18/01/2025 | 20:14 GMT+7, Hà Nội

Bản tin chứng khoán ngày 4/3: Khối ngoại xả mạnh gần 480 tỷ đồng

Cập nhật lúc: 04/03/2020, 16:42

Đáng chú ý, trong phiên nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh, nhóm cổ phiếu thuộc họ FLC tăng kịch trần như FLC, ROS, KLF, HAI.

Diễn biến các chỉ số chính trong phiên giao dịch 4/3. Nguồn: FinanceVietstock

Kết thúc phiên giao dịch 4/3, VN-Index giảm 1,24 điểm (0,14%) xuống còn 889,37 điểm; HNX-Index tăng 1,44 điểm lên 114,02 điểm và UPCoM-Index giảm 0,01 điểm còn 55,46 điểm.

Thị trường có sự hồi phục nhẹ vào phiên chiều, giá trị giao dịch tại ba sàn đạt khoảng 5.242 tỷ đồng với thanh khoản hơn 351 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index gồm VHM, GAS, BID, VCB, FPT... Ngược lại, một số mã cổ phiếu gồm HVN, VJC, TPB, STB, HDB tăng mạnh.

Đáng chú ý, các mã thuộc họ cổ phiếu FLC tăng kịch trần trong phiên giao dịch như FLC, ROS, KLF, HAI, ngoài ra, GAB cũng tăng 6,6% lên 116.500 đồng/cp. Trong đó, FLC dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE với khối lượng khớp lệnh hơn 19,5 triệu đơn vị. 

Ngày 27/2, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) liên quan đến việc gỡ bỏ giới hạn về số lượng tàu bay của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Theo quyết định ngày 14/8/2019 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kí, hãng hàng không Bamboo Airways được phép khai thác tối đa 30 tàu bay, bao gồm các loại tàu bay thân hẹp (Airbus A319/A320/A321) và tàu bay thân rộng (Airbus A330, A350 hoặc Boeing 787).

Trong khi đó theo qui định tại Nghị định 89/2019, doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 1.300 tỉ đồng trở lên có thể khai thác trên 30 tàu bay cho vận chuyển hàng không quốc tế.

Cuối tháng 12/2019, vị Chủ tịch Tập đoàn FLC từng phát biểu: "Hiện chúng tôi muốn xin phép nâng đội tàu bay lên 50 chiếc. Cho dù Bamboo Airways muốn nâng lên 100 hay 200 tàu bay, mà chúng tôi làm tốt thế này, thì nhà nước nào cũng phải cấp phép chứ không riêng gì Nhà nước mình. Nhà nước mình đang khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, không lí do gì không cấp phép cho Bamboo Airways".

Ngày 4/2, ông Trịnh Văn Quyết đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu GAB của CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC. Giao dịch dự kiến được thực hiện trong vòng 30 ngày từ ngày 4/2. Nếu thực hiện thành công, ông Quyết sẽ trở thành cổ đông lớn của GAB với 14,5% vốn cổ phần.

Giữa tháng 2, Tập đoàn FLC có đề xuất phương án, ý tưởng quy hoạch, thiết kế Dự án Khu đô thị mới kết hợp khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Suối Cam. Theo tin từ Báo Bình Phước, phương án này có diện tích gần 1.757 ha, thuộc địa bàn các phường Tân Phú, Tiến Thành và xã Tân Thành. 

Trở lại diễn biến thị trường, các nhóm ngành khác như ngân hàng cũng ghi nhận sắc xanh chiếm ưu thế, cổ phiếu SHB tăng 6,2% lên 12.000 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh hơn 50 triệu đơn vị; mã TPB và STB tăng trên 2%. Nhóm ngành thép giao dịch tích cực với POM tăng 3,2%, VGS tăng 2,8% và HSG tăng 1,4%.

Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng khoảng 359 tỷ đồng, khối lượng hơn 10,6 triệu đơn vị. Trong đó, cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất gồm MSN (46,6) tỷ đồng, VHM (42) tỷ đồng và TLG (39) tỷ đồng. Chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ ETF E1VFVN30 được mua ròng nhiều nhất, khoảng 31,1 tỷ đồng. Theo sau là PHR (6,1 tỷ đồng), SVC (4,4 tỷ đồng).

Ngày 18/2, CTCP Tập đoàn Masan (HOSE, Mã: MSN) công bố kế hoạch phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong hai quý đầu năm nay. 

Trong đó, 5.000 tỷ đồng góp thêm vào vốn điều lệ của Công ty TNHH Tầm Nhìn Masan (Masan Horizon); 3.000 tỷ đồng cấp khoản vay cho Công ty TNHH Masan Consumer Holdings; 1.000 tỷ đồng thanh toán nợ vay nội bộ của Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo và 1.000 tỷ đồng là cấp khoản vay cho Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam.

Trên sàn HNX, giá trị bán ròng đạt khoảng 142 tỷ đồng với khối lượng hơn 11,3 triệu đơn vị. Nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng SHB (103,9 tỷ đồng), PVS (35 tỷ đồng), NTP (4,2 tỷ đồng). Tuy nhiên, chiều mua ròng khá thấp với một số mã cố phiếu gồm SLS (479 triệu đồng), DHT (233 triệu đồng), TIG (231 triệu đồng).

Đối với các mã trên UPCoM, khối ngoại mua ròng gần 24 tỷ đồng với hơn 1,7 triệu đơn vị, tập trung bán mạnh VTP (3,1 tỷ đồng) và mua ròng ACV (15,4 tỷ đồng).

Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng khoảng 477 tỷ đồng toàn thị trường trong phiên 4/3.