19/01/2025 | 10:19 GMT+7, Hà Nội

Bình Thuận: Cuộc bứt phá trong bất động sản nghỉ dưỡng

Cập nhật lúc: 08/02/2019, 19:00

Nổi tiếng với tiềm năng du lịch lớn, năm 2018, bất động sản nghỉ dưỡng tại Bình Thuận đã chứng kiến cuộc đổ bộ của hàng loạt các doanh nghiệp địa ốc lớn. Giới đầu tư cho rằng, năm 2019, Bình Thuận sẽ sớm dẫn đầu trong danh sách các điểm hút dòng vốn đầu tư.

Tiềm lực từ bất động sản nghỉ dưỡng

Một trong những điểm nhắm đến của các đại gia bất động sản khi tới Bình Thuận, đó là Phan Thiết. Nổi tiếng với đường bờ biển dài, cát mịn, bãi biển xanh, Phan Thiết còn là nơi lưu trữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Chăm mà du khách đặc biệt yêu thích.

Cũng theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Thuận, số lượng khách đến nơi đây tăng mạnh theo từng năm. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Bình Thuận đón khoảng 5,7 triệu lượt du khách (tăng 12% so với năm 2017), trong đó khách quốc tế là 670.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt hơn 12.800 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2017.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nơi đây, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc CBRE nhấn mạnh, Bình Thuận vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển cho các nhà đầu tư.

Cũng theo ghi nhận của CBRE, công suất cho thuê phòng của các khách sạn 4 - 5 sao tại khu vực Phan Thiết đạt gần 65%, tương đương với Hạ Long - Phú Quốc và cao hơn so với Nha Trang, Đà Nẵng. Cụ thể, nếu như các thị trường cấp I có số phòng khách sạn 4 - 5 sao dao động trong khoảng 4.380 - 9.204 căn, thì toàn tỉnh Bình Thuận mới có khoảng 3.000 căn, với đa phần các khách sạn tập trung tại khu vực Mũi Né, Phan Thiết.

Trong khi đó, báo cáo năm 2018 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện tại, số lượng phòng khách sạn condotel tại Bình Thuận mới đạt 323 căn, chiếm 3,8% số lượng condotel trong cả nước. Đây vẫn là một con số khá khiếm tốn so với tiềm năng đón lượng khách du lịch tới Bình Thuận.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Từ những số liệu cho thấy, lượng cung trong bất động sản nghỉ dưỡng tại Bình Thuận vẫn còn chưa tạo ra sức bật cả về chất lượng cũng như số lượng so với tiềm năng du lịch vốn có.

Lý giải về vấn đề này, chia sẻ với báo chí, TS. Trần Nguyễn Minh Hải - chuyên gia địa ốc của trường Đại học Ngân hàng cho rằng, ngoài vấn đề dừng xây dựng các dự án để triển khai cảng Kê Gà, thì sự hạn chế về hạ tầng đã khiến du lịch Phan Thiết kém phát triển, chủ yếu thu hút khách lân cận ở Sài Gòn.

Cũng theo nhận định của giới đầu tư, hạ tầng giao thông đang là điểm vướng khiến thị trường bất động sản nơi đây chưa bứt phá.

Sự bùng nổ của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng

Dù sở hữu một tiềm lực lớn trong du lịch song phải đến giai đoạn nửa cuối năm 2018, cái tên Phan Thiết (Bình Thuận) mới thực sự nổi lên trong thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Động lực để thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển xuất phát từ các tín hiệu tốt về hệ thống hạ tầng giao thông.

Thông tin đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Phan Thiết còn khoảng hơn 3 tiếng đã mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vận hành sẽ kéo giảm thời gian này xuống thấp hơn, chỉ còn khoảng 1,5 tiếng. Đặc biệt, sự kiện sân bay Phan Thiết được đầu tư xây dựng với tổng mức vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng đang hứa hẹn mang tới một mạng lưới giao thông hoàn hảo.

Ngoài ra, điểm cộng với các nhà đầu tư đó chính là sự chủ động của chính quyền địa phương. Để tăng lượng khách tới Bình Thuận, các cơ quan chức năng nơi đây đã liên kết với các đơn vị lữ hành nước ngoài, đưa khách quốc tế về với Mũi Né. Chính sách của chính quyền địa phương đưa ra nhằm tạo ra nguồn khách ổn định, thay vì trông chờ và nguồn khách vãng lai. Ngoài ra, các thủ tục hành chính, giấy phép đầu tư... cũng đang ngày càng đơn giản hoá để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp. Đó cũng là lý do khiến giai đoạn cuối năm, hàng loạt các ông lớn bất động sản đã đổ bộ vào Bình Thuận.

Thị trường bất động sản đầu năm 2019 đang chờ đón sự xuất hiện của dự án Dubai của Tập đoàn TTC với diện tích 1.000ha, dự án FLC Mũi Né & Beach Resrot thuộc Tập đoàn FLC. Trước đó, dự án Novahills với quy mô trên 40ha và tổng số vốn đầu tư là 6.000 tỷ đồng do Novaland làm chủ đầu tư cũng đã mở ra hứa hẹn về sự nâng cấp hạ tầng du lịch tại Phan Thiết. Ngoài ra, Goldsand Hill Villas có quy mô 9ha mặt biển Mũi Né - Phan Thiết của Tập đoàn Lộc Tú cũng góp mặt vào sự kiến thiết bộ mặt thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Bình Thuận.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Bình Thuận, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE đã nhận định rằng: "Một thời gian chúng ta nghĩ Mũi Né - Bình Thuận là thị trường "ngủ đông", bởi sự nổi lên quá mạnh mẽ của các thị trường khác. Nhưng gần đây, một loạt các chính sách cũng như tin tức lạc quan về hạ tầng đã giúp Phan Thiết lấy lại địa vị của mình là một trong những thủ đô resort của Việt Nam".

Triệu Vương