29/03/2024 | 18:55 GMT+7, Hà Nội

Bất động sản công nghiệp vẫn sôi động bất chấp “đại dịch” Covid-19

Cập nhật lúc: 23/02/2020, 09:01

Dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nói chung, song loại hình bất động sản công nghiệp vẫn hết sức sôi động, nhiều dự án vẫn được khởi công.

Năm 2020 được dự báo sẽ là một năm khó khăn của ngành bất động sản và sẽ khó hơn khi dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra tại Việt Nam. Nhận thấy rõ nét nhất là sự ảnh hưởng tới ngành du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng và có thể sẽ còn kéo dài tới quý II/2020, gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư.

Trong khi đó, ở những phân khúc bất động sản khác theo các chuyên gia dự báo sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi dịch bệnh corona như bất động sản khu công nghiệp và mảng cho thuê. Quan sát thị trường có thể thấy, hàng loạt dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quyết định thành lập, khởi công xây dựng ở các địa phương.

Điển hình như, UBND TP. Thanh Hoá mới đây quyết định thành lập cụm công nghiệp Vân Du, huyện Thạch Thành với diện tích 50ha, tổng mức đầu tư 275 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động là cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông lâm thuỷ sản; sản xuất máy móc thiết bị nông, lâm nghiệp, hàng tiêu dùng, thuốc tân dược, phân bón hữu cơ, may mặc, da giày và các ngành nghề khác có liên quan.

Thị trường bất động sản công nghiệp Bắc Ninh cũng sôi động với 2 dự án mới. Khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn giai đoạn 2 nằm trong tổng thể Khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn được UBND tỉnh Bắc Ninh giao cho CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (thành viên của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc) làm chủ đầu tư. Diện tích của khu công nghiệp này là 95,8ha, tổng vốn đầu tư 1.097 tỷ đồng.

Tổng Công ty Viglacera cũng vừa khởi công xây dựng khu công nghiệp Yên Phong II-C tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Yên Phong II-C có quy mô 221ha, tổng mức đầu tư 2.234 tỷ đồng, được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 11/9/2018. Dự kiến, khu công nghiệp này sẽ tập trung thu hút đầu tư đa ngành, chủ yếu là các dự án theo tiêu chí “3 cao, 2 ít”: Công nghệ cao, vốn đầu tư cao, đóng góp ngân sách cao và sử dụng ít đất, ít lao động.

MASVN dự báo năm 2020, một số ngành lĩnh vực sẽ giảm tốc như dệt may, máy móc, thiết bị, điện thoại

Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) mới đây đưa ra dự báo dịch nCoV sẽ không ảnh hưởng đến các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp. Nhu cầu thuê đất khu công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhờ vốn đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh và chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc.

Báo cáo "Triển vọng ngành bất động sản: Thận trọng là chủ đạo trong năm 2020" do Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) công bố cho biết thị trường bất động sản công nghiệp đang phát triển.

Theo MASVN, hiện tại cả nước có 326 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 95.500ha, trong đó hơn 65.500ha là đất công nghiệp. Từ hưởng lợi nhờ kinh tế vĩ mô và chiến tranh thương mại, giá cho thuê và tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tăng cao. Tại miền Bắc, tỷ lệ lấp đầy đối với đất công nghiệp đạt 85,7%, nhà xưởng xây sẵn đạt 91%; tại miền Nam tương ứng là 90% và 80%.

Cùng với đó, giá thuê bất động sản công nghiệp cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Hiện, giá thuê đất công nghiệp tại miền Bắc là 88,2 USD/m2/chu kỳ thuê, nhà xưởng xây sẵn 4,8 USD/m2/tháng, ở miền Nam là 132 USD/m2 và 4,5 USD/m2. Mức giá này đã tăng khoảng 30 - 40% so với 2 - 3 năm trước đó.

Chiến tranh thương mại đã ảnh hưởng tích cực đến lĩnh vực bất động sản công nghiệp. “Thị trường này được hưởng lợi từ việc dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc trong tương lai ngắn và trung hạn”, MASVN nhận định.

MASVN dự báo năm 2020, một số ngành lĩnh vực sẽ giảm tốc như dệt may, máy móc, thiết bị, điện thoại…, nhưng tăng trưởng từ ngành ô tô dự kiến sẽ tạo ra cú hích cho phân khúc bất động sản khu công nghiệp.

Điều này được thể hiện qua việc một loạt hãng ô tô mở rộng sản xuất, xây thêm nhà máy như VinFast xây nhà máy tại Hải Phòng (335ha), Toyota Vietnam mở rộng nhà máy tại Vĩnh Phúc (9,1ha), Huyndai mở rộng nhà máy tại Ninh Bình (100ha), Thaco xây thêm nhà máy Mazda tại Quảng Nam (30ha), Mitsubishi xây dựng nhà máy thứ 2 tại Nghệ An.

Điểm nhấn nữa là nguồn cung bất động sản công nghiệp 2020 sẽ gia tăng. Với thực trạng nhu cầu tăng cao và giá cho thuê ngày một cao như hiện nay, đang có một làn sóng xây dựng và mở rộng khu công nghiệp với hơn 13.000ha ở miền Bắc và 18.000ha ở miền Nam sắp được đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, mới đây Hiệp định thương mại tự do EVFTA đã được Nghị viện châu Âu thông qua, sẽ là động lực lớn cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: “Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển, dần trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á”.

Do đó, theo ông Nguyễn Trần Nam, cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.