21/11/2024 | 17:34 GMT+7, Hà Nội

Báo Mỹ: Việt Nam là điểm sáng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 26/04/2020, 16:42

Tờ Los Angeles Times của Mỹ cho rằng Việt Nam nổi lên là một điểm sáng hiếm hoi và bất ngờ trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.

Tờ Los Angeles Times của Mỹ ngày 23/4 đăng tải bài viết có tiêu đề: Việt Nam - Quốc gia 95 triệu dân chưa có ca tử vong nào do Covid-19”.
Tờ Los Angeles Times cho rằng Việt Nam nổi lên là một điểm sáng hiếm hoi trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Reuters

Bài viết nhận định, nổi lên là một điểm sáng hiếm hoi và bất ngờ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Việt Nam đã bắt đầu nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội toàn quốc từ ngày 23/4 sau khi thực hiện chiến dịch ngăn chặn mạnh mẽ nhằm hạn chế số ca mắc Covid-19.

Nhờ các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh sớm và quyết liệt, Việt Nam - một quốc gia chu Á ban đầu có nguy cơ cao với Covid-19, hiện ghi nhận ít trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và chưa có ca tử vong.

Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ biên giới, huy động lực lượng quân đội và an ninh để hỗ trợ việc chống dịch Covid-19 cũng như xử phạt các đối tượng lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Sau khi triển khai "kho vũ khí" để chống dịch như chống giặc, quốc gia với 95 triệu dân, đã trải qua một tuần không có ca mắc bệnh Covid-19 mới.

Mặc dù các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh được đánh giá rất hiệu quả, thì thành công của Việt Nam không dễ dàng lặp lại ở các quốc gia khác. Khả năng huy động toàn bộ bộ máy an ninh và chính trị này khó có thể được thấy ở các quốc gia phương Tây.

Bài viết cho biết bắt đầu từ ngày 23/4, Việt Nam đã cho phép người dân trên cả nước mở cửa một số hoạt động kinh doanh thiết yếu trở lại, khởi động lại hoạt động của xe bus, taxi và các chuyến bay nội địa thường xuyên lần đầu tiên sau 3 tuần.

Một nhà tài trợ chuyển gạo đến địa điểm phát lương thực miễn phí cho người gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Hà Nội. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực ở Đông Nam Á vẫn đang sống dưới lệnh phong tỏa, người dân Việt Nam được khuyến khích tiếp tục đeo khẩu trang nơi công cộng, tập trung không quá 20 người. Các trường học duy trì đóng cửa thêm một vài tuần nữa và các chuyến bay quốc tế vẫn đang bị tạm dừng.

“Nhiều nơi trên thế giới ghi nhận dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lây lan, vì vậy rủi ro chưa kết thúc đối với Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Kể từ khi chính phủ ban hành chỉ thị giãn cách xã hội bắt đầu từ ngày 1/4, Việt Nam chứng kiến sự gia tăng ở mức khiêm tốn các trường hợp mắc Covid-19. Tính đến ngày 23/4, Việt Nam chỉ ghi nhận 268 ca mắc, điều trị khỏi 225 trường hợp và không có ca tử vong.

"Những con số thấp đến mức đáng kinh ngạc ở Việt Nam - nơi có chung biên giới với Trung Quốc -nơi khởi phát dịch bệnh Covid-19. Họ cũng không có quá nhiều nguồn lực để thử nghiệm rộng rãi như Hàn Quốc hay giám sát kỹ thuật số như Đài Loan" - bài viết trên tờ Los Angeles Times nhấn mạnh.

Kết quả nói trên lại càng nổi bật hơn nữa khi các quốc gia Đông Nam Á khác đang phải căng mình chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Singapore - đất nước có nền kinh tế phát triển, từng được coi là hình mẫu trong cuộc chiến chống Covid-19, giờ đây đang phải chứng kiến số ca mắc mới tăng vọt, chủ yếu ở những lao động nhập cư sống trong các ký túc xá chật chật. Indonesia đang ghi nhận số ca tử vong cao nhất châu Á, sau Trung Quốc, do đã không lưu tâm đến cảnh báo ở giai đoạn đầu.

Huong Le Thu, chuyên gia phân tích cao cấp tại Viện Chính sách chiến lược Australia cho biết: “Thật đáng ngạc nhiên. Tôi cho rằng Việt Nam là một câu chuyện thành công. Vẫn quá sớm để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ của dịch bệnh Covid-19, nhưng các biện pháp ngăn chặn của Việt Nam đến nay đã chứng minh là khá hiệu quả”.

Các chuyên gia đánh giá cao vào các biện pháp ứng phó kịp thời và mang tính quyết định của Việt Nam như cho học sinh nghỉ học, cách ly hàng chục nghìn người, tuyên truyền các biện pháp giãn cách xã hội và theo dõi tiếp xúc liên lạc của bệnh nhân nhiễm Covid-19...

Theo bài viết, mô hình của Việt Nam đã được chứng minh phát huy tác dụng trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu. Bài viết cũng lưu ý rằng Việt Nam là quốc gia đầu tiên dập được dịch SARS cách đây gần 2 thập kỷ.

Ông Lê Hồng Hiệp - chuyên gia nghiên cứu Việt Nam của Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore cho biết: “Việt Nam có thể làm được điều đó, một phần là nhờ có kinh nghiệm trong việc đối phó với những tình huống như vậy”.

Vào tháng 2, khi một nhóm lao động Việt Nam có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi trở về từ TP Vũ Hán, Trung Quốc - nơi khởi phát dịch bệnh, chính quyền địa phương đã cách ly toàn bộ cộng đồng dân cư khoảng 10.000 người trong 3 tuần.

Trong những tuần gần đây, khi số ca bệnh “ngoại nhập” gia tăng trên khắp châu Á, Việt Nam đã đưa hàng chục nghìn khách du lịch mới đến cách ly tại các khu cách ly tập trung. Các biện pháp quyết liệt này đã giúp giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện của Việt Nam và cho phép những người thuộc diện theo dõi có tiếp xúc với bệnh nhân tập trung trong một số cụm tương đối nhỏ.  

Người mua sắm tuân thủ quy định giãn cách xã hội nhằm ngăn dịch Covid-19 tại một chợ dân sinh ở thủ đô Hà Nội. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, ông Todd Pollack, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Harvard, đồng thời là người phụ trách một nhóm ngiên cứu ​​về sức khỏe ở Hà Nội cho rằng, Việt Nam vẫn cần phải quan tâm đến những trường hợp mắc bệnh Covid-19 không triệu chứng.

“Những gì chúng ta biết hiện nay là virus này lây lan trước khi người bệnh có triệu chứng vì thế nếu bạn chỉ theo dõi những người đã có triệu chứng thì đã quá muộn”- chuyên gia cho hay.

Các quan chức Mỹ đã rất bất ngờ vì tỷ lệ lây nhiễm bệnh Covid-19 thấp ở Việt Nam. Tuy vậy, tiến sĩ John MacArthur Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại khu vực Đông Nam Á, phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến trong tuần trước khẳng định “không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy những con số thông kê ở Việt Nam là sai”.