22/11/2024 | 06:49 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Trong năm 2020, Hà Nội xử lý 402 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng

Cập nhật lúc: 03/01/2021, 19:00

Trong năm 2020, Hà Nội xử lý 402 trường hợp vi phạm TTXD; TP HCM đã di dời loạt chung cư cũ; Năm 2021, thị trường bất động sản đón sóng đầu tư FDI; Cuối năm lại lo sốt giá bất động sản là những tin chính.

Trong năm 2020, Hà Nội xử lý 402 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng

Theo vov.vn, qua kiểm tra, lực lượng đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 402 trường hợp (chiếm tỷ lệ 2,13%) vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, các quận, huyện đã xử lý dứt điểm 300 trường hợp và đang tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền 102 trường hợp.

Hà Nội xử lý 402 trường hợp vi phạm ttxd
Trong năm 2020, Hà Nội xử lý 402 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng

Liên quan đến vấn đề này, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, năm 2020 trên địa bàn thành phố có gần 19.000 công trình xây dựng. Qua kiểm tra, lực lượng đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 402 trường hợp (chiếm tỷ lệ 2,13%) vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, các quận, huyện đã xử lý dứt điểm 300 trường hợp và đang tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền 102 trường hợp.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, số lượng công trình xây dựng phát sinh hằng năm trên địa bàn thành phố vẫn khá lớn, tuy nhiên số công trình vi phạm đã giảm rõ rệt.

Để làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng, thanh tra Sở Xây dựng đã thường xuyên phối hợp, hướng dẫn UBND các quận huyện, xã phường giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc từ thực tế địa bàn./.

TP HCM đã di dời loạt chung cư cũ trong năm 2020

Mới đây, Sở Xây dựng TP HCM đã có báo cáo gửi UBND TP về công tác cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn.

Theo đó, từ năm 2016 đến tháng 09/2020, Sở đã hoàn thành công tác kiểm tra, rà soát, phân loại và kiểm định chất lượng đối với 474 chung cư cũ (573 lô) xây dựng trước năm 1975. Công tác lập, phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới thay thế chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975: toàn bộ 15 quận có chung cư cũ đã ban hành kế hoạch, toàn bộ 6 quận có chung cư cấp D đã ban hành kế hoạch.

Về chuẩn bị quỹ nhà tạm cư, UBND TP chấp thuận cho UBND các quận sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước đủ để tạm cư, tái định cư cho các hộ dân cư đang ngụ tại chung cư cấp D, có cơ sở cho UBND các quận lập, phê duyệt phương án và tổ chức di dời tạm trú, tái định cư cho các hộ dân. Đồng thời, UBND TP đã chấp thuận cho UBND các quận tự ứng ngân sách chi tạm cư cho các hộ dân trong trường hợp người dân không đồng ý tạm trú tại các quỹ thuộc sở hữu Nhà nước. 

TP HCM di dời chung cư cũ
TP HCM đã di dời loạt chung cư cũ trong năm 2020
 

Cụ thể,  TP HCM đã thảo thuận, di dời 19 chung cư với 879 hộ dân, trong đó, di dời toàn bộ 6/15 chung cư cấp D với 333 hộ dân, di dời dỡ dang 5 chung cư với 200/566 hộ dân, tổng cộng đã di dời 533/1023 hộ dân. Đối với chung cư không phải cấp D đã di dời toàn bộ 8 chung cư với 46 hộ dân.

Theo đó, TP HCM đã tháo dỡ toàn bộ 10 chung cư với hơn 123.211,4 m2 sàn, trong đó, đã tháo dỡ 4/15 chung cư cấp D với 14.470 m2 sàn, 6 chung cư không phải cấp D với 108.741 m2 sàn. Hoàn thành xây dựng mới 2 chung cư với quy mô 88.187 m2 sàn, 876 căn hộ (chung cư số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3; khu B chung cư Nguyễn Kim, quận 10). Đang thi công xây dựng 3 chung cư quy mô 260.833,54 m2 sàn với 2.009 căn hộ (chung cư 251 đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình; 289 đường Trần Hưng Đạo, quận 1; chung cư Cô Giang, quận 1).

Từ tình trạng trên, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND quận, huyện đẩy mạnh công tác cải tạo, xây dựng chung cư cũ địa bàn, tổ chức lập, phê duyệt, công bố kế hoạch theo quy định. Triển khai ngay việc di dời, bố trí tạm cư và thực hiện cải tạo, xây dựng lại đối với các nhà chung cư cũ đã xác định thuộc diện nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của các hộ dân trong năm 2020.

Trong đề án "Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TP HCM năm 2021 - 2030, Sở Xây dựng kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho chủ đầu tư được miễn phí thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước đối với phần tích còn lại tại tòa nhà chung cư thuộc quyền sử dụng chung hoặc chủ sở hữu Nhà nước mà trước đây Nhà nước không phân bổ vào diện tích bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho các hộ dân cư (hành lang, cầu thang, lối đi chung…).

Năm 2021, thị trường bất động sản đón sóng đầu tư FDI

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2020, nhưng vốn FDI thực hiện vẫn đạt mức khá cao, ước 15,8 tỷ USD, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm 2019. Phân theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 10,7 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Cụ thể, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 4,8 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS với tổng vốn đăng ký gần 3,5 tỷ USD, hoạt động bán buôn bán lẻ 1,4 tỷ USD đứng thứ 4.

Thị trường bds đón đầu tư fdi
Thị trường bất động sản đón sóng đầu tư FDI vào năm 2021
 

Sau nhiều năm đứng vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo) thì sau 10 tháng năm 2020, đăng ký đầu tư trong lĩnh vực BĐS chỉ còn chiếm khoảng 15% tổng nguồn vốn FDI (gần 3,5 tỷ USD), xếp xuống vị trí thứ 3. Tuy nhiên, xét lộ trình trong năm 2020, thu hút đầu tư FDI có sự tăng trưởng tốt; nếu như trong 6 tháng đầu năm tổng lượng vốn thu hút được chỉ khoảng 0,8 tỷ USD, trong quý 3 là 2,35 tỷ USD và đến hết quý IV tổng thu hút vốn FDI đạt 3,5 tỷ USD.

“Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng có thể thấy thị trường BĐS vẫn có tín hiệu phục hồi tốt, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm. Sự phục hồi này kỳ vọng vào làn sóng đầu tư mới từ nhóm FDI vào Việt Nam trong năm 2021 khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn trên phạm vi toàn thế giới” - Chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành nhìn nhận.

Cùng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó giám đốc bộ phận Định giá và tư vấn tài chính Savills Hà Nội cho rằng, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội tốt về thu hút vốn đầu tư FDI, do thể chế chính trị ổn định; những chính sách thu hút đầu tư luôn được Chính phủ cải thiện, các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế ghi nhận và luôn được nâng cao về thứ hạng cạnh tranh.

“Việt Nam là nước có cơ cấu dân số trẻ, giá thuê nhân công và giá thuê đất để sản xuất trong khu công nghiệp rẻ hơn so với một số quốc gia trong khu vực. Với nhu cầu chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp và việc thực hiện cắt giảm nguồn nhân công để giảm chi phí, chúng ta có thể thấy rằng trong thời gian qua thị trường đã đón nhận thêm nhiều nhà đầu tư FDI vào BĐS khu công nghiệp và kinh doanh hạ tầng lưu trú gần khu công nghiệp, làn sóng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới” - Chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Vân nhận định.

Cuối năm lại lo sốt giá bất động sản

Theo reatimes, số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết nhiều dự án ở phía Tây Hà Nội đang có sự đột biến về giá, từ khoảng 30 triệu đồng/m2 hồi đầu năm, tăng lên 50 - 55 triệu đồng/m2 vào cuối quý III/2020. Ở một số thị trường phía Bắc như Bắc Ninh và Bắc Giang, giá đất nền hiện cũng tăng mạnh so với 6 tháng đầu năm.

Còn ở miền Đông Nam Bộ - những địa phương giáp ranh với TP HCM, việc đầu tư sân bay Long Thành (Đồng Nai) cùng hàng loạt cầu đường kết nối không gian phát triển các tỉnh miền Đông đã tạo nên làn sóng thực sự sôi động. Giá đất tại khu vực Long Thành hồi năm 2019 dao động từ 12 - 14 triệu đồng/ m2, sang năm 2020 đã bị đẩy lên vùng giá bình quân 22 triệu đồng/m2.

Cuối năm lại lo sốt giá bds
Cuối năm lại lo sốt giá bất động sản

Tại TP HCM, kể từ khi có thông tin thành lập TP Thủ Đức, bất động sản khu Đông trở nên nóng sốt. Giá đất trung bình tại Thủ Đức hiện đã ở mức bình quân 60 - 70 triệu đồng/m2. Thậm chí còn xuất hiện các căn hộ có mức giá từ 60 - 90 triệu đồng/m2. Ở những vị trí đường lớn, có thể khai thác kinh doanh, mức giá còn nhảy vọt lên 100 - 140 triệu đồng/m2. Đây là mức giá chưa từng có từ trước tới nay ở địa bàn này. Tuy nhiên, khách hàng tìm mua đất nền tại đây chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân thay vì những người có nhu cầu ở thật.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến giá nhà đất đang leo thang là do lực cầu ảo. Tức là nhóm đầu cơ mua đi bán lại, họ mua tài sản chờ tăng giá và ăn chênh lệch qua các lần giao dịch. Những người này không có nhu cầu sử dụng bất động sản mà chỉ tham gia vào thị trường để kiếm lợi nhuận thông qua các kỹ thuật đẩy giá, mua rẻ bán cao, từ đó khiến cho giá tài sản tăng nóng.

Bên cạnh đó là tình trạng giá ảo lấn lướt giá thật. Giá nhà đất cho nhu cầu thật (để ở) không có đã khiến giá cho nhu cầu ảo (đầu cơ) lấn lướt. Xét mối tương quan nguồn cung cho nhu cầu thật bị thiếu trầm trọng nhiều năm qua và nguồn cung cho nhu cầu ảo cũng suy yếu trong mùa dịch đã khiến thị trường phân hóa thành 2 loại giá nhà đất. Loại thứ nhất là giá cho nhu cầu thật và loại thứ hai là giá cơ hội.

Dự báo tích cực cho bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2021

Trong năm 2020, mặc dù nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng phải hứng chịu ảnh hưởng rất lớn do đại dịch COVID-19 thì bất động sản công nghiệp lại nổi lên như một sự “biến nguy thành cơ”.

Với việc vừa qua nhiều tập đoàn trên thế giới lập kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam thì rõ ràng, trong năm 2021, bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi và được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những lực kéo quan trọng để kinh tế có thêm nhiều hi vọng cho năm tới.

Cùng với đó, phân khúc bất động sản công nghiệp tại Việt Nam vừa qua cũng đã chứng kiến sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn nước ngoài đăng ký đầu tư vào bất động sản trong 11 tháng năm 2020 đạt gần 3,8 tỷ USD. Trong đó, bất động sản công nghiệp là lĩnh vực đóng vai trò dẫn dắt với hàng loạt dự án lớn liên tiếp.

Bất động sản công nghiệp
Dự báo tích cực cho bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2021

Theo các chuyên gia với sự cải thiện trong chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất và sản xuất công nghiệp trong tháng 9, các chuyên gia hy vọng tốc độ tăng trưởng này sẽ tiếp tục nếu Việt Nam kiểm soát số ca Covid-19 ở mức thấp.

Bên cạnh việc hưởng lợi từ các nguồn vốn FDI, phân khúc bất động sản công nghiệp của Việt Nam cũng đang nhận được sự quan tâm của nhiều ông lớn bất động sản trong nước.

Trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay, theo nhận định của CBRE Việt Nam thì bản thân các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp đang có những thay đổi trong việc phát triển sản phẩm nhằm thích ứng với tình hình mới.

Cụ thể, CBRE cho rằng việc ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành nhà xưởng, cung cấp các gói dịch vụ đi kèm đang dần tạo nên một mô hình phát triển bất động sản công nghiệp mới tại Việt Nam tích hợp giữa cung cấp bất động sản lẫn dịch vụ hỗ trợ đầu tư và quản lý.