những hạn chế khi phát triển du lịch nội địa.
Để khắc phục khó khăn, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp phát triển kinh doanh du lịch nội địa có hiệu quả hơn, đưa du lịch nội địa phát triển ngang hàng với du lịch inbound và outbound, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021 (Tháng 4/2021) với gần 600 doanh nghiệp du lịch trong cả nước có mặt; khẳng định quyết tâm cao của ngành Du lịch trong khôi phục du lịch, trước mắt là du lịch nội địa.
Bộ VHTT&DL hiện vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025. Chương trình nhằm xác định các nhiệm vụ trọng tâm đó là ưu tiên phát triển du lịch Việt Nam trong 5 năm 2021- 2025 để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp và người dân để tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
Trước khi xảy ra dịch Covid-19, Bộ VHTT&DL đã phấn đấu đưa du lịch Việt Nam từng bước tiếp cận với các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 08. Năm 2019, du lịch Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước với gần 10% vào GDP. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến ngành kinh tế xanh bị tổn thất rất nặng nề. Lộ trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gặp vô vàn khó khăn trước mắt.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/bo-vhttdl-dua-ra-7-giai-phap-phuc-hoi-va-phat-trien-du-lich-20201231000003006.html
14:30, 05/07/2021
06:15, 03/07/2021
06:45, 30/06/2021