18/01/2025 | 20:06 GMT+7, Hà Nội

Bất động sản nghỉ dưỡng: Đừng nghĩ là chỉ xây phòng

Cập nhật lúc: 02/05/2019, 06:00

Bất động sản nghỉ dưỡng luôn có mức tăng trưởng ổn định trong những năm qua nhưng để tăng lượng khách có thời gian lưu trú lâu dài, sản phẩm này cần thêm nhiều dịch vụ và trải nghiệm đặc trưng khác.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, nước ta có nhiều lợi thế để thu hút du khách quốc tế, nhất là bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp bậc nhất trên thế giới, cộng thêm các danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, lịch sử; ẩm thực đa dạng và thiên nhiên hoang sơ vốn được người dân châu Âu, Úc, Mỹ yêu thích.

Hàng năm, du lịch Việt Nam tăng trưởng trung bình trên 20%, với 15,5 triệu lượt khách năm 2018, trong đó có tới 12 triệu đến từ thị trường châu Á (chiếm 77,9%) 13,1% đến từ châu Âu, 903.000 lượt đến từ châu Mỹ và châu Úc. Chỉ tính riêng trong 3 năm 2015 - 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 2 lần. Đây là tiền đề quan trọng kích thích sự bùng nổ của bất động sản nghỉ dưỡng. Đáng chú ý, nguồn khách du lịch không chỉ gia tăng về lượng mà còn có những chuyển biến về chất, tất yếu tác động đến sự phát triển của các mô hình lưu trú.

Cụ thể, khách du lịch ngày càng quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến. Họ sẽ lưu lại dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị và ngược lại. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư bất động sản du lịch cần chú trọng phát triển loại hình lưu trú phù hợp cũng như các loại hình hoạt động và trải nghiệm du lịch. Các dự án bất động sản du lịch có thể sẽ gắn với nhiều tiện ích như casino, giải trí, thể thao, sự kiện, nghệ thuật, games và các hoạt động giao lưu văn hóa địa phương...

Trải nghiệm lặn ngắm san hô ở Phú Quốc

Trải nghiệm lặn ngắm san hô ở Phú Quốc

Theo ông Phạm Hà, Giám đốc Luxury Travel nhận định: “Thời gian lưu trú của khách du lịch đã thay đổi nhanh chóng trong những năm gần đây. Song nhiều chủ đầu tư vẫn đang bỏ quên khâu vô cùng quan trọng là nghiên cứu và phát triển sản phẩm gắn với dịch vụ trải nghiệm. Còn nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn tư duy có tiền xây khách sạn và khách sẽ đến nhưng thực tế là ít đến, thậm chí khách không đến”.

Theo ông Hà lý giải, hiện nay khách du lịch đa số muốn được trải nghiệm độc đáo tại điểm đến thú vị và mang về những ký ức. Khi phát triển một cơ sở lưu trú cần phải thổi hồn vào đó để khách có lý do đến, trải nghiệm và muốn nghe câu chuyện bản địa hoặc của chủ nhân. Bản thân cơ sở lưu trú phải là một câu chuyện hay để nghe và khám phá, trải nghiệm trước khi khám phá các địa danh và hoạt động khác xung quanh khu lưu trú tại điểm đến.

Một dự án dụ lịch chỉ thành công khi có 8 điểm khác biệt gồm: không chỉ xây phòng mà cần đảm bảo sự riêng tư; ẩm thực độc đáo; các hoạt động tại khu nghỉ; kết nối văn hoá bản địa; làm giàu có mặt tinh thần; tĩnh dưỡng; thiền định và tạo cảm hứng sáng tạo mới.

Ông Hà nhấn mạnh: “Du khách giờ hiểu rất sâu về điểm đến, biết chính xác bản thân muốn gì. Thậm chí, phòng nào trong khách sạn Metropole Legend Hanoi Hotel đã từng có người nổi tiếng ở hay du thuyền nào đẹp nhất vịnh Hạ Long họ cũng biết nên không thể làm tour thăm thú chung chung được. Nhiều du khách có những yêu cầu tour rất cụ thể như từ Hà Nội đi trực thăng xuống Hạ Long hoặc đi bằng thủy phi cơ, gặp gỡ nhà sử học, ăn ở quán ăn mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng ăn ở Hà Nội, hay tham gia tour nghệ thuật có buổi gặp gỡ với họa sĩ trong nước như Phạm Lực... Khu du lịch hút khách không chỉ tạo ra sự khác biệt mà phải có sự độc đáo, đừng chỉ xây phòng khách sạn, hãy xây trải nghiệm và câu chuyện. Nếu doanh nghiệp có thể tạo ra những sản phẩm tốt và thành nhà cung cấp dịch vụ trải nghiệm đặc trưng thì sẽ có cơ hội”.

Theo ông Kai Marcus Schroter, CEO Hospitality Tourism Management phân tích một trong những điểm yếu của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam là quy hoạch tổng thể chưa phù hợp, tiêu chuẩn xây dựng chưa đầy đủ và thiếu tính khác biệt. Do đó, 90% các dự án về du lịch được địa phương kêu gọi đầu tư đều không khả thi.

Vị Giám đốc khách sạn này cũng nhấn mạnh: “Bất động sản du lịch Việt Nam thiếu và yếu nhất là giải quyết vấn đề hạ tầng công và vấn đề bảo vệ môi trường. Ví như tại Phú Quốc, có rất nhiều dự án đẹp nhưng chủ đầu tư lại quên đi câu chuyện môi trường, nhiều nơi ở khu du lịch có rác thải không được xử lý. Do đó, Chính phủ Việt Nam nên cân bằng giữa lợi ích đầu tư tư nhân với lợi ích của cộng đồng. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có hệ thống chia sẻ chi phí đầu tư hạ tầng công với các nhà đầu tư tư nhân. Cụ thể, khi được cấp phép triển khai dự án, cần phải có hệ thống xử lý chất thải, đồng nghĩ với việc Chính phủ và nhà đầu tư cùng chia sẻ gánh nặng với nhau. Có như vậy mới thể hiện được trách nhiệm với cộng đồng, bảo vệ được môi trường sống”.

An Vũ