19/01/2025 | 15:24 GMT+7, Hà Nội

Bất động sản mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng do đại dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 27/11/2021, 10:54

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản bị mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng ở nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tại Hội thảo “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay” diễn ra tại Hà Nội mới đây, các chuyên gia bất động sản đã có nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản Việt Nam sau đại dịch.

Các đánh giá chung cho thấy, thị trường bất động sản năm qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhất là quý III/2021. Nguồn cung đã sụt giảm từ những năm trước, tiếp tục bị sụt giảm bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Giao dịch trên thị trường thường xuyên đối mặt với tình trạng đứt gãy, gián đoạn. Trạng thái của thị trường thay đổi nhiều và mạnh, có giai đoạn sốt cao, có giai đoạn trầm lắng.

Mất cân đối cung - cầu rất nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Giá bất động sản nói chung đã leo thang và leo ở mức cao tại các thành phố lớn. Tại TP. Hồ Chí Minh giá bất động sản hiện nay tăng gấp 2 lần và không có dấu hiệu giảm.

Đại dịch Covid-19 khiến kinh tế bị đình trệ, đứt gãy dẫn đến suy yếu; nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải dừng hoạt động, thậm chí phá sản, giải thể, liên tục phải dừng mọi hoạt động đầu tư xây dựng bán dự án.

Bất động sản mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng do đại dịch Covid-19
Bất động sản mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng do đại dịch Covid-19

Thị trường cũng chứng kiến tình trạng đứt gãy cung ứng nguyên vật liệu – thiết bị; khó khăn thực hiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian phê duyệt – cấp phép xây dựng; vướng mắc quy định pháp luật dẫn đến không thể phê duyệt hồ sơ đầu tư dự án. Từ đó dẫn tới hệ quả: Khó cải thiện nguồn cung cho thị trường bất động sản. Chủ đầu tư dự án bất động sản khó khăn thu hồi vốn đầu tư, nhưng vẫn phải duy trì cho dự án.

Với thị trường bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng, chính sách hỗ trợ cho phát triển bất động sản du lịch chưa được quan tâm đúng mức; Chính sách hỗ trợ khó khăn của các khu bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 chưa tương xứng; Chính sách về pháp lý cho đầu tư sản phẩm bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng chưa đủ để an tâm các nhà đầu tư tham gia vào thị trường này; Thiếu cơ chế chính sách thu hút vốn ngoại, đầu tư vào sản phẩm bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng trong nước.

Với hoạt động giao dịch thị trường, không thể tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, mở bán, chào bán sản phẩm bất động sản do ở nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. Khó tiến hành tiếp xúc, giao dịch, tư vấn khách hàng do e ngại và hạn chế tiếp xúc vì dịch bệnh. Nhà đầu tư ở các địa phương khó đi lại để tiếp cận thực tế và giao nhận bất động sản vì hạn chế di chuyển. Hệ quả là giảm đáng kể lượng giao dịch, giảm nguồn thu cho cả doanh nghiệp lẫn ngân sách thông qua thuế.

Tiếp tục rà soát mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật, rào cản thủ tục phê duyệt đầu tư dự án bất động sản để có quyết định tháo gỡ kịp thời, trước khi đợi sửa luật. Thành lập cơ quan chuyên biệt có năng lực và khả năng tiếp nhận, xử lý vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ nhằm hỗ trợ cho các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục phê duyệt đầu tư các dự án. Đôn đốc các địa phương đẩy mạnh tiến độ phê duyệt thủ tục đầu tư cho các dự án bất động sản. Xử lý các địa phương không tích cực hỗ trợ các đơn vị phát triển, để tồn đọng và kéo dài nhiều hồ sơ, thủ tục dự án đầu tư bất động sản.

Để ổn định thị trường giao dịch bất động sản, cần công bố thông tin dữ liệu về các dự án bất động sản được chấp thuận đầu tư, kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất đai tại địa phương, dự án được phép giao dịch trên thị trường, biến động giá bất động sản …

Ngoài ra, nguồn cung trên thị trường BĐS được đánh giá là chưa có nhiều cải thiện. Do thủ tục đầu tư vẫn chưa thể tháo gỡ triệt để vướng mắc, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Xu hướng giá bất động sản có thể tiếp tục tăng ở mức cao, do nguồn cung yếu và áp lực mạnh.

Lực cầu vẫn được duy trì, thậm chí có thể mạnh hơn. Đầu tư nên hút vào thị trường này. Đất nền và bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng tiếp tục được các nhà đầu tư quan tâm nhiều; Bất động sản công nghiệp sẽ tăng trưởng tốt; Bất động sản bán lẻ sẽ ổn định và xu hướng sẽ tăng trưởng.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/bat-dong-san-mat-can-doi-cung-cau-nghiem-trong-do-dai-dich-covid-19-61400.html