19/01/2025 | 13:28 GMT+7, Hà Nội

Bộ Tài chính: Tính toán, cân đối sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết

Cập nhật lúc: 05/06/2022, 06:25

Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục tính toán, cân đối sử dụng Quỹ BOG xăng dầu để góp phần bình ổn giá xăng dầu, qua đó hỗ trợ người tiêu dùng và sản xuất kinh doanh là giải pháp cần thiết.

Dù được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, nhưng gần đây, giá xăng tiếp tục tăng và “neo” ở mức cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, với diễn biến giá khó đoán như hiện nay, để “chặn” đà tăng của giá xăng dầu, nhà điều hành cần tính toán vận hành Quỹ Bình ổn xăng dầu cho phù hợp, để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Bộ Tài chính: Tính toán, cân đối sử dụng Quỹ BOG là cần thiết
Bộ Tài chính: Tính toán, cân đối sử dụng Quỹ BOG là cần thiết

Về vấn đề này, trong một báo cáo phát đi ngày 4/6, Bộ Tài chính cho biết, về trách nhiệm của Bộ này, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều giải pháp nhằm “kiềm cương” giá xăng dầu, như giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.

Trong khi đó, việc chủ trì điều hành Quỹ BOG thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chỉ là đơn vị phối hợp để điều hành quỹ này.

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, thị trường thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt do xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động đến nguồn cung và tăng giá bán xăng dầu trên thị trường thế giới.

Để giảm tác động của giá thế giới tăng đến giá xăng dầu trong nước, trong thời gian qua, Quỹ BOG đã được điều hành linh hoạt (giảm mức trích, tăng mức sử dụng), qua đó góp phần bình ổn giá xăng dầu, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tiếp tục biến động phức tạp như hiện nay, việc tiếp tục tính toán, cân đối sử dụng Quỹ BOG xăng dầu để góp phần bình ổn giá xăng dầu, qua đó hỗ trợ người tiêu dùng và sản xuất kinh doanh là giải pháp cần thiết.
 Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, giá bán xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. 

Công tác điều hành giá xăng dầu trong nước đang bám sát theo diễn biến giá xăng dầu thế giới. Đồng thời, sử dụng linh hoạt sử dụng Quỹ BOG để hạn chế tối đa mức tăng giá xăng dầu trong nước.

Hiện, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu trong nước so với mức giá kỳ điều hành ngày 11/01/2022 tăng khoảng từ 25,89% đến 42,40%, thấp hơn so với tốc độ tăng của giá xăng dầu thành phẩm thế giới khoảng từ 42,90% đến 56,97%.

Qua đó, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp, hỗ trợ đời sống của người dân, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 

Về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ Tài chính nhấn mạnh: Những giải pháp đồng bộ như Bộ Công Thương đang triển khai là cần thiết, trong đó có các giải pháp về đảm bảo nguồn cung; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý. 

Về điều hành giá, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và làm tốt công tác dự báo; đồng thời tiếp tục cân đối sử dụng công cụ tài chính là Quỹ BOG một cách linh hoạt, hiệu quả để hạn chế trường hợp tăng đột biến về giá. 

Ngoài ra, tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá xăng dầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Nguồn: https://congluan.vn/bo-tai-chinh-tinh-toan-can-doi-su-dung-quy-binh-on-gia-xang-dau-la-can-thiet-post197803.html