19/01/2025 | 13:29 GMT+7, Hà Nội

Bất chấp đại dịch, Grab vẫn không thay đổi kế hoạch IPO

Cập nhật lúc: 16/11/2020, 11:40

Mặc cho đại dịch Covid-19 hoành hành, Grab vẫn không thay đổi kế hoạch IPO trong tương lai.

Thay vào đó, Grab đã điều chỉnh nhiều chiến lược trong đại dịch, Nikkei đưa tin.

Ông Ming Maa, Chủ tịch Grab chia sẻ với tờ báo rằng, kế hoạch và thời gian chúng tôi thực hiện IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu và đưa lên sàn chứng khoán) trong tương lai không có gì thay đổi.

Ở thời điểm hiện tại, Grab chưa công bố thời điểm thực hiện IPO. Dù vậy, Grab sẽ phải thực hiện thanh toán số tiền hơn 2 tỉ USD cho Uber nếu không IPO trước thời điểm tháng 3/2023.

Đây là một phần thỏa thuận khi Grab thâu tóm mảng vận hành và kinh doanh của Uber ở Đông Nam Á đổi lại bằng cổ phần vào năm 2018. Đến cuối năm 2018, Uber có 23,2% cổ phần Grab.

Ông Ming Maa, Chủ tịch Grab, trong sự kiện trực tuyến của DealStreetAsia. Ảnh: Nikkei

Về phần mình, ông Ming Maa nhấn mạnh Grab đang có "mối quan hệ mang tính xây dựng" với công ty công nghệ Mỹ. "Uber, giống nhiều cổ đông của chúng tôi, muốn chúng tôi tránh các rắc rối trong giai đoạn khó khăn. Họ muốn chúng tôi mang các dịch vụ tốt nhất đến khách hàng", ông nhấn mạnh. Ông Ming Maa nói Grab sẽ "IPO sẽ tới vào thời điểm phù hợp".

Tại nhiều nơi trên thế giới, nhiều công ty công nghệ đang thăng hoa nhờ thị trường chứng khoán hưng phấn trong đại dịch. Ở Đông Nam Á, SEA (đơn vị chủ quản của Shopee và Garena) đón giá cổ phiếu tăng tới 4 lần từ thời điểm đầu năm nay.

Khi được hỏi về trường hợp của SEA, ông Maa nói: "Tôi hi vọng đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang nhận biết và coi trọng thị trường hơn… Tôi nghĩ khi có nhiều công ty Đông Nam Á IPO trên toàn cầu, mức độ nhận biết sẽ còn rõ rệt hơn". Theo Chủ tịch Grab, khi tương tác với giới đầu tư, ông tin rằng các "ông lớn" Mỹ đang có xu hướng quan tâm và chuyển dịch về phía Trung Quốc.

Grab hiện đang hoạt động tại 8 quốc gia Đông Nam Á và là một trong những "kì lân" lớn nhất khu vực. Theo định giá từ CB Insights, Grab đang có định giá khoảng 14,3 tỉ USD.

Được nhiều nhà đầu tư lớn "chống lưng", Grab đang theo đuổi chiến lược siêu ứng dụng khi cung cấp các dịch vụ đa dạng, từ gọi xe, giao đồ ăn, thanh toán điện tử đến dịch vụ tài chính nói chung.

Dù vậy, đại dịch COVID-19 đang khiến mảng gọi xe bị ảnh hưởng nặng nề. Đổi lại, mảng giao đồ ăn lại tăng trưởng mạnh mẽ. Ông Ming Maa tiết lộ doanh thu của Grab đang tương đương 95% mức trước đại dịch.

Nikkei chỉ ra rằng chiến lược siêu ứng dụng của Grab không thay đổi. Tuy nhiên, startup này đang ưu tiên mảng giao đồ ăn, đồ tươi sống và dịch vụ tài chính. Mới đây, Grab đầu tư vào công ty thanh toán nhà nước của Indonesia có tên LinkAja.

Grab cũng đang liên danh cùng Singtel để xin cấp phép ngân hàng điện tử tại Singapore. "Chúng tôi cho rằng việc cung cấp một giải pháp ngân hàng dễ tiếp cận và chi phí thấp tới nhiều người dùng nhất có thể ngày càng quan trọng," ông nói.