19/01/2025 | 12:17 GMT+7, Hà Nội

Bất động sản Việt Nam ghi nhận kỷ lục mới về thu hút vốn FDI

Cập nhật lúc: 15/09/2022, 06:28

Các nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư tại Việt Nam, cụ thể là lĩnh vực bất động sản. Do đó, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không ngừng gia tăng.

Bất động sản Việt Nam tiếp tục là “miếng bánh” hấp dẫn

Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn gần 16,8 tỷ USD vào Việt Nam trong 8 tháng năm 2022. Đáng chú ý là số vốn ngoại đầu tư trực tiếp (FDI) rót vào ngành kinh doanh bất động sản lại tăng vọt với hơn 3,3 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số đăng ký này đã tăng cao hơn gấp đôi so với số vốn 1,6 tỷ USD mà ngành bất động sản thu hút được của 8 tháng năm 2021.

Còn theo đơn vị nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield, Việt Nam ghi nhận một kỷ lục mới về vốn từ nhà đầu tư nước ngoài giải ngân vào Việt Nam. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, bất động sản vẫn là phân khúc đứng thứ hai, chiếm gần 30% tổng vốn với các nhà đầu tư hàng đầu đến từ Singapore, Nhật Bản, Đan Mạch, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong một cuộc khảo sát mới đây, đơn vị này cho biết có hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và nhì trong nhóm các thị trường mới nổi. Cụ thể, Việt Nam chiếm gần 80% số phiếu bầu cho hai vị trí ưu tiên, theo sau là 75% cho Ấn Độ.

Việt Nam chiếm gần 80% số phiếu bầu cho hai vị trí ưu tiên, theo sau là 75% cho Ấn Độ (Nguồn: Cushman & Wakefield)
Việt Nam chiếm gần 80% số phiếu bầu cho hai vị trí ưu tiên, theo sau là 75% cho Ấn Độ (Nguồn: Cushman & Wakefield)

Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield, nhận định: "Để gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh,như đường cao tốc và cảng biển quan trọng đối với nền kinh tế. Hệ thống cơ sở hạ tầng đang được cải thiện nhanh chóng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự phát triển đáng kể trong lĩnh vực Logistics - hậu cần ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có kế hoạch hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn đầu tiên của sân bay quốc tế Long Thành, đường ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang, các tuyến metro ở cả 2 miền Bắc và miền Nam…

Nhờ những nỗ lực trong nhiều năm qua, Việt Nam được coi là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới”.

Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield

Vị chuyên gia còn cho biết thêm, những lo ngại về bất ổn kinh tế vĩ mô trên toàn cầu đã làm chậm các hoạt động đầu tư từ đầu năm nay. Với tình hình lãi suất và lạm phát tăng đã khiến nhà đầu tư phần nào “chùn chân” và cẩn trọng xem xét lại các danh mục đầu tư.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục triển khai vốn vào những dự án mà họ đã cam kết trước đó. Bởi họ tin rằng dòng vốn chảy vào thị trường Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam sẽ dần ổn định lại khi đã thích ứng được với những tác động của yếu tố vĩ mô.

Còn theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam, hiện tại việc kêu gọi vốn thông qua hình thức M&A vẫn được các doanh nghiệp trong nước lựa chọn. Việc liên kết giữa các nguồn lực tài chính khác nhau giúp cho doanh nghiệp cải thiện năng lực phát triển các dự án và thu hút nguồn khách hàng mới do các nhà đầu tư nước ngoài đem lại.

Đáng chu ý, ông Khương chỉ ra 5 tác động tích cực của FDI vào thị trường địa ốc trong nước.

Thứ nhất, vốn FDI đem lại nguồn lực về vốn khá lớn, giúp thị trường giảm bớt sự phụ thuộc vào dòng vốn nội tại của thị trường nội địa.

Thứ hai, sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại sẽ đem tới thị trường những kinh nghiệm chuyên môn sâu rộng, thúc đẩy cải cách và phát triển ở tất cả các lĩnh vực và phân khúc, giúp đưa thị trường Việt Nam đến gần hơn với các nước phát triển trong khu vực.

Thứ ba, các ý kiến và quan điểm cũng như chiến lược ngắn và dài hạn khác nhau từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước là một yếu tố quan trọng để đem lại sự cân bằng về cách đầu tư, sản phẩm và thanh khoản tốt, từ đó thị trường có thể tăng trưởng một cách khỏe mạnh.

Thứ tư, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ làm tăng tính cạnh tranh, cả lĩnh vực phân phối và phát triển, sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng, người mua nhà.

Thứ năm, việc hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm áp lực lệ thuộc ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản. Hệ thống tài chính ngân hàng sẽ có thể sử dụng nguồn vốn cho các lĩnh vực khác như nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ, thay vì tập trung vào khu vực phát triển bất động sản.

Nhà đầu tư “săn lùng” nhiều sản phẩm

Cuộc khảo sát Cushman & Wakefield cũng dò hỏi tâm lý nhà đầu tư sẽ đầu tư vào phân khúc nào với 1 tỷ USD trong tay, 25% các nhà đầu tư cho biết sẽ triển khai vốn vào phân khúc logistics, theo sau đó là các phân khúc văn phòng và phi truyền thống như trung tâm dữ liệu (data center) và nhà ở đa thế hệ.

Bảng khảo sát: Nhà đầu tư toàn cầu sẽ làm gì với với 1 tỷ USD trong tay? (Nguồn: Cushman & Wakefield)
Bảng khảo sát: Nhà đầu tư toàn cầu sẽ làm gì với với 1 tỷ USD trong tay? (Nguồn: Cushman & Wakefield)

Cụ thể, hơn 35% nhà đầu tư tin rằng lĩnh vực logistics về cơ bản vẫn chưa đủ nguồn cung đáp ứng thị trường, 30% nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng tích cực. Với lĩnh vực nhà ở, các nhà đầu tư phải suy nghĩ chiến lược và nhìn xa hơn đối với phân khúc bất động sản đa thế hệ. Minh chứng là tại Nhật Bản, dân số già đang thúc đẩy phân khúc nhà ở cho người cao tuổi. Ở Úc, chính sách hỗ trợ của chính phủ đã thúc đẩy đầu tư vào ngành chăm sóc trẻ em ở Úc. Do đó, nhà ở tại Việt Nam cũng không nằm ngoài các xu hướng này.

Ghi nhận từ những người trong ngành cho hay, ở các thị trường ven biển như Đà Nẵng, Phú Quốc, phân khúc được các nhà đầu tư nước ngoài yêu thích là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vì doanh thu hấp dẫn. Trong khi đó, ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, các thương hiệu khách sạn quốc tế, căn hộ dịch vụ là mục tiêu mà nhóm nhà đầu tư này hướng tới.

Riêng loại hình chung cư và văn phòng của Việt Nam vẫn khá hấp dẫn. Bởi nhu cầu của khách hàng ngày một cao trong khi giá thành vẫn hợp lý khi so sánh các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM với các thị trường lân cận như Singapore, Thượng Hải, Thâm Quyến…

Đặc biệt, không thể không kể đến sự bứt phá của bất động sản công nghiệp, hứa hẹn sẽ trở thành điểm sáng của ngành bất động sản trong thời gian sắp tới.

Theo bà Trang Bùi, trong khi nhà đầu tư trong nước thường ưu tiên mua lại các khu đất để phát triển dự án, thì nhà đầu tư ngoại chủ yếu tập trung vào các dự án đang hoạt động tạo ra lợi nhuận tốt hoặc liên danh với đối tác nội địa danh tiếng. Bà đánh giá sự phát triển của các quỹ đầu tư tư nhân đang cung cấp nguồn vốn dồi dào cho các thương vụ M&A.

“Có thể nói tất cả các phân khúc trên thị trường hiện nay đều sẽ được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm xem xét. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng phân khúc nhà ở và công nghiệp sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm nhất từ nhà đầu tư cũng như chủ đầu tư tại thị trường TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận”, bà Trang Bùi nhìn nhận./.

Nguồn: https://reatimes.vn/bat-dong-san-viet-nam-ghi-nhan-ky-luc-moi-ve-thu-hut-von-fdi-20201224000014416.html