22/11/2024 | 11:07 GMT+7, Hà Nội

Bất chấp giảm tốc, thị trường bất động sản 2019 vẫn ổn định

Cập nhật lúc: 28/11/2019, 19:00

Dù thị trường bất động sản năm 2019 ghi nhận những con số giảm tốc, song các chuyên gia cho rằng, quỹ đạo vận động của thị trường đang đi vào chiều sâu.

Thị trường bất động sản 2019 còn nhiều vướng mắc

Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên vừa được tổ chức, đánh giá về thị trường bất động sản trong năm 2019, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng: “Sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro; tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương; cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu quy định”.

Thứ trưởng Hùng cũng cho hay, tại một số địa phương xảy ra tình trạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật khác có liên quan như: Doanh nghiệp triển khai việc chuyển nhượng đất đai, thực hiện quy hoạch và dự án kinh doanh bất động sản trái quy định; thực hiện các dự án phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý, gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra bức tranh chung của thị trường 2019. Cụ thế, đa số doanh nghiệp bất động sản Việt Nam quy mô vẫn còn khá nhỏ, nguồn vốn phát triển chủ yếu là vốn vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Trong khi đó, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hạn chế dòng vốn vay cho thị trường bất động sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định. 

Bên cạnh đó, do những vướng mắc về mặt pháp lý, một số phân khúc như condotel, officetel không còn sôi động như giai đoạn trước. Ngoài ra, việc thực hiện những quy định về quy hoạch, xây dựng, đất đai, giải phóng mặt bằng…, kể cả thủ tục hành chính cũng được siết chặt, cũng làm giảm mạnh các dự án được phê duyệt và triển khai.

Bởi vướng mắc đó mà thị trường bất động sản năm 2019 đã gặp những khó khăn và có dấu hiệu của sự giảm tốc. Ông Nam cho biết, số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chỉ ra, trong quý III/2019, thị trường bất động sản vẫn đi theo chiều hướng giảm, nhất là Hà Nội, TP.HCM. Cụ thể, tại Hà Nội, ở phân khúc căn hộ, nếu so với quý II năm nay, tổng số sản phẩm mới được chào bán ra thị trường ở Quý III đã giảm hơn 2.200 căn và giảm hơn 4.000 căn so với cùng kỳ năm trước. 

Ở các tỉnh, thành phố lân cận với Hà Nội, dù được đánh giá như những “miền đất hứa” nhưng nguồn cung và tỷ lệ giao dịch thành công cũng không mấy khả quan. Tại địa bàn mới như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… lượng cung bất động sản tương đối ít.

... nhưng vẫn tươi sáng

Mặc dù còn nhiều vướng mắc, song lãnh đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vẫn nhận định, thị trường đang đi vào chiều sâu và ổn định.

Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản khẳng định: “Thị trường ngày càng phát triển ổn định, đi vào chiều sâu. Các nhu cầu bất động sản cao tạo ra tính thanh khoản tốt”.

Đại diện các doanh nghiệp cũng đồng quan điểm nhận định, thị trường bất động sản 2019 đã đi vào quỹ đạo ổn định.

“Những năm qua thị trường ổn định và năm 2019 đã tăng trưởng so với năm trước. Đóng góp của bất động sản vào GDP liên tục tăng. Về tổng quan thị trường 6 tháng đầu năm vẫn phát triển tốt, chỉ từ quý III thị trường có chững lại”, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group cho hay.

Liên quan đến vấn đề thể chế, ông Bình nhấn mạnh, hành lang pháp lý về bất động sản đang ngày càng hoàn thiện, dù còn nhiều khó khăn nhưng đã tốt, minh bạch, ổn định và bền vững hơn.

Trong khi đó, ông Trương Anh Tú, Giám đốc khối kinh doanh, tiếp thị và dịch vụ khách hàng, Phúc Khang Corporation cho rằng, những vấn đề về pháp lý khiến thị trường chậm lại cũng chính là một yếu tố tích cực. “Đây là cơ hội để chúng ta cùng nhìn nhận lại thị trường. Các doanh nghiệp cũng cần nhân cơ hội này để đánh giá lại hành vi của mình trong các chiến lược phát triển. Nhờ vậy mà thị trường về trung hạn và dài hạn sẽ có thể có những yếu tố ổn định và lành mạnh"./.