18/01/2025 | 17:54 GMT+7, Hà Nội

Kiên cường giữa tâm dịch Hạ Lôi

Cập nhật lúc: 26/04/2020, 16:19

Hơn nửa tháng kể từ ngày thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) bị phong tỏa, cuộc sống của người dân nơi đây bị xáo trộn nhiều.

Hơn nửa tháng kể từ ngày thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) bị phong tỏa, cuộc sống của người dân nơi đây bị xáo trộn nhiều. Thế nhưng có một kết quả nổi bật không thể phủ nhận, đó là ổ dịch Covid-19 này đã được kiểm soát, mọi người dân đều được chăm sóc, khám chữa bệnh kịp thời. Đằng sau kết quả đó là sự dấn thân, hy sinh của hàng trăm nhân viên y tế…

Bác sĩ cắm chốt ở phòng khám đa khoa dã chiến trong vùng cách ly thôn Hạ Lôi khám chữa bệnh cho nhân dân

Tình nguyện vào tâm dịch

Tối 7-4-2020, UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) quyết định cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với 2.973 hộ dân, tương đương với 10.872 nhân khẩu, do liên quan bệnh nhân Covid-19 số 243. Thời gian cách ly là 28 ngày, kể từ 8-4 đến hết 6-5-2020. Vấn đề quan trọng nhất khi cách ly một địa bàn dân cư, đó là phải khoanh vùng dập dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo an sinh, ổn định trật tự xã hội.

Những ngày đầu tiên phong tỏa, biện pháp cấp bách cần triển khai là phải nhanh chóng có kết quả xét nghiệm sàng lọc cho hàng nghìn người dân trong thôn. Lực lượng chính để triển khai những nhiệm vụ đó, không ai khác chính là các nhân viên y tế. Câu chuyện tối 9-4, hơn 200 “chiến sĩ áo trắng” của 35 đội cơ động đến từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, 30 Trung tâm y tế quận/huyện/thị xã, cùng sự hỗ trợ của 20 sinh viên ngành y kéo về Hạ Lôi, làm việc thâu đêm, lấy gần 1.700 mẫu xét nghiệm cho người dân, hiện vẫn được bà con ở ổ dịch này nhắc lại với tình cảm trân trọng.

Cán bộ dịch tễ tuyến thành phố về rồi đi, trong khi lệnh phong tỏa kéo dài tới gần 1 tháng. Vì thế, trọng trách đảm bảo y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong vùng cách ly phải do y tế cơ sở đảm nhiệm, trực tiếp là Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh và Trạm Y tế xã Mê Linh. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đỗ Viết Tuyến - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh cho biết, ngay sau khi thôn Hạ Lôi bị phong tỏa, bệnh viện huyện đã cử Đội cấp cứu và Đội phản ứng nhanh với hơn 10 y bác sĩ cùng 1 xe cứu thương đến thiết lập 1 phòng khám dã chiến đa khoa nằm ngay trong tâm dịch.  

Điều dưỡng trẻ Bùi Thị Dung là 1 trong hơn 10 cán bộ của Bệnh viện Đa khoa Mê Linh được cử đến công tác tại phòng khám đa khoa dã chiến trong thôn Hạ Lôi. Khi vào khu vực cách ly, lúc đầu chị có chút lo lắng bởi con còn nhỏ, đặc biệt chồng chị công tác cùng bệnh viện cũng đã đăng ký trong danh sách điều động vào nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến Mê Linh - một bệnh viện được thành phố thiết lập khẩn trương để sẵn sàng tiếp nhận những bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 chuyển về.

Thế nhưng không mất nhiều thời gian để đắn đo, Dung đã nhanh chóng xách ba lô lên đường vào tâm dịch. Là điều dưỡng, chị được phân công nhiệm vụ đón tiếp, đo thân nhiệt từng người dân vào khám, hướng dẫn họ sát khuẩn, ngồi cách nhau 2m trong khi chờ đến lượt, hay hướng dẫn những người bệnh nặng chuyển viện bằng xe cứu thương.

Cùng đoàn công tác với điều dưỡng Dung, bác sĩ Nguyễn Chiến Thắng là 1 trong 2 bác sĩ chủ chốt được Bệnh viện Đa khoa Mê Linh cử “cắm chốt” ở phòng khám dã chiến để sàng lọc, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Bác sĩ Thắng chia sẻ, dù biết sẽ vất vả và nhiều rủi ro, nhưng anh xác định phải nỗ lực hết sức bởi hơn lúc nào hết, người dân trong vùng dịch cách ly rất cần đến những bác sĩ tuyến đầu như anh và các đồng nghiệp.

Hạ Lôi là thôn đông dân. Dịch Covid-19 ập đến với liên tiếp 13 ca mắc khiến họ lo lắng, nên hễ có triệu chứng ốm, sốt hay bất cứ bệnh gì là lập tức đến phòng khám. Khoảng 10 ngày đầu tiên kể từ khi bị phong tỏa, phòng khám dã chiến ở đây tiếp nhận trung bình 50-60 bệnh nhân/ngày, cao điểm thì có tới 104 bệnh nhân/ngày với khoảng 20-30 ca nặng được chuyển tuyến.

Không chỉ vậy, ngày 16-4, tại phòng khám dã chiến, Bệnh viện Đa khoa Mê Linh phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội còn tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí cho nhiều bệnh nhân tim mạch đang có hồ sơ quản lý ngoại trú… Ông Quách Sĩ Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Mê Linh đánh giá, chính những hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đảm bảo như vậy đã góp phần mang lại niềm tin, giúp bà con nhân dân thôn Hạ Lôi yên tâm hơn khi phải cách ly dài ngày.

Thành quả không tự nhiên mà có

Song song với việc tổ chức phòng khám đa khoa dã chiến, Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh cũng thiết lập 1 phòng khám, 1 phòng mổ cấp cứu và 1 khu vực điều trị riêng với 40 giường bệnh cách ly để điều trị riêng cho những bệnh nhân thôn Hạ Lôi. Đặc biệt, trong ngày 12 và 13-4, các y bác sĩ ở đây đã cấp cứu thành công ngay trong đêm cho 2 trường hợp theo một quy trình đặc biệt. Bác sỹ Đỗ Viết Tuyến - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh kể lại, 2 bệnh nhân nặng này được phòng khám đa khoa dã chiến tiếp nhận khám ban đầu, sau đó chuyển gấp đến bệnh viện huyện bằng xe cứu thương phòng chống dịch.

Ca thứ nhất là bệnh nhân Đặng Thị H (39 tuổi, ở xóm Xanh, Hạ Lôi), chẩn đoán chửa ngoài tử cung vỡ, có choáng, được di chuyển bằng xe ô tô cứu thương có cán bộ y tế hộ tống đến Bệnh viện Đa khoa Mê Linh vào lúc 0h10 ngày 13-4. Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành hồi sức cấp cứu, hội chẩn và chỉ định mổ cấp cứu trong đêm. Ca mổ đã diễn ra thành công, kết thúc vào lúc 5h sáng. Ca bệnh thứ hai là bệnh nhân Nguyễn Huy M (16 tuổi, ở xóm Cầu, Hạ Lôi), chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, được xe cứu thương chuyển đến bệnh viện vào chiều 13-4. Bệnh nhân nhanh chóng được mổ cấp cứu, kết thúc lúc 0h30 ngày 14-4.

Bác sĩ Đỗ Viết Tuyến cho biết, ở điều kiện bình thường thì việc phẫu thuật cho 2 ca bệnh kể trên không khó. Song, trong bối cảnh tại tâm dịch, từ khâu chẩn đoán, quyết định chuyển viện, đến quá trình di chuyển và bố trí phòng mổ đều phải được thực hiện một cách chặt chẽ, đảm bảo quy trình dịch tễ nghiêm ngặt. 

Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh đã chuẩn bị công tác phân luồng tạo hành lang một chiều riêng biệt từ khu tiếp đón điều trị bệnh nhân đến phòng mổ. Công tác khử khuẩn được tiến hành liên tục từ khi tiếp nhận khám bệnh, vận chuyển, phẫu thuật. Đặc biệt, kíp phẫu thuật cũng giảm thiểu tối đa, chỉ còn 5 y bác sĩ, trong khi ca mổ thông thường phải có 7-8 người.

Một yếu tố nữa cũng không thể không nhắc tới, đó là khi thành phố quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến Mê Linh với quy mô hơn 200 giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19, theo kế hoạch cần huy động khoảng 140 y bác sĩ thì riêng Bệnh viện Đa khoa Mê Linh đã đóng góp khoảng 90 nhân viên y tế. Dù đến nay Bệnh viện dã chiến Mê Linh chưa đi vào hoạt động, nhưng tại thời điểm huy động nhân sự, cán bộ nhân viên trong diện được huy động đều thể hiện tinh thần tự nguyện rất cao, dù biết vào đây là phải vất vả, đối mặt với nhiều rủi ro. Điều này một lần nữa cho thấy, giữa tâm dịch, tinh thần y đức lại sáng ngời.